Thứ Hai, 30/09/2024 02:18 SA
Cần thay đổi chính sách tài chính đối với các cơ quan báo chí
Chủ Nhật, 30/09/2007 14:00 CH

Đó là kiến nghị của hầu hết các đại biểu tham dự Hội thảo về Chính sách tài chính đối với các cơ quan báo chí do Hội Nhà báo Việt Nam vừa được tổ chức tại Hà Nội. Ông Lê Quốc Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã chủ trì hội thảo nói trên.

 

GIẢM THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP CHO BÁO CHÍ

 

Tất cả các ý kiến phát biểu đều khẳng định: Báo chí là đơn vị sự nghiệp công mang tính đặc thù, khác xa so với các doanh nghiệp, thậm chí với chính các đơn vị sự nghiệp công khác, với nhiệm vụ chính trị hàng đầu là tuyên truyền, giáo dục. Báo chí là một ngành nghề đặc biệt, lao động căng thẳng, vất vả đòi hỏi trí tuệ cao, công nghệ cao và cả sự dũng cảm của đội ngũ làm báo, nên không thể coi báo chí như một doanh - nghiệp thuần túy. Vì vậy, việc áp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 28% đối với báo chí như các doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh là không công bằng. Trong khi Nhà nước có chính sách ưu tiên miễn, giảm thuế TNDN cho nhiều đơn vị ngành nghề khác mà Nhà nước lại áp thuế vào báo chí – công cụ tư tưởng của chính mình với mức cao nhất là không hợp lý.

 

Có đại biểu nêu dẫn chứng: Nhiều đoàn nhà báo Trung Quốc khi sang thăm và làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam và một số báo đã rất ngạc nhiên về mức thuế mà báo chí Việt Nam phải chịu. Họ còn cho biết, báo chí ở Trung Quốc không những được ưu tiên trong lĩnh vực nộp thuế mà còn được Nhà nước cấp trở lại số thuế đã nộp để đầu tư phát triển.

 

Vì vậy Hội đồng chính sách của Hội Nhà báo Việt Nam đã đề nghị: Thuế TNDN đối với báo chí chỉ nên ở mức 13-15%. Trong khi chờ đợi đề nghị trên được chấp nhận, đề nghị cho phép các báo được ghi thu, ghi chi khoản thuế TNDN phải nộp để đầu tư phát triển.

 

TẠI SAO BÁO ĐIỆN TỬ LÀM, BƯU CHÍNH -–VIỄN THÔNG HƯỞNG?

 

Đối với báo điện tử, hiện tại và tương lai đang và sẽ phát triển rất nhanh, đòi hỏi đầu tư ngày càng lớn về con người và trang thiết bị. Tuy nhiên, các báo điện tử của các báo in cho đến nay hầu hết chưa “lấy thu bù chi”, phải nhờ nguồn thu từ báo in để bù đắp chi phí (ấy là đối với các tờ báo tự hạch toán kinh doanh, không nhận tiền từ ngân sách Nhà nước).

 

Mỗi ngày, nhiều báo điện tử có hàng triệu người truy cập, mang lại nguồn thu lớn ngày càng cao cho ngành Bưu chính – Viễn thông. Một bên đầu tư còn một bên hưởng lợi là không công bằng. Vì vậy, các ý kiến phát biểu đều đề nghị ngành bưu chính - viễn thông cần phải chia sẻ phí truy cập với các báo điện tử.

 

NGHỊ ĐỊNH 43 CÒN NHIỀU BẤT HỢP LÝ

 

Về Nghị định 43/2006/NĐ-CP, mới đọc qua, tưởng “mở” hơn Nghị định 10/2002/NĐ-CP. Song thực tế, nó chỉ “mở” với một số “đại gia” trong làng báo, còn là gây khó khăn cho đại đa số báo chí còn lại.

 

Theo báo cáo của Hội Nhà báo Việt Nam, trong số hơn 600 tờ báo và tạp chí đang xuất bản, chỉ có khoảng 50 tờ (chưa tới 10%) thực hiện được việc lấy thu bù chi. Và trong số 50 tờ báo ấy chỉ có vài ba “anh” thuộc hàng “đại gia”.

 

Điều bất hợp lý nhất trong NĐ 43/2006/NĐ-CP là chỉ cho tính một lần lương cơ bản vào chi phí hợp lý để tính thuế TNDN, trong khi các báo phải trả thu nhập cho cán bộ phóng viên gấp 3-4 lần lương cơ bản. Trong tình hình hiện nay ở nước ta liệu có ai chỉ sống và thu nhập bằng lương cơ bản?

 

Vậy là NĐ43 chưa cho tính đủ các chi phí hợp lý đã bắt các báo đóng thuế TNDN, như thế là không hợp lý, không công bằng so với chính các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuần túy.

 

Ngay cả việc chỉ cho phép các đơn vị sự nghiệp có thu tạm ứng 40% phần thu nhập tăng thêm hàng tháng cũng là không hợp lý. Tại sao không được tạm ứng 60%, 80%, 100% nếu đơn vị đó đảm bảo được nguồn tài chính và chi trong khung quy định của Nhà nước?

 

Cách tính hệ số tăng thêm trên cơ sở lương cơ bản là không khuyến khích lao động sáng tạo, có lợi cho những người lương cơ bản cao và thiệt thòi cho các cán bộ phóng viên trẻ.

 

Nhiều ý kiến đề nghị chỉ nên quy định tổng quỹ lương cho đơn vị (không vượt quá 3,5 lần lương cơ bản chẳng hạn), còn phân phối thế nào là tùy khả năng tài chính và tình hình cụ thể của mỗi cơ quan báo chí. Biết đâu sẽ có nhiều cách phân phối khoa học hơn, hợp lý hơn cách dùng “hệ số tăng thêm” của NĐ 43 mà vẫn đảm bảo dân chủ đoàn kết nội bộ và tờ báo tiếp tục phát triển.

 

KHUNG NHUẬN BÚT THEO NGHỊ ĐỊNH 61 ĐÃ LẠC HẬU

 

Nhiều quy định và khái niệm trong Nghị định 61/2002/NĐ – CP về nhuận bút không rõ ràng, dẫn đến việc hiểu không thống nhất ngay đối với các cơ quan thanh tra, kiểm tra tài chính.

 

Doanh thu hoạt động báo chí là gì? Bao gồm những khoản nào? Chỉ là doanh thu bán báo hay cả doanh thu quảng cáo? Khi kiểm tra tài chính, mỗi đoàn tính một kiểu điều đó gây hoang mang cho các báo vì quỹ nhuận bút chỉ được tính 5% hay 10% doanh thu bán báo, khác xa với doanh thu cả bán báo và quảng cáo. Tất nhiên, nguồn thu từ quảng cáo đối với các báo ngày càng lớn và quan trọng, không thể tách rời doanh thu hoạt động báo chí.

 

Khung nhuận bút theo NĐ61/2002/NĐ-CP đã quá lạc hậu và không còn phù hợp với tính thị trường của nền kinh tế đang phát triển mà báo chí là một thành viên.

 

Nhiều ý kiến đề nghị chỉ cần quy định khung quỹ nhuận bút cho các đơn vị báo chí, còn chi thế nào, nhiều ít ra sao do lãnh đạo tờ báo đó tự quyết định trên cơ sở yêu cầu tuyên truyền và nguồn tài chính của mình. Bởi nhuận bút là nguồn thu chính, là động lực quan trọng đối với người viết. Nếu trả không công bằng, không xứng đáng với công sức của người viết thì không thể có bài hay, tờ báo ít được bạn đọc đón nhận và sẽ không thể phát triển. Khung nhuận bút trên chỉ nên dùng để bảo đảm quyền lợi của tác giả và ở những tờ báo hưởng ngân sách để có cơ sở quyết toán với tài chính.

 

ĐƯA CHI PHÍ HOẠT ĐỘNG TUYÊN TRUYỀN SAU MẶT BÁO VÀO CHI PHÍ HỢP LÝ

 

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, các báo phải tiến hành trên cả hai phương diện: Trên mặt báo và sau mặt báo. Nhiều hoạt động sau mặt báo đã gây được hiệu quả kinh tế xã hội rất cao và tạo thành phong trào quần chúng rộng rãi. Những hoạt động tuyên truyền, giáo dục trên mặt báo và sau mặt báo gắn bó hữu cơ với nhau, bổ sung cho nhau để nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền giáo dục. Vậy mà những chi phí cho hoạt động sau mặt báo không được tính vào chi phí hợp lý.

 

Ai cũng biết những cuộc thi tìm hiểu về Đảng, Đoàn, về Bác Hồ (đang diễn ra), về An toàn giao thông… mang lại hiệu quả giáo dục cao, song ngành tài chính lại không cho… chi (?). Thậm chí các  giải việt dã, siêu cúp bóng đá của Báo Tiền Phong, U21 Báo Thanh Niên, bóng đá thiếu niên nhi đồng cũng không được tính vào chi phí hợp lý, mặc dù các báo chi không nhiều mà chủ yếu dựa vào kinh phí của các nhà tài trợ. Như vậy, là chính sách tài chính đã đi ngược lại chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa thể thao của Đảng và Nhà nước.

 

Các ý kiến đều thống nhất đề nghị ngành tài chính phải đưa chi phí các hoạt động tuyên truyền giáo dục sau mặt báo vào chi phí hợp lý. Có như vậy mới tạo điều kiện để báo chí tham gia các hoạt động xã hội một cách tính cực, hiệu quả.

 

CẦN TRAO QUYỀN TỰ CHỦ TÀI CHÍNH HƠN NỮA CHO TỔNG BIÊN TẬP

 

Kết thúc buổi hội thảo, ông Lê Quốc Trung đã thông qua bản kiến nghị về việc thay đổi một số chính sách tài chính như đã nêu trên. Ông Trung còn nhấn mạnh, cần trao quyền tự chủ hơn nữa cho các Tổng biên tập về tài chính để các Tổng biên tập có thể chủ động hơn trong công việc điều hành của mình, nhằm nâng cao chất lượng tờ báo, thực hiện tốt hơn nữa yêu cầu của công tác tuyên truyền, giáo dục trên và sau mặt báo.       

 

(ĐT)

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek