Khánh thành đã 6 tháng nay, nhưng chợ mới TP Tuy Hòa “cửa đóng then cài” với các tiểu thương và chưa biết chính xác khi nào thì ngôi chợ có vẻ hiện đại này được hoạt động. Trong khi đó, những người buôn bán ở chợ tạm thì gặp khó khăn trăm bề khi hàng hóa bán không chạy, tồn kho, hết date.. dẫn đến chôn vốn, nợ nần. Bên cạnh đó, tuy chưa vào chợ mới nhưng cũng đã có một số vấn đề phải suy nghĩ, như chuyện sắp xếp các kiosque, đang bị các hộ kinh doanh bày tỏ bức xúc lớn.
CHỢ TẠM KHÔNG BÁN ĐƯỢC HÀNG
Đã hơn 18 tháng dời về chợ tạm, các hộ kinh doanh điêu đứng, vì nói như ông Nguyễn Chí Xanh, Phó Ban quản lý chợ: “Chợ cũ bán không kịp nhưng chợ tạm lại ít người”. Những người bán quần áo cho biết hàng bán Tết đến bây giờ vẫn còn… nguyên. Các tiểu thương bán bánh kẹo thì… méo mặt bởi hàng sắp hết date vì không bán được trong dịp tết. Bức xúc nhất là các chủ kiosque bán sách báo và văn phòng phẩm. Vị trí bán hàng của họ được sắp xếp sau hàng trái cây nên không đón được khách.
Chợ tạm ế ẩm. Các chủ Kiosque không dám lấy hàng về bán - Ảnh: Minh Nguyệt
Chị Lê Thị Thắm cho biết: “Ở đây vị trí buôn bán không thuận lợi nhưng phí chợ, phí bảo vệ đều cao gấp đôi trước kia… Chúng tôi gặp quá nhiều khó khăn, tưởng rằng chỉ bán tạm thời gian ngắn, ai dè kéo dài cả năm rưỡi nay mà bây giờ vẫn chưa được vào chợ mới”. Tình trạng này đã khiến nhiều người bán hàng bị thâm vốn. Các chủ sạp hàng cho hay: Hàng bày trong sạp toàn là vốn vay và lấy nợ. Nhiều ngày liền chẳng được mấy khách mua hàng, nhưng cứ đến chiều, các chủ nợ lại đến đòi tiền.
Các hộ kinh doanh ở cho biết những người có điều kiện thì đã về nhà hoặc thuê mặt bằng tại phố bán chứ không còn bám chợ nữa. Số ở lại chợ phải cố theo để có việc mà làm vì buôn bán ngày một khó khăn.
BAO GIỜ ĐƯỢC VỀ CHỢ MỚI?
Đó là câu hỏi mà không chỉ những người kinh doanh ở đây đặt ra. Anh Trình Nhị, chủ sạp hàng quần áo, nhận định: “Đã qua ngày 2-9, đã qua tết, giờ vẫn chưa nghe triệu tập họp hành thì còn lâu mới được vào chợ mới”. Bán ở chợ tạm, những người kinh doanh gần như đã mất sạch bạn hàng. Về lại chợ mới đồng nghĩa với việc gầy lại bạn hàng như thuở ban đầu nên ai cũng nôn nóng. Từ trước tết, các kiosque ở đường Trần Hưng Đạo chỉ lấy hàng cầm chừng vì nếu bán không hết, lượng tồn lại không biết như thế nào. Bởi vì, khi vào chợ mới, các hộ kinh doanh phải đăng ký lại ngành hàng kinh doanh theo quy hoạch mới.
Chợ mới "cửa đóng then cài" - Ảnh: Hoài Trung
Tiểu thương Lê Thị Hiền Thương thổ lộ: “Cứ tưởng ra Tết sẽ được vào chợ mới, chúng tôi không dám lấy hàng về. Nay đã sắp hết tháng giêng mà vẫn chưa nghe động tĩnh gì. Chúng tôi muốn được ổn định sớm ở chợ mới để còn lo làm ăn”. Được buôn bán ở một địa điểm văn minh, an toàn và tập trung tại chợ mới đã khiến người ta kỳ vọng và mong sớm được thực hiện.
Giám đốc Sở Thương mại – Du lịch Nguyễn Thành Tâm cho biết: “Chúng tôi cố gắng để bà con sớm ổn định việc mua bán, nhưng mọi việc vẫn còn đang chờ UBND tỉnh thông qua”.
VÀO CHỢ MỚI CŨNG… LO
Hiện có 25 kiosque ở đường Trần Hưng Đạo và 7 kiosque ở đường Ngô Quyền đã dời xuống chợ tạm. Trong khi đó, chợ mới sẽ chỉ bố trí được tổng cộng 28 kiosque, riêng các kiosque ở đường Trần Hưng Đạo phải bốc thăm. Các chủ kiosque đang bán ở chợ tạm kêu rằng, thà được vào kiosque và đăng ký lại ngành hàng kinh doanh chứ bám theo ngành văn hóa phẩm mà đưa vào trong thì làm sao bán được hàng? Các chủ kiosque ở đường Trần Hưng Đạo yêu cầu được sắp xếp vào trong tương ứng với vị trí cũ chứ không bốc thăm vì họ cần phải được ưu tiên. Bà Nguyễn Thị Luận một chủ kiosque bức xúc: “Khi xây dựng kiosque, chúng tôi đều theo thiết kế của UBND thị xã và số tiền bỏ ra lúc đó là 5-6 cây vàng, bằng giá một lô đất nên chúng tôi cứ nghĩ sẽ được buôn bán ở đây vĩnh viễn… Nào ngờ bây giờ giống như bị mất trắng (!). Lý do khác là việc bốc thăm cho những hộ từ chợ cũ về chợ tạm trước đây đã từng xảy ra tiêu cực. Dù bốc thăm nhưng “vị trí đẹp” vẫn thuộc về người mà BQL chợ trước đó ưu tiên nhưng bà con phản đối”. Các hộ kinh doanh còn kêu ca mức giá huy động là quá cao và thời gian nộp ngắn và đề nghị các ngành có sự điều chỉnh cho hợp lý.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Thương mại – Du lịch Phú Yên, Nguyễn Thành Tâm cho biết: “Phương thức huy động vốn, đối tượng, thời gian cho thuê điểm kinh doanh và mức giá của từng vị trí đã được HĐND tỉnh thông qua nên không thể có một sự thay đổi nào về việc này. Không tổ chức đấu thầu đã là sự ưu ái cho các hộ kinh doanh này rồi. Hình thức bốc thăm theo chúng tôi là công bằng nhất và khi nào dư thì mới đến lượt các kiosque đường Ngô Quyền”. Ông Tâm còn cho biết thêm: “Từ năm 1990 – 1995, UBND thị xã đã ký hợp đồng với các hộ kinh doanh và từ năm 1996 – 1997, Ban Quản lý chợ ký ngắn hạn với họ từ 1 – 2 năm vì để xây dựng chợ chứ không có chuyện bán đất”.
Trong hợp đồng cho thuê mặt bằng xây dựng kiosque cũng như các hợp đồng ngắn hạn được ký ngày 01-01-1997 đều đã ghi rõ: “Trường hợp Nhà nước hoàn chỉnh quy hoạch, thiết kế và cần phải xây dựng lại số kiosque sớm hơn so với thời hạn hợp đồng thì bên B phải tự tháo dỡ kiosque, di chuyển vật liệu, hàng hoá đi nơi khác, trả lại mặt bằng cho BQL chợ tiến hành xây dựng, bên A khỏi phải bồi thường cho bên B. Trường hợp đã đến hạn hợp đồng (31-12-1998) mà Nhà nước chưa tiến hành xây dựng lại kiosque thì bên B có đơn xin, bên A ký hợp đồng gia hạn”.
MINH NGUYỆT