Cùng với việc tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt, hiện nay các địa phương, ngành nông nghiệp Phú Yên đang chuẩn bị sản xuất vụ lúa đông xuân. Tuy nhiên vấn đề khó khăn nhất hiện nay là tình trạng thiếu lúa giống trong dân.
Hội thảo đầu bờ về các giống lúa mới - Ảnh: LY KHA
Vụ lúa đông xuân 2007-2008, tỉnh Phú Yên sẽ gieo sạ hơn 25.000ha. Theo kế hoạch, thời gian gieo sạ sẽ bắt đầu từ ngày 10/12/2007 đến ngày 5/1/2008. Với mật độ gieo sạ từ 120-140kg giống /ha thì nhu cầu lúa giống toàn tỉnh trong vụ sản xuất này là khoảng 3800-4000 tấn. Thông thường, ngay sau khi thu hoạch vụ lúa hè thu, bà con nông dân đã chuẩn bị lượng giống cho vụ đông xuân, phù hợp với thời vụ và từng chân ruộng của gia đình. Thế nhưng trong đợt lũ lụt vừa qua, rất nhiều hộ bị ướt cả lúa giống lẫn lúa ăn vì bị ngập sâu. Theo thống kê chưa đầy đủ, ngoài thiệt hại về kênh mương, thủy lợi, hư hại hoa màu thì nước lũ đã làm hư hại khoảng 1000 tấn lúa giống. Nhà bà Nguyễn Thị Hay ở thôn Đông Phước, xã Hoà An có hai bao lúa giống và mấy bao lúa ăn. Biết mưa lớn, bà đã kê lúa lên hai cái bàn nhưng trong đợt lũ vừa qua, nhà bà bị ngập đến mái, cả nhà chỉ còn biết bỏ của chạy lấy người. Sau 3 ngày chạy lụt trở về, mấy bao lúa ăn và lúa giống đã ra mộng. Bà thở dài: “Tranh thủ mấy ngày nắng sau lụt đem mấy bao lúa ướt đã nứt mộng đi phơi và xay gạo, đến gạo cũng đắng không ăn được huống gì làm giống. Nếu không có nguồn giống hỗ trợ từ huyện, tỉnh, không biết mùa này lấy gì mà làm…”
Ở những vùng bị ngập nặng thuộc các xã như Hòa Trị, Hòa An, Hòa Thành, Hòa Xuân, Hòa Vinh, Hòa Đồng, Hòa Thịnh, Hòa Mỹ…, số hộ dân còn giữ được lúa giống rất ít. Hầu hết bà con đều bị thiệt hại nặng. Người ít thì hư vài trăm ký, người nhiều thì đến vài tấn. Nhiều hợp tác xã hiện nay không biết huy động đâu đủ lượng giống để gieo sạ vì nhu cầu thì nhiều mà lượng giống cân đối giữa các xã không đủ. Ngay cả ở hai trung tâm giống là Hòa An và Hòa Đồng, vụ hè thu vừa qua, hai trại sản xuất được khoảng 100 tấn lúa giống nhưng cũng đã bán hết trước khi mưa lụt xảy ra. Giải pháp của các địa phương lúc này vẫn là tổng hợp nhu cầu của bà con để đề nghị cấp trên hỗ trợ. Ông Võ Tuận, Chủ tịch UBND xã Hòa An (huyện Phú Hòa), một trong những địa phương bị ngập sâu cho biết: “Xã có đến hơn 60% hộ dân trong tổng số hơn 3700 hộ bị ngập từ nửa nhà đến đá mái. Ngay sau lũ, xã thống kê sơ sơ thì đã có khoảng 50% số hộ mất giống. Hiện nay xã đã có văn bản gửi huyện xin hỗ trợ nhưng còn phải chờ.”
Thời vụ sản xuất sắp đến. Để đảm bảo gieo trồng hết diện tích trên 25 ngàn ha theo kế hoạch, bù đắp lại những thiệt hại do lũ lụt gây ra, ngành nông nghiệp tỉnh đang triển khai nhiều biện pháp huy động giống. Ông Phạm Văn Yên, Trưởng phòng Kế hoạch (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên) cho biết, giải pháp trước mắt của ngành vẫn là vận động các hợp tác xã ở các vùng không bị ngập trao đổi giống. Bà con, trong điều kiện có thể, vay mượn hoán đổi giống phù hợp để chuẩn bị xuống giống theo thời vụ đã định. Trường hợp các xã, các huyện không cân đối được lúa giống tại chỗ thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng tỉnh làm đầu mối, liên hệ với trại giống Ma Lâm - Bình Thuận để mua lúa giống bổ sung, đảm bảo chất lượng, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cung cấp cho các địa phương. Ngoài ra, trong tình hình lượng lúa giống đang thiếu hụt, để đảm bảo sản xuất, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con mở rộng diện tích sạ thưa, sạ hàng để tiết kiệm lượng giống gieo sạ, tập trung áp dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất, phấn đấu gieo sạ hết diện tích theo kế hoạch, bù đắp lại những thiệt hại vừa qua do lũ lụt gây ra.
LÊ BIẾT