Thứ Sáu, 25/10/2024 07:26 SA
Triển khai Nghị định 67 ở Phú Yên: Bước đầu hiệu quả nhưng chưa đáp ứng nguyện vọng của ngư dân
Kỳ 2: Rủi ro cao, ngân hàng “ngại” cho vay
Thứ Sáu, 09/06/2017 08:05 SA

BIDV Phú Yên tổ chức đoàn đưa ngư dân đi tham quan, tiếp xúc với các chuyên gia đóng tàu, máy thủy ở Khánh Hòa để trao đổi về những vấn đề còn vướng mắc - Ảnh: LÊ HẢO

Sau gần 3 năm triển khai, đến nay, kết quả thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản ở Phú Yên vẫn chưa đạt như mong muốn. Nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó có việc các ngân hàng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa mặn mà cho ngư dân vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu.

 

Kết quả chưa đạt như mong muốn

 

Thời gian tới, để việc triển khai Nghị định 67 đạt hiệu quả, ngành Ngân hàng Phú Yên kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm tàu cá cho ngư dân; quy định ngư dân phải bổ sung tài sản đảm bảo khi vay vốn đóng mới tàu vỏ thép/vật liệu mới; buộc ngư dân mở tài khoản và thanh toán mọi thu nhập, chi phí trong thời gian còn dư nợ tại ngân hàng cho vay. Đồng thời có cơ chế phân loại nợ và xử lý rủi ro riêng cho các khoản vay theo Nghị định 67... Về phía tỉnh, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành cơ sở hạ tầng nghề cá; ngành Nông nghiệp cần phối hợp với các cơ sở đóng tàu hướng dẫn ngư dân cách vận hành, bảo dưỡng trang thiết bị hiện đại trên tàu và kịp thời khắc phục, sửa chữa hỏng hóc phát sinh trong quá trình vận hành khai thác do lỗi của cơ sở đóng tàu...

Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Phú Yên và hội sở chính, ngay sau khi Nghị định 67 ra đời, chi nhánh các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước trên địa bàn tỉnh gồm Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng NN-PTNT (Agribank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã cử cán bộ tín dụng tham gia thẩm định và công khai quy trình, thủ tục vay vốn cụ thể. Ông Lại Duy Thường, Phó Giám đốc Agribank Phú Yên, cho biết bên cạnh việc công khai quy trình, thủ tục vay vốn, ngân hàng còn chỉ đạo bộ phận nghiệp vụ tích cực tiếp cận khách hàng để tìm hiểu nhu cầu vốn và thẩm định các điều kiện vay của ngư dân. Ngoài ra, Agribank Phú Yên cũng thường xuyên theo dõi, giám sát việc triển khai cho vay theo Nghị định 67 tại các chi nhánh ở các địa phương ven biển.

 

Còn theo ông Nguyễn Đại Hòa, Phó Giám đốc BIDV Phú Yên, là ngân hàng tiên phong trong việc cho vay đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh, ngay từ tháng 6/2014, BIDV Phú Yên đã tổ chức đưa ngư dân, doanh nghiệp đi tham quan tàu cá vỏ thép đóng tại Cam Ranh và tiếp xúc với các chuyên gia về đóng tàu, máy thủy để trao đổi về những vấn đề còn vướng mắc. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng lập tổ chuyên trách để tư vấn, hỗ trợ ngư dân trong quá trình tìm hiểu, thực hiện các thủ tục vay vốn đóng tàu.

 

Mặc dù các NHTM đã tham gia triển khai chính sách tín dụng theo Nghị định 67 ngay từ buổi đầu nhưng tính đến nay, kết quả lại chưa được như mong muốn. Theo NHNN Phú Yên, đến cuối tháng 5/2017, trên địa bàn tỉnh có 65 chủ tàu đủ điều kiện vay đóng mới, nâng cấp, cải hoán và vay vốn lưu động theo Nghị định 67. Trong số này, các NHTM đã ký hợp đồng với 20 chủ tàu cam kết cho vay đóng mới 16 tàu, nâng cấp 4 tàu cá với tổng số tiền hơn 233,3 tỉ đồng; đồng thời cho 38 lượt khách hàng vay vốn lưu động với số tiền hơn 7,9 tỉ đồng.

 

Tại buổi giám sát mới đây, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lê Thanh Đồng cho rằng so với các tỉnh, thành trong khu vực, kết quả triển khai chính sách tín dụng theo Nghị định 67 ở Phú Yên còn thấp; đặc biệt so với số lượng tàu được phân bổ đóng mới theo Nghị định 67 thì thực tế triển khai tại tỉnh khó đạt được mục tiêu này. “Về phía ngư dân, họ có những khó khăn nhất định như thiếu vốn đối ứng; năng lực, kinh nghiệm vận hành tàu vỏ thép còn hạn chế; sản lượng đánh bắt chưa ổn định; cơ sở hạ tầng nghề cá chưa đáp ứng nhu cầu; số lượng tàu hậu cần còn ít ỏi... Tuy nhiên, về phía ngân hàng, chúng ta cũng phải xem lại. Vì qua giám sát, đoàn ghi nhận nhiều ý kiến cho rằng thời gian thẩm định điều kiện vay vốn quá dài, có khi lên đến 1 năm. Một số ngân hàng sau khi tiếp xúc với ngư dân để thẩm định thì không phản hồi ngay mà chờ đến khi có kết quả cuối cùng của cả đợt, ngư dân mới được chính quyền thông báo. Bên cạnh đó, vì thủ tục vay vốn theo Nghị định 67 còn quá phức tạp nên nhiều ngư dân đã vay ngoài hoặc chọn vay với lãi suất thương mại để nâng cấp, sửa chữa tàu, mua sắm phí tổn cho chuyến biển. Chưa kể đến nay, trong số các ngân hàng được Nhà nước chỉ định triển khai chính sách tín dụng theo Nghị định 67 có ngân hàng chỉ mới cho vay vốn lưu động chứ chưa cho vay đóng tàu”, ông Lê Thanh Đồng nói.

 

Lo không kiểm soát được dòng tiền

 

Lý giải về việc đơn vị mình chỉ mới cho vay vốn lưu động chứ chưa cho vay đóng tàu trên địa bàn, ông Lê Đức Nguyên, Phó Giám đốc Vietcombank Phú Yên, cho biết: Ngay từ đầu, ngân hàng đã cử người tham gia vào tổ thẩm định, tiếp xúc, tìm hiểu nhu cầu vay vốn của ngư dân. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy một số chủ tàu không còn nhu cầu vay vốn; một số người cho biết đã đồng ý vay ngân hàng khác nên không vay Vietcombank. Số khác thì không đủ vốn đối ứng, không nắm được phương án vay hoặc không có cơ sở chứng minh đủ điều kiện khai thác, vận hành tàu công suất lớn với trang thiết bị hiện đại... Do đó, mặc dù Vietcombank Phú Yên đã tiếp xúc, thẩm định điều kiện vay của gần 70 ngư dân nhưng đến nay chỉ mới cho 2 trường hợp vay vốn lưu động với tổng vốn 229 triệu đồng.

 

Còn theo ông Lại Duy Thường, việc thủ tục vay vốn theo Nghị định 67 phức tạp là do Nhà nước quy định. Cụ thể, ngư dân muốn vay vốn theo nghị định này thì phải hoạt động nghề cá hiệu quả, có vốn đối ứng và có tên trong danh sách chủ tàu được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện vay vốn. Chưa kể, đối với ngư dân muốn vay vốn nâng cấp, cải hoán tàu, nếu ngư dân thay máy mới thì không phải bàn; ngược lại, nếu muốn thay máy cũ thì máy phải có thời gian sử dụng không quá 10 năm kể từ ngày sản xuất, có bản chính chứng thư giám định về năm sản xuất và tiêu chuẩn sản xuất của máy trong trường hợp máy nhập khẩu, có biên bản kiểm tra kỹ thuật lần đầu, định kỳ hoặc hàng năm gần nhất do cơ quan đăng kiểm cấp trong trường hợp máy nội địa... Vì quy định quá rắc rối nên thay vì vay theo Nghị định 67, nhiều ngư dân đã chọn vay vốn thương mại với lãi suất chênh lệch không bao nhiêu lại chỉ cần đáp ứng điều kiện có đủ vốn đối ứng là xong.

 

Liên quan đến những khó khăn, vướng mắc khiến ngân hàng còn ngần ngại cho vay theo Nghị định 67, hầu hết các ngân hàng đều cho rằng khó nhất hiện nay là việc quản lý dòng tiền của ngư dân sau khi giải ngân vốn. Theo đại diện các ngân hàng, khi tham gia vào dự án đóng tàu theo Nghị định 67, chủ tàu chỉ bỏ ra một phần vốn rất nhỏ (5% đối với tàu vỏ thép/vật liệu mới và 30% đối với tàu vỏ gỗ), phần còn lại là vốn ngân hàng (chủ yếu huy động từ dân cư và các tổ chức, doanh nghiệp). Trong khi đó, thời hạn vay kéo dài (tối đa 16 năm đối với tàu vỏ thép/vật liệu mới, tối đa 11 năm đối với tàu vỏ gỗ), tài sản đảm bảo bằng chính con tàu hình thành từ vốn vay nên nếu ngư dân sử dụng tàu không hiệu quả, sản xuất không ổn định thì ngân hàng phải gánh rủi ro. “Trong quá trình khai thác, ngư dân lênh đênh trên biển, hiệu quả đánh bắt đến đâu, ngân hàng chỉ nghe ngư dân báo chứ không quản lý được. Ngoài ra, hiện nay có tình trạng đa số ngư dân không chịu mở tài khoản tiền gửi thanh toán và chuyển khoản doanh thu về ngân hàng cho vay, không tạo điều kiện cho ngân hàng kiểm soát dòng tiền, dẫn đến việc thu nợ gặp nhiều khó khăn. Đây là điều mà chúng tôi trăn trở”, ông Lại Duy Thường chia sẻ.

 

Ngoài ra, theo đại diện các NHTM, việc Nhà nước chưa có quy định về độ tuổi cũng như điều kiện về sức khỏe của người vay cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Điển hình như trường hợp của ông Ngô Văn Lanh - ngư dân đầu tiên tại Phú Yên vay vốn đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67. “Ngày 14/3 vừa qua, ông Lanh đã qua đời vì bệnh ung thư gan. Chi phí chữa bệnh lớn, thủ tục thừa kế con tàu kéo dài, dẫn đến việc phát sinh nợ quá hạn. Nếu gia đình ông Lanh tiếp tục không trả nợ đúng hạn thì toàn bộ dư nợ khoản vay sẽ chuyển thành nợ xấu. Trong khi Nhà nước chưa có cơ chế xử lý rủi ro riêng đối với những trường hợp này thì cả ngân hàng lẫn ngư dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, ông Nguyễn Đại Hòa nói.

 

Kỳ cuối: Làm gì để “gỡ” vướng?

 

Giao chỉ tiêu cho vay

 

Dù vấp phải khó khăn, vướng mắc từ nhiều phía nhưng theo NHNN Phú Yên, từ nay đến cuối năm 2017, các NHTM vẫn đẩy mạnh thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định 67. Ông Nguyễn Văn Hàn, Giám đốc NHNN Phú Yên, cho biết: “Đơn vị đã yêu cầu các NHTM phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương rà soát, thẩm định, đề nghị UBND tỉnh phê duyệt 10 chủ tàu đủ điều kiện đóng mới tàu cá. Trong đó giao Agribank Phú Yên thẩm định và ký hợp đồng tín dụng đóng mới 5 tàu, Vietcombank Phú Yên 3 tàu, VietinBank Phú Yên 2 tàu. Riêng BIDV Phú Yên tiếp tục theo dõi các trường hợp đã ký hợp đồng tín dụng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân theo cam kết với các chủ tàu, đồng thời hỗ trợ khách hàng xử lý những rủi ro phát sinh trong thời gian vay vốn”.

 

LÊ HẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek