Thứ Tư, 27/11/2024 10:53 SA
Chiến lược phát triển cây điều ở Phú Yên:
Bao giờ thành hiện thực?
Thứ Năm, 23/02/2006 07:23 SA

TỪ NHỮNG BẤT CẬP TRONG TRỒNG VÀ CHẾ BIẾN... 

 

Năm 2001, tỉnh Phú Yên đặt ra mục tiêu phát triển diện tích cây điều lên 8000 ha vào năm 2005. Tuy nhiên, cho đến nay mới đạt hơn 4000 ha (năng suất cũng chỉ từ 300 kg đến 400 kg hạt/ha) và hầu như chưa thật sự tạo ra một lượng hàng hoá đáng kể trong biểu đồ giá trị sản lượng nông nghiệp.

 

Chưa có sự liên kết để phát triển cây điều- Ảnh: Tư Liệu
Thực ra, từ năm 2000 tỉnh Phú Yên đã có chủ trương phát triển cây điều. Tuy nhiên, bấy giờ hầu như không được đầu tư từ ngân sách địa phương mà chủ yếu dựa trên nguồn vốn từ chương trình PAM, chương trình 327 hoặc hộ dân tự trồng. Do đó, khi các chương trình kết thúc thì cũng là lúc cây điều bị bỏ mặc, không được chăm sóc đúng mức dẫn đến năng suất rất thấp. Theo Trung tâm qui hoạch thiết kế nông nghiệp- phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, trong số diện tích nói trên chỉ có khoảng 2200 ha cho trái nhưng cũng không liên tục, có năm được năm mất. Trong khi đó, Phú Yên là một trong những tỉnh xuất khẩu hạt điều lớn nhất Việt Nam. Hiện trên địa bàn tỉnh đã thành lập 14 cơ sở chế biến hạt điều xuất khẩu và mỗi năm cần khoảng 40.000 tấn nguyên liệu. Chỉ riêng Công ty Vật tư tổng hợp Phú Yên hiện có đến 11 cơ sở (thu hút 8000 lao động tại địa phương) và hàng năm xuất khẩu ít nhất 30.000 tấn. Tuy nhiên công ty này chỉ mua gom không quá 500 tấn nguyên liệu tại địa phương và từ tỉnh Gia Lai đưa xuống qua đường quốc lộ 25, còn lại phải bỏ ra vài trăm tỷ đồng để nhập nguyên liệu, chủ yếu từ các tỉnh miền Đông Nam bộ và Đắc Lắc chở ngược ra Phú Yên... Điều đó cho thấy rằng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa ngành trồng trọt với công nghiệp chế biến ở Phú Yên mặc dù có phát triển nhưng vẫn còn rất nhiều bất cập cần phải điều chỉnh để đầu tư đúng hướng.

 

... ĐẾN NHỮNG GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CÂY ĐIỀU

 

Theo tính toán của Trung tâm qui hoạch thiết kế nông nghiệp- phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, tổng chi phí đầu tư xây dựng cơ bản cho 1 ha điều trồng mới 7,9 triệu đồng trong 4 năm đầu tiên; năm thứ 5 có thể đã cho quả bói khoảng 500 kg/ha và sau đó bắt đầu chu kỳ kinh doanh với năng suất bình quân 1,5 tấn/ha thì nông dân sẽ thu được 20- 25 triệu đồng. Với chu kỳ kinh doanh 20 năm, tính ra một hecta nếu trừ chi phí vật tư và công lao động 3,6 triệu đồng/năm vẫn lãi hơn nhiều so với nhiều loại cây trồng khác. Bên cạnh đó, việc trồng điều theo phương pháp thâm canh không chỉ có ý nghĩa phòng hộ, chống xói mòn đất canh tác mà điều quan trọng hơn là góp phần bảo vệ môi trường sống cho cộng đồng.

 

Tỉnh Phú Yên có những thuận lợi về đất đai để phát triển cây điều thành một trong những cây trồng chủ lực trong chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế với diện tích chỉ sau cây lúa và mía. Năm 2005, UBND tỉnh Phú Yên đã phê duyệt Dự án đầu tư phát triển cây điều đến năm 2010 với mục tiêu sẽ có ít nhất 10.000 ha được trồng bằng giống điều ghép với năng suất bình quân 1,5 tấn/ha, trong đó cải tạo 3000 ha điều cũ và trồng mới 7000 ha với tổng vốn đầu tư hơn 78 tỷ đồng.

 

Trên thực tế từ năm 2003 do cây mía xuống giá nên ở nhiều vùng gò đồi, người nông dân chặt mía để trồng điều. Riêng huyện miền núi Đồng Xuân trong hơn hai năm qua đã trồng mới gần 500 ha trong kế hoạch trồng mới 1370 ha, trong đó chủ yếu là chuyển diện tích trồng mía đồi năng suất thấp sang trồng điều ghép. Các huyện khác cũng có đầu tư nhưng không đáng kể. Tỉnh cũng đã tổ chức một Hội thảo về sản xuất nông nghiệp bền vững ở Phú Yên và qua đó giới thiệu một số mô hình canh tác của nông dân tỉnh Bình Định, Khánh Hòa cho thấy việc trồng xen cây điều với cây dứa hoặc cây sả không những hạn chế xói mòn rửa trôi đất mà lợi nhuận ít nhất là gấp đôi so với chi phí bỏ ra.

 

Với diện tích trên thì sau khi kết thúc dự án mỗi năm Phú Yên có thể thu hoạch sản lượng hạt điều khoảng 15.000 tấn. Tuy còn ít hơn nhiều so với nhu cầu của các cơ sở chế biến hiện có trên địa bàn, nhưng qua đó cho thấy đầu ra cho cây điều đã có và có thể đem lại thu nhập lâu dài cho người nông dân, đồng thời các địa phương có khả năng mở rộng diện tích... Theo Dự án thì năm nay (năm đầu tiên thực hiện) tỉnh Phú Yên dự kiến trồng mới 1200 ha nhưng đang gặp khó khăn vì người nông dân thiếu vốn sản xuất; trong khi đó kế hoạch đầu tư từ nguồn vốn ngân sách tỉnh là 5 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa cân đối được. Bên cạnh đó, các cơ sở chế biến hạt điều ở Phú Yên cũng chưa thực sự có mối liên kết nào với nông dân, ngoại trừ Công ty Vật tư tổng hợp Phú Yên mỗi năm thông qua tổ chức Hội nông dân cấp cây giống điều ghép trị giá 100 triệu đồng cho nông dân trồng và sẽ thực hiện trong vòng 10 năm...

 

Để Dự án phát triển cây điều ở Phú Yên trở thành hiện thực, cần phải có những giải pháp kinh tế để giúp nông dân như các chương trình tín dụng ưu đãi, mở lớp chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc, hỗ trợ cây giống và nhân rộng các mô hình trình diễn mà Trung tâm khuyến nông tỉnh đã thực hiện mấy năm qua... Đồng thời các doanh nghiệp chế biến cần mạnh dạn hợp tác đầu tư vốn cho nông dân để thâm canh bằng giống điều ghép và bao tiêu sản phẩm trong chu kỳ kinh doanh. Có như vậy Dự án phát triển cây điều mới có thể đem lại hiệu quả trong tiến trình thực hiện CNH-HĐH nông nghiệp- nông thôn.

 

THẾ LẬP

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek