Thứ Tư, 27/11/2024 03:30 SA
Nông dân với gánh nặng thời tăng giá
Thứ Bảy, 29/09/2007 13:30 CH

Hầu hết mọi mặt hàng trên thị trường đều tăng vọt giá trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, tiền học phí, phí bảo hiểm... đối với học sinh trong năm học mới này cũng đều gia tăng khiến cho nhiều gia đình ở nông thôn khốn đốn.

 

070929--tren-dong-lua-Tuy-H.jpg
Gánh lúa triễu vai cũng không bằng gánh nặng tăng giá cả sinh hoạt - Ảnh: KIM LONG

 

Chị Trương Thị An ở xã An Cư (huyện Tuy An) “chuyên” làm nghề  đan chiếu mướn, than thở: “Bây giờ cầm 30.000 đồng ra chợ chẳng biết mua thứ gì để đủ bữa cho cả nhà trong ngày. Giá cả đắt đỏ khủng khiếp”. Không than thở sao được khi tiền công đan chiếu mướn của chị mỗi ngày chỉ có 17.000 đồng! Nhà chị An làm hai sào ruộng khoán, không may vụ đông xuân bị ảnh hưởng bão số 2 làm thiệt hại, còn vụ hè thu thì mất mùa. Nói thì đơn giản vậy, nhưng tính toán mới thấy tội cho nhà nông. Giá phân u rê giá 185.000 đồng/bao hồi đầu vụ, đến cuối vụ tăng lên 220.000 đồng/bao. Chị An nhẩm tính: “Tiền lúa bán ra không đủ trả nợ tiền phân. Mà lúa năm nay không đủ ăn lấy đâu mà bán?”.

 

Dành dụm mấy năm nay, ông Nguyễn Văn Huệ ở xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu có được 30 triệu, tính kỹ lưỡng từng khâu, tưởng đủ cho một căn nhà cấp bốn rộng cỡ 60 mét vuông. Vậy mà, tháng rồi làm xong, tính toán mọi khoản, căn nhà ông “đội” giá lên đến 45 triệu đồng! Ông Huệ nói: “Thứ gì cũng tăng giá cả, vật liệu xây dựng tăng càng dữ hơn. Tôi đành phải vay tiền làm cho xong chứ không lẽ bỏ dang dở cái nhà đang xây. Có nhà mới rồi mà không thấy vui bụng chút nào bởi nghĩ đến khoản nợ còn lại. Làm nông như mình muốn trả được nhiêu nợ đó cũng mất vài ba năm dè sẻn...”

 

Chị Nguyễn Thị Phượng ( 47 tuổi), ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) cùng chồng “cắm” 20 cây số thồ 2 sọt chuối xuống chợ La Hai (huyện Đồng Xuân) ngồi bán, chờ đến đến gần trưa cũng chỉ bán được 3.000 đồng/ nải chuối. Chị vừa bán phần chuối ế, vừa nghĩ đến khoản nợ vừa mượn tạm của hàng xóm lo đồ dùng học tập, học phí, bảo hiểm… cho các con vào năm học mới. 3 đứa con học từ mẫu giáo đến cấp ba, tính cộng mọi khoản tiền lo cho chúng vào năm học mới, vợ chồng chị phải mượn tròm trèm 1 triệu đồng. Phải bán cho được 400 nải chuối thì anh chị mới trả xong khoản tiền trên. Mà, vườn chuối nhà chị mùa này góp hết cũng chưa đến 100 nải, không lo sao được. Chị Phượng bộc bạch: “Tôi tính đến chuyện đi làm mướn kiếm tiền, nhưng ở nhà quê lúc này là mùa nông nhàn, đâu có ai thuê mướn gì. Còn đi xa thì bỏ nhà, bỏ con không đành”.

 

Với nhà nông, kiếm ra tiền luôn là điều khó khăn. Theo thống kê sơ bộ mà chúng tôi ghi được ở nhiều xã trong tỉnh, thì mỗi năm một nông dân chỉ có thu nhập khoảng 3 triệu đồng, nghĩa là một ngày họ chỉ kiếm được có 8.000 đồng. Vậy nhưng, một gia đình có biết bao khoản phải chi phí. Thời buổi mọi thứ đều tăng giá làm cho đôi vai họ trĩu thêm gánh nặng. Trong khi Phú Yên chưa phải là vùng sản xuất nhiều loại nông sản hàng hóa, các nông dân thường chọn giải pháp ly hương, đi nơi khác làm thuê trong mùa nông nhàn để kiếm thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống gia đình. Chẳng hạn riêng xã Xuân Phương (huyện Sông Cầu), theo Phó Chủ tịch UBND xã Ngô Đồng Tâm, chỉ trong 3 tháng gần đây đã có hơn 100 người ở độ tuổi từ 18 đến 40 đi làm mướn để kiếm thu nhập.

 

MẠNH HOÀI NAM

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek