Thứ Sáu, 25/10/2024 15:20 CH
Xây dựng mô hình sản xuất tại vùng đặc biệt khó khăn: Khó nhân rộng
Thứ Ba, 13/06/2017 08:54 SA

Nhiều hộ nghèo vùng miền núi nhờ được hỗ trợ bò đã có cơ hội thoát nghèo nhưng nay giá bò xuống thấp dẫn tới nguy cơ tái nghèo của các hộ này - Ảnh: MINH DUYÊN

Vùng miền núi của tỉnh, tỉ lệ hộ nghèo cao, khả năng phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững thấp. Do vậy, giải pháp lâu dài của chính quyền các cấp là xây dựng các mô hình sản xuất gắn với thay đổi tập quán canh tác cũ, lạc hậu. Thế nhưng, những mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, có thể xóa nghèo bền vững lại khó nhân rộng ở đây.

 

Nghịch lý khi… mô hình sản xuất đại trà

 

Khi đoàn công tác của Ban Dân tộc HĐND tỉnh khảo sát việc thực hiện Chương trình 135 tại xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa), ông Ma Khang, người được thụ hưởng Chương trình 135 ở xã Krông Pa, cho biết: Năm 2014, tôi được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng mua một con bò. Tôi nuôi đến nay mất bao mồ hôi, công sức, tiền thức ăn nhưng giờ chỉ bán được hơn 6 triệu đồng, không phải bán giá cao từ 30-50 triệu đồng/con bò như trước nữa. Nhà chỉ có con bò là tài sản giá trị, bán thì tiếc mà để thì lấy gì cho bò ăn…

 

Thực tế, chăn nuôi phụ thuộc vào thị trường, còn trồng trọt phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Gặp phải thời tiết “không thuận”, nhiều hộ sản xuất theo mô hình rơi vào cảnh trắng tay. Điển hình như mô hình trồng hoa màu xen sắn triển khai từ năm 2011 tại xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) với mục tiêu giúp người dân chuyển đổi cây trồng, tăng thu nhập trên những vùng đất khó sản xuất. Sản xuất được 2 năm đầu hiệu quả, nhưng đến những năm sau, khi mô hình này nhân rộng cả xã Xuân Quang 3 thì gặp thời tiết bất lợi nên không thành công. Ông Lâm Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 3, cho biết: Sắn là cây trồng chủ lực của người dân trong xã nên khi được tiếp cận mô hình, bà con mừng lắm. Ai cũng hy vọng sản lượng sắn tăng thì thu nhập sẽ tăng theo. Nhưng khi trồng, gặp mưa lớn kéo dài, lũ ven sông Kỳ Lộ lên cao khiến cây chết, sản lượng không còn được là bao. Nhiều hộ bỏ tiền đầu tư phải chịu lỗ không thu lại được. Những hộ nghèo lại càng… khó hơn.

 

Theo Ban Dân tộc tỉnh, trong 5 năm qua, hộ nghèo, cận nghèo vùng miền núi đặc biệt khó khăn được hỗ trợ thoát nghèo thông qua chương trình phát triển sản xuất, như tặng bò, heo, làm các mô hình lúa lai, trồng sắn, bắp… Qua đó cơ bản thay đổi được tập quán canh tác cũ, đưa giống mới và kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Thế nhưng thực tế, những mô hình này chưa đủ khả năng giúp các hộ nghèo thoát nghèo bền vững vì còn bị chi phối bởi sự biến động của giá cả thị trường và diễn biến thời tiết. Chính vì thế, số hộ nghèo vùng miền núi không những không giảm mà còn tăng lên với chuẩn nghèo đa chiều mới.

 

Hỗ trợ bò, heo từng là mô hình giảm nghèo hiệu quả, song đến nay khi số lượng đàn tăng mạnh gặp lúc giá giảm sâu, nhiều hộ đã tái nghèo và gặp khó khi phải tìm nguồn thức ăn duy trì chăn nuôi. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Ksor Y Phun, trên địa bàn huyện, đàn bò có 19.085 con, tăng gần 2.000 con so với năm 2013; đàn heo 17.000 con, tăng gần 600 con. Hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo qua nhiều năm đều được hỗ trợ bò, heo từ các tổ chức từ thiện, các chương trình như 135, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững… “Những năm trước, khi giá bò, heo cao thì những vật nuôi này thực sự là tài sản có giá trị, giúp các hộ thoát nghèo. Nhưng từ hơn một năm nay, giá bò, heo giảm khiến nhiều hộ nghèo phải bán với giá thấp và lại tái nghèo”, ông Y Phun nói.

 

Không bột khó gột nên hồ

 

Bà Nông Thị Mười ở xã Ea Ly (huyện Sông Hinh), cho biết: Tôi có 1ha rẫy, muốn đầu tư trồng mía nhưng không có tiền để mua giống, phân bón, trả công thu hoạch… nên đành cho thuê đất với giá rẻ. Hàng ngày, vợ chồng vẫn phải đi làm mướn để có tiền trang trải sinh hoạt. Còn theo ông Nguyễn Văn Ơn ở xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân), nhà ông trước cũng có 3ha đất trồng rừng. Gặp lúc con bệnh, thiếu tiền, vợ chồng ông phải bán đất chi tiêu. Ông cũng được Nhà nước cho vay vốn ưu đãi hộ nghèo nhưng số tiền quá ít (từ 10-15 triệu đồng) chỉ đủ sản xuất nhỏ nên khó thoát nghèo.

 

Ông Sô Văn Vinh, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa), cho biết: Để giúp bà con tăng sản lượng mía, chính quyền xã đã phối hợp với Sở TN-MT, Nhà máy đường KCP Sơn Hòa trình diễn mô hình mía tưới nước và áp dụng cơ giới hóa. Tuy nhiên, số hộ áp dụng đều là những hộ có điều kiện kinh tế còn những hộ nghèo thì vẫn làm thủ công như cũ vì không có kinh phí. Đầu tư làm hệ thống nước tưới cho 1ha mía từ 35-50 triệu đồng; còn mua máy trồng mía hết 100 triệu đồng, hộ nghèo lấy đâu ra từng ấy tiền.

 

Còn theo ông Trần Hưng Lợi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT tỉnh), năm qua, đơn vị này đã triển khai nhiều mô hình sản xuất ở vùng miền núi như cơ giới hóa cánh đồng mẫu lớn trên cây sắn, mía; ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa lai, cây ăn quả…. Đồng thời qua khảo sát thực tế, cán bộ chi cục nhận thấy ở vùng này nhiều hộ dân có mô hình sản xuất cho thu nhập cao (50 triệu đồng - 1 tỉ đồng/năm) như mô hình mía tưới nước, trồng cây ăn trái, làm trang trại đa canh… Đây là những mô hình mà hộ nghèo có thể học hỏi. Nhưng thực tế, những hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn vì thiếu đất sản xuất và kinh phí đầu tư nên khó áp dụng...

 

Việc hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn nhiều năm qua vẫn mang tính đại trà chưa có yếu tố đặc thù của từng địa phương. Đúng ra hàng năm, chính quyền các cấp phải nghiên cứu thị trường, định hướng bà con nuôi con gì, trồng cây gì để có hiệu quả kinh tế cao. Nhằm hạn chế tình trạng này, thời gian tới, các cấp ngành liên quan cần xây dựng nhiều mô hình phát triển sản xuất phù hợp với thực tế từng địa phương; chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, giảm tối đa chi phí mà vẫn tăng sản lượng…

 

Bà Ksor Chiểu, Phó Ban Dân tộc HĐND tỉnh

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek