Thứ Sáu, 25/10/2024 09:27 SA
Triển khai Nghị định 67 ở Phú Yên: Bước đầu hiệu quả nhưng chưa đáp ứng nguyện vọng của ngư dân
Kỳ cuối: Làm gì để “gỡ” vướng?
Thứ Bảy, 10/06/2017 08:55 SA

Để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong việc triển khai Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản ở Phú Yên, đồng thời phát huy hiệu quả chính sách, phóng viên Báo Phú Yên lược ghi một số ý kiến đóng góp của các nhà chuyên môn, nhà quản lý và đại diện ngư dân…

 

 

TRƯỞNG BAN KINH TẾ - NGÂN SÁCH HĐND TỈNH LÊ THANH ĐỒNG: Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá

 

Bộ NN-PTNT đã phân bổ cho Phú Yên đóng mới 170 tàu khai thác và 20 tàu dịch vụ hậu cần theo Nghị định 67. Tuy nhiên đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có tàu dịch vụ hậu cần nào được đóng mới theo chủ trương này. Số tàu hậu cần của ngư dân hiện có cũng rất ít ỏi, quy mô lại nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu trong tổ đội khai thác nên chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Còn cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá trên bờ ở Phú Yên cũng còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu cũng như nguyện vọng của ngư dân. Cụ thể, hiện nay, nhiều cửa biển, luồng lạch thường xuyên bị bồi lấp, nhiều tàu cá công suất lớn gặp khó khăn khi ra vào các cảng nên đa số tàu này hoạt động ở ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, các cảng cá ngừ chuyên dụng, chợ chuyên về cá ngừ… chưa được xây dựng nên ngư dân chưa có nơi tiêu thụ sản phẩm ổn định, dẫn đến việc bị các nậu vựa ép giá, ép phẩm cấp...

 

Trước tình hình này, UBND tỉnh cần tranh thủ các nguồn vốn từ Trung ương để đầu tư hoàn thiện các cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá; trước mắt cần ưu tiên đầu tư một số công trình bức thiết nhất. Phú Yên đã đăng ký 16 danh mục dự án với nhu cầu khoảng 1.000 tỉ đồng, nhưng đến nay mới được Trung ương hỗ trợ đầu tư 3 dự án với khoảng 180 tỉ đồng. Để chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá đạt mục tiêu theo Nghị định 67, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần bố trí kinh phí hàng năm đáp ứng nhu cầu của tỉnh. Tỉnh cũng cần khuyến khích và tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, ngư dân xây dựng các mô hình khai thác hải sản đạt hiệu quả, kết nối để chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khai thác, xây dựng các chuỗi liên kết từ khâu khai thác, bảo quản, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm…

 

 

GIÁM ĐỐC SỞ NN-PTNT NGUYỄN TRỌNG TÙNG: Sửa đổi, bổ sung nghị định cho phù hợp với thực tế

 

Qua gần 3 năm triển khai Nghị định 67 đến nay, ngành Thủy sản Phú Yên đã không ngừng phát triển và có nhiều đóng góp quan trọng vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giá trị hàng thủy sản xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 32 triệu USD, chiếm khoảng 45% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh. Ngành Thủy sản Phú Yên cũng có sự tăng trưởng nhanh và hiệu quả, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho đa số dân cư nông thôn ven biển; đồng thời góp phần quan trọng trong việc bảo vệ an ninh quốc phòng trên vùng biển, đảo của Tổ quốc…

 

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các chính sách của Nghị định 67, tại Phú Yên vẫn phát sinh một số vướng mắc, tồn tại cần khắc phục. Tỉnh đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục thực hiện nghị định này nhưng sớm sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế. Phú Yên cũng kiến nghị Trung ương sửa đổi, bổ sung chính sách vay vốn tín dụng lưu động theo hướng giảm lãi suất, tăng thời gian cho vay và có cơ chế xử lý rủi ro cho tổ chức tín dụng nhằm giảm sự phụ thuộc của ngư dân vào các chủ nậu vựa, tín dụng đen. Chính phủ và các bộ ngành Trung ương cần bổ sung chính sách hỗ trợ đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4 trở lên cho tàu cá đóng mới theo Nghị định 67. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ ngư dân kinh phí mua bảo hiểm tàu cá nhằm đảm bảo an toàn cho người, tàu cá hoạt động trên biển và đảm bảo tài sản thế chấp cho nguồn vốn vay. Ngoài ra, Phú Yên còn kiến nghị Chính phủ bổ sung chính sách hỗ trợ vận chuyển hàng hóa phục vụ tàu khai thác xa bờ theo hướng hỗ trợ các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị và tổ đội sản xuất trên biển...

 

 

GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CHI NHÁNH PHÚ YÊN NGUYỄN VĂN HÀN: Triển khai đồng bộ, chính sách mới phát huy hiệu quả

 

Nghị định 67/2014/NĐ-CP có các chính sách đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, đào tạo nghề cho ngư dân... Trong đó, tại Phú Yên, chính sách tín dụng được triển khai khá quyết liệt, trong khi đó các chính sách còn lại thì triển khai chưa hiệu quả hoặc chưa thể triển khai. Ví dụ, đến nay, các dự án đầu tư hạ tầng nghề cá, bến bãi luồng lạch gần như chưa thể thực hiện vì thiếu vốn; việc đào tạo thuyền viên, thuyền trưởng, máy trưởng có kỹ năng điều khiển các con tàu vỏ thép hiện đại còn chậm; chính sách bảo hiểm tàu cá còn nhiều vướng mắc... Chính sự không đồng bộ trong quá trình triển khai đã dẫn đến việc chính sách chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Điển hình như việc ngư dân vay vốn đóng mới tàu vỏ thép trị giá 19-20 tỉ đồng, trong đó hầu hết là tiền của ngân hàng, ngư dân chỉ tham gia một phần vốn rất nhỏ. Nếu việc hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm tàu cá không được tiếp tục triển khai, ngư dân không mua bảo hiểm tàu cá trước khi ra khơi thì khi tàu gặp sự cố, ngân hàng có nguy cơ mất vốn. Về danh nghĩa, ngư dân đã vay vốn thì phải nhận nợ nhưng tài sản đảm bảo cho khoản vay chính là con tàu hình thành từ vốn vay thì khi tàu gặp sự cố mà không được bồi thường bảo hiểm, ngân hàng thu được gì?

 

Từ khi Nghị định 67 được triển khai đến nay, khi nói đến nghị định này, hầu như mọi người chỉ đặt vấn đề làm sao để ngư dân có thể vay vốn ngân hàng đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá; các vấn đề còn lại nhằm phát huy hiệu quả chuyến biển thì chưa được quan tâm nhiều. Tuy nhiên, vì chính sách tín dụng chỉ là một trong số nhiều chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo Nghị định 67 nên bên cạnh chính sách tín dụng, các chính sách khác cũng cần được triển khai đồng bộ với sự vào cuộc quyết liệt của các bên liên quan thì hiệu quả mới đạt được như mong muốn.

 

 

CHỦ TỊCH NGHIỆP ĐOÀN NGHỀ CÁ PHƯỜNG 6 (TUY HÒA) PHAN THUẨN: Ngư dân mong Chính phủ tiếp tục duy trì Nghị định 67

 

Các chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67 rất hợp lòng dân. Nhờ chính sách này, nhiều ngư dân đã đầu tư đóng tàu công suất lớn, mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ đánh bắt hải sản. Riêng tại TP Tuy Hòa, từ khi triển khai Nghị định 67 đến nay, hơn 40 ngư dân được vay vốn lưu động phục vụ chuyến biển; nhiều ngư dân khác thì vay vốn đóng mới 7 tàu cá. Nhiều tàu trong số này đã vươn khơi đánh bắt hải sản mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Ngoài nguồn vốn vay ngân hàng theo Nghị định 67, từ năm 2014 đến nay, ngư dân TP Tuy Hòa còn sử dụng vốn tự có để đóng mới hơn 50 tàu cá công suất lớn, nâng cấp hơn 280 tàu cá và hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 250 tàu cá có công suất từ 400CV trở lên.

 

Là địa phương có số lượng tàu khai thác xa bờ chiếm chủ yếu trên địa bàn tỉnh, nhu cầu vốn để mở rộng và phát triển ngành nghề khai thác trên biển của ngư dân TP Tuy Hòa rất lớn; trong khi Nghị định 67 chỉ triển khai một thời gian ngắn nên rất nhiều ngư dân ở địa phương vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn. Do đó, mong muốn lớn nhất của ngư dân lúc này là Chính phủ cần xem xét kéo dài thời gian thực hiện Nghị định 67 để tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này. Đồng thời tiếp tục triển khai các chính sách liên quan theo Nghị định 67 như bảo hiểm, đầu tư hạ tầng nghề cá..., tạo thuận lợi cho ngư dân trong quá trình vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

 

ANH NGỌC - LÊ HẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek