Đến nay, toàn tỉnh có 103/116 HTX chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012. Quá trình chuyển đổi này đã giúp củng cố hoạt động, từng bước tạo đà cho HTX phát triển ổn định.
Các HTX được củng cố, phát triển
Từ một HTX hoạt động không hiệu quả, đứng trước nguy cơ giải thể nhưng nhờ sự quan tâm chỉ đạo của hệ thống chính trị, HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phú (huyện Tây Hòa) đã chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012 và dần củng cố, đi vào hoạt động ổn định. Ông Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phú, cho biết: Năm 2009, HTX nợ phải trả 1,5 tỉ đồng, nợ đọng trong dân phải thu 3 tỉ đồng. Không có vốn, không duy trì được dịch vụ phục vụ nên lòng tin của người dân vào HTX bị giảm sút. Năm 2014, cùng với quá trình chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012, HTX đã rà soát lại hoạt động, củng cố vốn quỹ, thành viên, minh bạch tài chính, nâng cao nghiệp vụ quản lý và được tạo điều kiện vay vốn… Đến nay, HTX đã trả hết nợ, hàng năm có doanh thu hơn 1,4 tỉ đồng, lãi gần 150 triệu đồng.
Chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012, các HTX đã tăng khả năng cung ứng dịch vụ cho thành viên và thu hút người dân tham gia góp vốn. Theo ông Nguyễn Văn Chín, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Hòa Thắng 2, từ tháng 2/2015, HTX chính thức hoạt động theo Luật HTX 2012. HTX thu hút được 1.465 hộ thành viên góp vốn với vốn góp tối thiểu 300.000 đồng/hộ, giúp tăng vốn điều lệ lên hơn 970 triệu đồng. HTX đáp ứng 68% nhu cầu sử dụng các dịch vụ nông nghiệp cho thành viên HTX và 50% với các dịch vụ phi nông nghiệp. Hàng năm, HTX căn cứ trên hóa đơn xuất bán và hợp đồng sử dụng dịch vụ giữa HTX và thành viên HTX để chia lãi cho thành viên, theo quy định 49% trong tổng số lãi dùng để chia theo mức vốn góp thành viên và 51% dùng để chia theo mức độ sử dụng dịch vụ. Hiện HTX thu hút được từ 70-90% thành viên sử dụng dịch vụ tại HTX.
Một số HTX khác trên địa bàn cũng được củng cố bằng cách sáp nhập, hợp nhất để mở rộng quy mô hoạt động. Đến nay, toàn tỉnh đã sáp nhập, hợp nhất 20 HTX quy mô thôn thành 9 HTX quy mô xã và đang hoạt động hiệu quả. Ông Nguyễn Dữ, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), cho biết: Năm 2012, UBND huyện Đồng Xuân hợp nhất 3 HTX nông nghiệp ở 3 thôn Phú Hội, Phú Xuân, Phước Hòa của xã Xuân Phước, cho ra đời HTX Xuân Phước vào tháng 8/2013. Thời điểm này, tổng giá trị tài sản của HTX hơn 11,4 tỉ đồng, vốn điều lệ hơn 560 triệu đồng. Sau 1 năm sáp nhập, HTX có tổng doanh thu 855 triệu đồng, cho lợi nhuận sau thuế 250 triệu đồng và năm 2015, HTX đã chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012.
Người dân hưởng ứng
Với vai trò là “bà đỡ” trong sản xuất nông nghiệp, nhiều HTX đã tạo chỗ đứng vững chắc trong lòng người dân. Ông Nguyễn Phước, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Thành Tây (huyện Đông Hòa), cho hay: Thu nhập chủ yếu của thành viên HTX đến từ sản xuất nông nghiệp. Để tăng thu nhập cho người dân, HTX chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất lúa giống, lúa thảo dược và chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả… Từ đây, người dân tiếp thu được những tiến bộ khoa học kỹ thuật, phương pháp canh tác và phòng trừ dịch hại để cây trồng cho năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhờ đó, HTX Hòa Thành Tây thu hút gần 1.400 hộ thành viên tham gia góp vốn hơn 1,1 tỉ đồng. Hàng năm, các dịch vụ sản xuất kinh doanh tại HTX đem lại tổng doanh thu hơn 1 tỉ đồng, cho lãi sau thuế gần 200 triệu đồng.
Từ mô hình 1 lúa 2 màu của HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Thành Tây (huyện Đông Hòa), nhiều hộ nông dân trong HTX đã áp dụng và mang lại hiệu quả cao. Điển hình như hộ ông Huỳnh Mễ ở thôn Phước Bình Bắc, xã Hòa Thành, sau khi áp dụng mô hình đã có thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm. Theo ông Mễ, ông trồng xen canh lúa với hoa màu trên 3.500m2 đất. Ban đầu, ông trồng dưa leo phủ bạt xen lúa, cho hiệu quả kinh tế cao nhưng do tốn nhiều công chăm sóc nên đến năm 2013, ông chuyển sang trồng khổ qua xen lúa. “Mỗi năm tôi trồng 1 vụ lúa xen canh 2 vụ khổ qua. Đầu tiên, tôi đầu tư 5 triệu đồng mua lưới, tre về dựng giàn và bạt phủ gốc để trồng khổ qua trên diện tích 1.000m2. Vụ đầu, cây khổ qua cho thu hoạch 20 triệu đồng/vụ, cao gấp nhiều lần trồng lúa. Từ đây, tôi quyết định mở rộng diện tích lên 2.000m2. Với diện tích này, cây lúa cho thu nhập 6 triệu đồng/vụ, còn cây khổ qua cho thu nhập 40 triệu đồng/vụ”, ông Mễ nói.
Làm tốt các dịch vụ phục vụ sản xuất, các HTX là địa chỉ tin cậy để người dân tìm tới. Chị Nguyễn Thị Minh ở xã An Ninh Tây (huyện Tuy An), cho biết: Từ khi sử dụng dịch vụ gặt của HTX, mỗi 1ha tôi giảm chi phí được 6,6 triệu đồng. Cụ thể, gặt bằng tay tiền công hết 9 triệu đồng trong khi thuê máy HTX chỉ hết 2,4 triệu đồng.
Hiện toàn tỉnh có 116 HTX đang hoạt động. Các HTX thu hút 145.000 thành viên tham gia và đã giải quyết việc làm ổn định cho gần 2.200 người. Số HTX xếp loại khá giỏi 49 HTX, trung bình 56 HTX và yếu 11 HTX. Hiện những HTX đã chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012 đều hoạt động hiệu quả, trở thành “bà đỡ” cho các hộ thành viên trong sản xuất nông nghiệp phát triển kinh tế hộ.
Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh |
MINH DUYÊN