Thứ Tư, 27/11/2024 04:24 SA
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Trịnh Thị Nga:
Tăng trưởng kinh tế chưa bền vững
Thứ Sáu, 02/11/2007 07:10 SA

Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XII đã dành thời gian thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2007, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008. BÁO PHÚ YÊN xin trân trọng trích giới thiệu ý kiến phát biểu của Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên TRỊNH THỊ NGA tại phiên thảo luận này.

 

071102-BA-NGA-2.jpg

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Phú Yên Trịnh Thị Nga phát biểu tại thảo luận tổ

 

GIÁ TIÊU DÙNG TĂNG, ĐỜI SỐNG NGƯỜI NGHÈO CÀNG KHÓ KHĂN

 

21 trong 23 chỉ tiêu kinh tế xã hội mà trong báo cáo Chính phủ năm 2007 cho rằng đạt và vượt kế hoạch, tôi thấy có bốn vấn đề, bốn chỉ tiêu cần quan tâm. Thứ nhất, vấn đề xoá đói giảm nghèo từ 18% năm 2006 và mục tiêu năm 2007 giảm còn 16%, chúng ta đã vượt kế hoạch khi thực hiện được 14,7%. Tuy nhiên, vấn đề xoá đói, giảm nghèo chúng ta có đánh giá đúng như thế không? Vì hiện nay định mức cho người nghèo 200.000 - 250.000 đồng/người/tháng, chỉ tiêu đó là vượt ngưỡng nghèo, nhưng chỉ số giá tiêu dùng tăng rất nhanh, đời sống của người dân ở trong vùng nông thôn, đặc biệt là đồng bào khó khăn và những hộ nghèo thì càng khó khăn hơn. Do vậy, dù thu nhập đạt 200.000đồng/người/tháng đi nữa thì chúng ta thấy rằng đời sống của họ về mặt thực chất là quá khó. Do vậy chỉ tiêu hộ nghèo 14,7%, cho là đạt nhưng mà chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là những hộ nghèo còn rất là kém. Ngoài hộ nghèo thì hộ cận nghèo cũng tương tự như vậy. Do đó, tôi thấy chỉ tiêu này cần phải được đánh giá sâu hơn. Hơn nữa tiếng nói của chính quyền, tiếng nói của nhân dân không đồng thuận với nhau, người nghèo thì bảo tôi chưa đạt được mức này, nhưng chính quyền vì những chỉ tiêu thi đua của cấp ủy, của các đoàn thể thì cho rằng người dân như thế là vượt nghèo. Cho nên cứ báo chỉ tiêu này đã đảm bảo được bao nhiêu phần trăm ở các huyện, các xã, các tỉnh tổng hợp lên Chính phủ, làm báo cáo đạt được 14,7% cho là chỉ tiêu vượt kế hoạch đã đề ra, nhưng thực chất đời sống người dân là không như thế, đó là một thực tế hiện nay.

 

CHẤT LƯỢNG NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN KÉM

 

Vấn đề thứ hai là nước sạch nông thôn. Việc đầu tư hệ thống nước sạch nông thôn không biết như thế nào. Trong khi thực tế những công trình đầu tư cho nước sạch nông thôn, “đụng” công trình nào đều chất lượng kém, “đụng” vào công trình nào chất lượng nước cũng không đảm bảo. Vậy chuẩn của nước sạch như Bộ Y tế đã đề ra có đảm bảo được không? Đúng nước sạch này là bao nhiêu phần trăm? Có đại biểu Quốc hội nói rằng nếu căn cứ vào tiêu chuẩn nước sạch của Bộ Y tế thì chúng ta mới đạt được hơn 30%, vậy chúng ta đánh giá chỉ tiêu như thế nào để rồi năm 2008 chúng ta đặt ra một chỉ tiêu là chất lượng cuộc sống thật sự chứ không phải là chúng ta chỉ nhìn trên những con số mà chúng ta nói, nói thì đẹp nhưng thực chất không phải như thế. Đề nghị các đại biểu Quốc hội cũng như Quốc hội xem xét chỉ tiêu này, đánh giá làm sao cho đúng thực chất, có như vậy mới cải thiện thực sự đời sống của nhân dân.

 

CHẬM GIẢI NGÂN, LẤY GÌ ĐỂ TRỒNG RỪNG 

 

Thứ ba, vấn đề chỉ tiêu về rừng. Độ che phủ của rừng là 39%. Ngân sách của Quốc hội phân bổ trên 900 tỉ đồng cho việc trồng mới, che phủ rừng, trong khi đó Chính phủ lại giảm xuống chỉ còn bảy trăm mấy. Như vậy số thực hiện đã giải ngân trong báo cáo chỉ có 170 tỉ, so với 900 tỉ thì người trồng rừng lấy gì để trồng mà có được độ che phủ là 39%? Kinh phí không giải ngân được, 900 tỉ mà chỉ giải ngân được 170 tỉ thôi, vậy lấy gì để giữ rừng? Trong Báo cáo của Chính phủ về việc quản lý đất đai về rừng thì rừng bị cháy, rừng bị tàn phá là mấy ngàn ha, trong khi chỉ số chúng ta phấn đấu độ che phủ của rừng là 39% và 40% vào năm tới. Tôi cho những chỉ số này cần phải đánh giá lại cho đúng thực chất. Bởi vì những điều kiện không đảm bảo thì tại sao lại bảo rằng nó đã đủ được. Cứ mỗi năm lại thêm vài phần trăm như vậy để cho nó đủ vượt hay đạt. Tôi rất băn khoăn cho những chỉ số này.

 

CHẤT LƯỢNG TĂNG TRƯỞNG CÒN THẤP

 

Vấn đề thứ tư là tăng trưởng kinh tế. Tôi thấy tăng trưởng kinh tế đánh giá là 8,5% và phấn đấu năm 2009 là 9%, chỉ số này có độ tin tưởng nhưng chất lượng tăng trưởng thấp, chưa bền vững.

 

Tôi nhất trí với đánh giá này và thực chất thì chất lượng của tăng trưởng kinh tế thể hiện ở cuộc sống của người dân, thu nhập thực tế của người dân. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng tăng lên như thế thì làm sao đảm bảo được chất lượng cuộc sống của người dân? Hầu hết đại biểu Quốc hội không phải là những người thu nhập thấp, nếu xét về mặt lương, còn  cán bộ công chức và nông dân thì thu nhập của họ thấp hơn rất nhiều. Những người ngồi đây cũng không mấy khi đi chợ và nếu đi chợ thì cũng mua những hàng cao cấp hoặc là trung cấp trở lên, chứ không phải hàng thường thường. Do vậy, nếu đánh giá chất lượng cuộc sống và giá cả tiêu dùng hiện nay đối với người dân trung bình chiếm đại đa số thì rõ ràng chất lượng cuộc sống của họ rất kém. Bởi vì với chỉ số giá tiêu dùng như thế mà hàng năm họ thu nhập được bao nhiêu tiền? Một ngày đi chợ là phải chi phí bao nhiêu? Do vậy, nếu nói về chất lượng cuộc sống của người dân thì đại bộ phận rất thấp. Cho nên tăng trưởng này là không bền vững và để đánh giá thực chất tăng trưởng với cuộc sống người dân là còn có một khoảng cách rất xa.

 

Với những vấn đề như vậy, tôi đề nghị Chính phủ cũng như Quốc hội cần xem xét trong việc lập kế hoạch cũng như điều hành của mình.

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek