Vụ lúa hè thu năm 2017, lần đầu tiên, nông dân các huyện Tây Hòa, Đông Hòa sử dụng máy cơ giới hóa 3 trong 1 để phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân và gieo lúa (sạ ruộng). Việc nông dân sử dụng máy cơ giới hóa 3 trong 1 giúp giảm chi phí và tăng hiệu quả trong sản xuất.
Vụ hè thu năm nay, tại cánh đồng Cây Trảy, xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa), nhiều nông dân sử dụng máy cơ giới hóa 3 trong 1 để bón phân và gieo sạ. Ông Nguyễn Văn Hội, một nông dân ở đây sử dụng máy sạ ruộng, cho hay: Sử dụng máy này có cái lợi là trong khi gieo hạt, máy đẩy hột giống đi xa. Trong đám ruộng rộng gần 2 sào, tôi lội vào ruộng chỉ 5 đường đi, còn sạ tay thì tầm với của đôi tay hạn chế nên trong đám ruộng phải bước qua bước lại 8 đường đi. Mỗi bàn chân lội trong ruộng sạ làm mất đi một số lượng lúa giống, sau này tốn công cấy dặm.
Còn ông Bùi Văn An cũng đang sử dụng máy bón phân, cho rằng dùng máy bón phân lót trước khi sạ, phân được phun đồng đều; không như trước kia vãi bằng tay, chỗ nặng tay thì xanh um, chỗ nhẹ tay thì vàng lá. “Cùng một thời gian, người ta vãi phân bằng tay được 2 sào, tôi dùng máy phun xong 4 sào”, ông An nói.
Theo ông Phùng Minh Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Tây, mấy năm trước, đến mùa gieo sạ, ở đây hiếm có người vãi ruộng vì đàn ông đi làm thợ hồ ở xa, thuê công vãi giống là 30.000 đồng/sào, nay sạ máy chỉ 20.000 đồng/sào. Sử dụng máy cơ giới hóa 3 trong 1 không chỉ đẩy nhanh tiến độ gieo sạ mà còn giải quyết tình trạng khan hiếm công lao động địa phương.
Vụ hè thu này lần đầu tiên Trung tâm Khuyến nông Phú Yên chuyển giao 19 máy cơ giới hóa 3 trong 1; trong đó HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Tây 10 máy, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp thị trấn Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) 9 máy. Mỗi máy trị giá 5 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 50%, còn lại nông dân đối ứng.
Tại cánh đồng thị trấn Hòa Vinh, ông Phan Văn Minh đang phun thuốc cỏ tiền nảy mầm trong đám ruộng vừa sạ, phấn khởi nói: Phun thuốc diệt cỏ, đám ruộng cỡ 1 sào, chiều ngang 5m thì khỏi phải lội ruộng vì máy có động cơ phun mạnh nên người phun chỉ cần đi bốn phía bờ; còn bình phun thường nén hơi, tầm rải thuốc ngắn nên người phun phải lội ruộng. Chính vì vậy, trước đây sạ lúa, người dân phải ngâm giống trừ hao vì mỗi lần phun thuốc, vãi phân thường lội ruộng làm mạ chết.
Ông Huỳnh Thúc Khoa, cán bộ Trạm Khuyến nông Đông Hòa, cho hay: Vừa rồi tại thị trấn Hòa Vinh, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên tổ chức trình diễn thực tế tại ruộng máy cơ giới hóa 3 trong 1. Theo đó, 1 lít xăng chạy máy gieo hạt được 1ha ruộng, tương đương dùng máy sạ 1 sào chỉ tốn 1.000 đồng tiền xăng. Máy chỉ nặng 16kg, nên nông dân cũng dễ mang trên vai từ cánh đồng này sang cánh đồng khác.
Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Yên, với công suất của máy cơ giới hóa 3 trong 1, trong một ngày sử dụng gieo lúa thì sạ được trên 3ha ruộng. Trong khi đó, nếu sạ bằng tay thì nông dân chỉ sạ được 1,5 mẫu ruộng. Việc bón phân, phun thuốc cũng tương tự. Điều này góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng, nâng cao đời sống và giải phóng bớt sức lao động cho người dân.
TRÂM TRÂN