Là phường nội thành TP Tuy Hòa, nhưng Phú Lâm có tới 80% dân số sống bằng nông nghiệp, thu nhập thấp. Cơ sở hạ tầng của phường còn rất kém, nhưng người dân phải chịu thuế nhà đất chung cho tất cả các tuyến đường thuộc loại 4 của đô thị loại 3.
Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh ở phường Phú Lâm chỉ rộng gần 2m, là đường đất nhưng vẫn bị áp thuế suất theo đường loại 4 - đô thị loại 3 - Ảnh: K.THY |
Với diện tích 2.059 ha, 31.496 nhân khẩu, phường Phú Lâm được chia làm 6 khu phố. Hiện nay số hộ được lập bộ tính thuế nhà đất của phường là 8.561 hộ. Thuế nhà đất năm 2007 được tính cho tất cả các hộ dân ở đây là đường loại 4 thuộc đô thị loại 3 là 2,205 tỉ đồng. Trong khi đó, số nợ thuế nhà đất năm 2006 của Phú Lâm lên tới 1,407 tỉ đồng. Cộng lại, số tiền phải thu đầy đủ của thuế nhà đất ở phường này đến nay là 3,612 tỉ đồng.
Chủ tịch phường Phú Lâm Đỗ Cao Dũng cho hay: Từ đầu năm đến nay, phường Phú Lâm thu được 800 triệu đồng thuế nhà đất, nếu cố gắng lắm thì từ nay đến cuối năm chúng tôi cũng chỉ thu được 1,2 tỉ đồng. Đó là mức thu theo cách tính tạm thu thuế nhà đất bằng thuế suất của năm 2006, tức thu theo đô thị loại 5.
Tháng 3/2007, UBND tỉnh Phú Yên có thông báo chuyển phường Phú Lâm từ đô thị loại 5 lên đô thị loại 3 như tất cả các phường khác của TP Tuy Hòa. Theo đó, việc xác định thuế suất thuế nhà đất đều được tính đường loại 4 cho cả phường. Đường loại 1 của năm 2006, tại vị trí 1, thuế suất năm 2007 là 1.964 đồng/m2, tăng 61,5%; vị trí 2 là 1.590 đồng/m2, tăng 54,5%, vị trí 3 tăng 33,2%. Nếu tính đường loại 2 và 3 của năm 2006 thì mức thu năm nay cũng tăng từ 16,7% - 112,5%. Lấy tổng thuế nhà đất năm 2007 chia đều cho số hộ thì bình quân mỗi hộ dân phải chịu hơn 257.563 đồng, mức thuế này là quá cao so với dân cư phường Phú Lâm, chưa kể hàng loạt khoản thuế và phí khác mà người dân phải chịu.
Hiện tại, gần như tất cả các con đường lớn, nhỏ tại phường Phú Lâm đều có tên. Theo quy định, tất cả các con đường có tên của phường cũng đều phải chịu thuế suất thuế nhà đất ngang nhau. Ông Đỗ Cao Dũng nói: Phường có 6 khu phố thì hai khu phố 3 và 4, dân cư đều là nông dân “rặt”. Còn dân ở khu phố 6 thì gần như toàn bộ đều làm ngư nghiệp. Ở những khu phố này tiền nợ thuế hiện rất cao. Trong số vài chục tuyến đường đã được đặt tên của phường, chỉ có các đường Nguyễn Văn Linh, Lạc Long Quân, Thăng Long, 3 Tháng 2 là có dân cư ở đông đúc, nhiều hộ kinh doanh và các ngành nghề phi nông nghiệp. Còn lại hầu hết các tuyến đường Phạm Đình Quy, Phan Chu Trinh, Đoàn Thị Điểm… đều là đường đất. Thậm chí những đường như Thạch Bi Sơn, Xô Viết Nghệ Tĩnh… chỉ rộng có 1,5m, đường không ra đường, không nhiều dân cư sinh sống nhưng vẫn chịu thuế suất cao như các đường khác. Thực tế, nhiều khu vực phường Phú Lâm chỉ là vùng nông thôn nhưng đều phải chịu thuế suất ngang với các tuyến đường như Nguyễn Du, Trường Chinh… thuộc phường 7 – TP Tuy Hòa.
Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Tuy Hòa Võ Thành Hưng nhận định: Việc áp dụng thuế suất đường loại 4 của đô thị loại 3 cho phường Phú Lâm là không hợp lý. Nếu xét trên phương diện nông nghiệp, trước khi được sáp nhập vào TP Tuy Hòa, Phú Lâm là thị trấn chịu thuế nhà đất gấp 2 lần thuế nông nghiệp. Từ năm 2005 – 2006, phường Phú Lâm được áp dụng thuế suất theo đô thị loại 5 đã khó thu được. Năm 2007 lại đột ngột tăng lên đô thị loại 3 nên hầu hết người dân bị sốc, việc thu ngân sách cũng khó hoàn thành được.
Theo đề nghị của Chi cục Thuế TP Tuy Hòa, nên áp dụng thuế suất đô thị loại 4 cho phường Phú Lâm trước khi lên loại 3. Ông Đỗ Cao Dũng cũng cho biết thêm, UBND phường Phú Lâm đã có công văn trình UBND thành phố để xin ý kiến UBND tỉnh áp dụng thuế suất đô thị loại 4 đối với một số tuyến đường sầm uất của phường, phần còn lại tính theo đô thị loại 5. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có ý kiến trả lời.
LY KHA