Trước nay, việc làm ra các loại giống được xem là của các nhà khoa học, nông dân chỉ biết áp dụng vào sản xuất. Tuy nhiên, gần đây, nhiều nông dân ở Phú Yên đã biết sản xuất các giống lúa.
Nông dân HTX Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) thực hiện chương trình Bucap qua hai vụ đã lai tạo được hai dòng lúa mới có thể đăng ký giống - Ảnh: L.KHA |
Chương trình ứng dụng đa dạng sinh học trên đồng ruộng Bucap đã được triển khai tại Phú Yên hai vụ ở các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Hòa Kiến 2 (TP Tuy Hoà) và Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hoà). Vụ hè thu vừa qua cũng là vụ đầu tiên HTX Hòa An Tây (huyện Phú Hoà) tham gia chương trình này.
Tại HTX Hòa Mỹ Tây, các nông dân tham gia chương trình đã tạo ra được một số dòng phân ly có thể tạo nên giống mới. Các giống này được lai từ hai giống ML48 và OM2695-2, hoán đổi bố và mẹ ngược nhau. Dòng phân ly từ hạt lai có chiều cao cây thấp hơn cả bố và mẹ nhưng năng suất cao hơn, khả năng chống chịu thời tiết, chống đổ ngã phù hợp hơn. Ông Đào Kim Lê, nông dân HTX Hoà Mỹ Tây, nói rằng việc tạo giống như hiện nay là không khó. Nông dân có thể tự chủ động được giống cho sản xuất. Chỉ cần sau một hoặc hai vụ khảo nghiệm nữa, nông dân Hoà Mỹ Tây có thể đặt tên cho giống lúa của họ. Sau đó, các giống mới sẽ được đưa ra khảo nghiệm sản xuất.
15 nông dân tham gia vụ thứ hai chương trình Bucap tại HTX Hoà Kiến 2 cũng đã thực hiện được một số dòng lai. Trưởng trạm Bảo vệ thực vật TP Tuy Hoà Nguyễn Thị Lơn cho rằng, các dòng phân ly đã được tạo ra rất phù hợp trên nhiều tiêu chí như năng suất cao, khả năng chống chịu thời tiết, phù hợp với thổ nhưỡng... Bên cạnh đó, nông dân các địa phương trên cũng đã thực hiện một số biện pháp so sánh giống, chọn dòng thuần… đối với nhiều loại giống đã được sản xuất lâu năm trên đồng ruộng tại đây.
Chương trình Bucap được tài trợ bởi tổ chức quốc tế SEArice và tổ chức phát triển Na Uy. Mục tiêu cụ thể của Bucap là tạo sự đa dạng về các loại giống trên đồng ruộng, lưu giữ nguồn gen quý của các loại cây trồng tại từng địa phương. Chương trình này cũng đã được thực hiện tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước như Quảng
Tại Phú Yên, trước đây dự án sản xuất lúa giống nông hộ - SEED đã được thực hiện trên diện rộng. Đến nay, dự án này đã giúp cho hơn 2.500 nông dân tự sản xuất được lúa giống. Trưởng phòng Kỹ thuật của Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên Đặng Văn Mạnh cho rằng, giống lúa trước đây rất đa dạng trên đồng ruộng, nhưng qua thời gian và qua sự chọn lọc, lượng giống đã giảm xuống, sự đa dạng không còn như trước. Trong thực tế, các giống lúa được sản xuất hiện nay có nhiều tính trạng tương đồng nhau nên vấn đề đa dạng sinh học không được đảm bảo, khả năng chống chịu sâu bệnh hại cũng không còn khác biệt như trước.
Trên đồng ruộng, người nông dân chỉ cần bỏ 20m2 để làm giống, diện tích còn lại vẫn được sản xuất như thường, hoặc một nông dân làm giống để cung ứng cho một tổ, nhóm là không khó. Hơn thế, việc tạo giống của họ được thực hiện dưới sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, chứng nhận của đơn vị chuyên môn là Chi cục Bảo vệ thực vật. Do vậy, nông dân cần được hỗ trợ nhiều hơn để có thể tự sản xuất giống cung ứng cho mình.
LY KHA