Thứ Ba, 26/11/2024 16:49 CH
Gánh nặng từ cho vay nuôi tôm sú
Chủ Nhật, 18/11/2007 07:00 SA

Dịch bệnh trên tôm sú thời gian qua không chỉ đẩy hàng trăm hộ dân ở ba xã Hòa Tâm, Hòa Hiệp Nam và Hòa Xuân Đông thuộc vùng hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa) lâm và cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất, mà ngay cả Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đông Hòa (Agribank Đông Hòa) cũng đang đối mặt với tình trạng nợ quá hạn vượt mức cho phép.

 

071117-TOM-NUOI.jpg

Hiện chỉ có 40% diện tích nuôi tôm ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch sản xuất cầm cự  – Ảnh: N.LƯU

 

Hòa Hiệp Nam là xã có số nợ cho vay nuôi tôm sú cao nhất huyện Đông Hòa với hơn 6,1 tỉ đồng, tương đương 380 hộ vay, trong đó có đến 5,9 tỉ đồng đã chuyển sang nợ quá hạn ba năm nay. Ông Lê Thành ở thôn Đa Ngư, “khổ chủ” của khoản nợ 100 triệu đồng từ năm 2005, buồn rầu nói: “Không chỉ có nợ gốc mà nợ lãi cũng đã lên gần 35 triệu đồng rồi. Gạo còn không đủ ăn lấy đâu ra tiền trả ngân hàng (NH)”. 

 

Còn tại xã Hòa Tâm, tình cảnh cũng không có gì sáng sủa hơn khi toàn xã có đến 1/3 hộ dân đang gánh nợ 5 tỉ đồng, trong đó có 3,5 tỉ đồng tại Agribank Đông Hòa. Chủ tịch UBND xã Hòa Tâm Đặng Thống cho biết: “Xã có 500 ha mặt nước nuôi tôm sú nhưng hiện chỉ có khoảng 40% diện tích còn thả nuôi cầm cự. Nhiều hộ đã “giải nghệ”, bỏ đi nơi khác tìm việc làm, sống đắp đổi qua ngày nhưng vẫn còn “treo” nợ tại NH trên 100 triệu đồng. Những trường hợp này khó có hy vọng thu hồi”.

 

Tình trạng nợ khó đòi cho vay nuôi tôm sú tại vùng hạ lưu sông Bàn Thạch bắt đầu xuất hiện từ năm 2002 và đến năm 2005 tăng mức báo động. “Khi Agribank huyện Tuy Hòa cũ tách ra thành Agribank hai huyện Tây Hòa và Đông Hòa thì tổng dư nợ bàn giao cho Agribank Đông Hoà quản lý là 78 tỉ đồng, trong đó có đến 7 tỉ đồng nợ quá hạn từ cho vay nuôi tôm sú. Hiện nay số nợ quá hạn này đã tăng lên 9,6 tỉ đồng với 767 hộ vay, chiếm 10,32% tổng dư nợ. Cao hơn gấp đôi mức cho phép của ngành ngân hàng” – Giám đốc Agribank Đông Hòa Đinh Văn Tường cho biết.

 

Một vấn đề đáng chú ý là khi tiến hành lập dự án và thẩm định vay vốn, không hiểu vì sao nhiều hộ chỉ thế chấp giấy sử dụng diện tích hồ nuôi có thời hạn do UBND xã xác nhận mà Agribank Đông Hòa vẫn cho vay. Chỉ đến khi dịch bệnh tôm tràn lan, nông dân vỡ nợ thì NH mới “tá hỏa”. Điều này gây không ít khó khăn trong việc thu hồi nợ vì giấy xác nhận không đủ cơ sở pháp lý để cưỡng chế thu hồi. Và con số 9,6 tỉ đồng chưa phải là cuối cùng, vì hiện còn rất nhiều hộ còn nợ vốn vay trung – dài hạn đầu tư sửa chữa hồ nuôi từ năm 2005 sắp hết hạn, nhưng hồ đã bỏ hoang từ năm 2006.

 

“Chỉ còn chờ đền bù giải phóng mặt bằng dự án Khu công nghiệp Hóa dầu Hòa Tâm may ra thu được một ít. Nhưng đó là việc của tương lai, còn hiện tại cán bộ – công nhân viên của Agribank Đông Hòa đang phải gánh một khoản tiền lãi 65 triệu đồng/tháng, mọi chế độ khác hầu như không được hưởng” – Ông Tường bức xúc.

 

ĐĂNG NGUYÊN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek