Thứ Hai, 30/09/2024 10:31 SA
Đề án thanh toán không dùng tiền mặt:
Sẽ kiểm soát lưu thông tiền tệ và thu hút vốn đầu tư
Thứ Bảy, 22/09/2007 07:00 SA

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang thực hiện đề án Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) theo Quyết định số 291/QĐ-TTg của Chính phủ. Đây là một trong những đề án được đánh giá là sẽ tạo nên bước thay đổi lớn trong việc sử dụng các phương tiện thanh toán hiện đại của cá nhân và các tổ chức trong nền kinh tế.

 

070922-ngan-hang-2.jpg

Áp dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử sẽ giảm áp lực lưu thông tiền mặt qua ngân hàng – Ảnh: N.Q 

 

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, giai đoạn 2001-2005, doanh số TTKDTM gia tăng khá mạnh. Tỉ trọng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán tiến triển theo xu hướng giảm dần, từ 32,2% năm 1997 xuống còn 21,4% năm 2005. Từ nền tảng thanh toán hoàn toàn thủ công, mọi giao dịch đều dựa trên cơ sở chứng từ giấy, cho đến nay giao dịch thanh toán đa số được xử lý điện tử. Tuy nhiên, thanh toán bằng tiền mặt hiện vẫn còn rất phổ biến trong nền kinh tế nước ta. Cụ thể, TTKDTM mới chỉ đạt 21,4% trên tổng phương tiện thanh toán, do vậy Việt Nam vẫn được gọi là nền kinh tế tiền mặt. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ, thương mại trong nước. Vì vậy, đề án TTKDTM sẽ xóa bỏ thói quen và nhận thức dùng tiền mặt của người tiêu dùng, doanh nghiệp; đáp ứng nhu cầu về dịch vụ thanh toán của nền kinh tế; nâng cao năng lực giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước; minh bạch hoá nền kinh tế; góp phần thực thi có hiệu quả chính sách tiền tệ quốc gia, thúc đẩy và thu hút vốn đầu tư nước ngoài và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

 

Theo mục tiêu cụ thể của đề án, đến cuối năm 2010 sẽ đạt mức phát hành 15 triệu thẻ ATM, 20 triệu tài khoản cá nhân, 70% cán bộ, công nhân hưởng lương ngân sách và 50% công nhân lao động trong khu vực doanh nghiệp, tư nhân được thực hiện trả lương qua tài khoản. Đến năm 2020, tỉ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán đạt khoảng 15%, số lượng tài khoản cá nhân đạt 45 triệu, hơn 90% người lao động lĩnh lương qua tài khoản. Mục tiêu là đến năm 2010 giảm lượng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán xuống 17% (hiện nay là 21,4%) và đến năm 2020, tỉ lệ này còn 10%. Để thực hiện được mục tiêu này, hiện NHNN đã có Thông tư 01/TT-NHNN hướng dẫn các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được quyền thu phí rút tiền mặt từ 0 – 0,05%/ tổng số tiền giao dịch, đồng thời tăng thu phí giao dịch bằng tiền mặt.

 

Cùng với đề án thanh toán điện tử liên ngân hàng, đề án xây dựng trung tâm thanh toán bù trừ tự động  phục vụ cho các giao dịch bán lẻ cũng bắt đầu khởi động với mục tiêu: đảm bảo tính tập trung, hiệu quả, tiết kiệm chi phí. Trên cơ sở các “liên minh” thẻ của các ngân hàng thương mại, xây dựng trung tâm chuyển mạch thẻ thống nhất nhằm mang lại những tiện ích tốt nhất cho các chủ thẻ cũng như cho chính các ngân hàng thương mại. Ngoài ra, một đề án được đặc biệt quan tâm trong kế hoạch phát triển TTKDTM là đề án kết nối hệ thống thanh toán bù trừ và quyết toán chứng khoán với hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc gia. Đây là một trong những biện pháp nhằm kiểm soát rủi ro trong thanh toán chứng khoán, tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ.

 

Hiện thị trường thẻ Việt Nam đang trong giai đoạn cực thịnh, “trăm hoa đua nở” với gần 2,5 triệu thẻ ATM được phát hành, 20 ngân hàng đang và sẽ phát hành thẻ tham gia thị trường. Riêng tại Phú Yên, hiện toàn bộ ngân hàng thương mại  trên địa bàn tỉnh đã triển khai dịch vụ này. Tốc độ tăng trung bình của thị trường thẻ của những năm gần đây là gần 30%. Song song đó, hệ thống máy ATM không ngừng tăng lên. Tăng tiện ích cho chủ thẻ là vấn đề luôn được các ngân hàng thương mại ở Phú Yên đặc biệt quan tâm nên đã triển khai các sản phẩm,dịch vụ hợp tác với các tổ chức cung ứng các dịch vụ công cộng như: điện, nước, viễn thông để triển khai thanh toán tiền dịch vụ định kỳ qua TK.

 

TTKDTM là xu hướng tất yếu của quá trình phát triển và hội nhập với nền kinh tế thế giới. Bên cạnh ý nghĩa thể hiện sự minh bạch của một ngân hàng, đề án TTKDTM còn góp phần kiểm soát lưu thông tiền tệ, là yếu tố quan trọng thu hút vốn đầu tư, phát triển dịch vụ, thương mại, giảm chi phí và thời gian cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân khi thực hiện đầu tư hay thanh toán.

 

NGUYỄN NGỌC KHỐ

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Phú Yên

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek