Việc theo dõi sức khỏe của tôm rất quan trọng và cần được thực hiện liên tục trong suốt thời gian nuôi. Qua đó có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất ổn và kịp thời xử lý.
Căn cứ theo số ngày nuôi tính từ khi thả giống và dựa vào kinh nghiệm, người nuôi tôm nên dự báo các thời điểm tôm có thể bị sự cố để quan sát, theo dõi kỹ hơn từ nhiều ngày trước đó. Thông thường, sức khỏe của tôm nuôi có thể được đánh giá dựa trên quan sát trực tiếp, gián tiếp thông qua lượng thức ăn tôm sử dụng và gửi mẫu xét nghiệm. Giải pháp gửi mẫu xét nghiệm cho kết quả chính xác nhưng thường mất thời gian và không tiện lợi do vùng nuôi thường ở xa cơ quan thú y. Vì thế, cần dựa vào các thông tin thu thập được ngay tại ao nuôi, bao gồm:
Tỉ lệ sống: Giảm dần theo vụ nuôi và phụ thuộc vào chất lượng con giống, điều kiện môi trường và khả năng chăm sóc. Có thể ước tính tỉ lệ sống qua số lượng tôm vào nhá hoặc chính xác hơn dùng chài kiểm tra khi tôm đã lớn. Tỉ lệ sống của tôm sau 30, 60, 90 và 120 ngày nuôi ở mức 95%, 90%, 85% và 80% được coi như đạt. Nếu phát hiện tôm chết rải rác trong nhá hoặc trên đáy thì nên lặn kiểm tra ngay. Trong trường hợp tỉ lệ rớt đáy đã ở mức 25-30% thì nên thu hoạch gấp để giảm thiểu thiệt hại.
Tốc độ tăng trưởng: Tôm nuôi tăng trưởng tốt là dấu hiệu khả quan về sức khỏe. Thông thường sau 30, 60 và 90 ngày nuôi kích cỡ phải đạt 500, 80 và 60 con/kg. Tốc độ tăng trưởng kém có thể do điều kiện nuôi không tốt, tôm bị bệnh còi hoặc chất lượng con giống không đảm bảo.
Hoạt động bắt mồi: Tôm bắt mồi tốt, lượng thức ăn tăng đều đặn theo thời gian nuôi là dấu hiệu khả quan. Nếu tôm đột ngột bỏ ăn mà không phải đang vào thời gian lột xác thì cần phải kiểm tra lại điều kiện môi trường ao, kết hợp với lặn kiểm tra đáy và bắt tôm để quan sát thật kỹ. Trong nhiều trường hợp, khi môi trường ao nuôi được xử lý tốt trở lại, tôm sẽ bắt mồi bình thường.
Hoạt động bơi lội: Tôm mạnh khỏe luôn có phản xạ tốt và lẩn tránh nhanh khi có người đến gần. Tôm yếu hoặc bị bệnh thường dạt bờ, nổi đầu, bơi lờ đờ hoặc xoắn vặn theo hình lò xo. Trong những trường hợp thiếu thức ăn hoặc nền đáy ao bị ô nhiễm, tôm có thể kéo đàn bơi vòng quanh ao.
Tình trạng của đường ruột, tuyến gan tụy và phân tôm: Tuyến gan tụy của tôm nằm ở phần đầu ngực, có thể quan sát dễ dàng. Tôm khỏe có đường ruột đầy thức ăn, tuyến gan tụy có màu nâu sáng, kích thước bình thường. Phân tôm mạnh khỏe sẽ có màu của thức ăn. Phân tôm có màu khác hoặc nhớt là dấu hiệu bất ổn. Khi thấy phân tôm của một vài con có màu đỏ, thường là trong ao đã có tôm chết và bị những con này ăn. Các dấu hiệu tôm bị bệnh như thay đổi màu sắc, vết tổn thương trên cơ thể hoặc biến đổi hình dạng. Các cơ quan cần quan sát là mang tôm, phần giáp đầu ngực, các phụ bộ và đuôi.
Các thời điểm cần tập trung quan sát tôm là sáng sớm, khi kiểm tra nhá cho tôm ăn, khoảng 1-2 giờ sáng, trước và sau khi thay nước hoặc can thiệp vào môi trường nuôi, khi thời tiết thay đổi đột ngột. Khi thấy các biểu hiện bất thường như tôm chậm bắt mồi hoặc bỏ ăn, rớt trong nhá, dạt bờ, nổi đầu… cần thu mẫu kiểm tra xem cơ thể bị tổn thương hoặc biến đổi màu sắc, đường ruột đứt đoạn hoặc rỗng, tuyến gan tụy có màu sắc hình dạng không bình thường. Tiếp theo đối chiếu với mô tả triệu chứng các loại bệnh thường gặp để phán đoán và tham khảo hướng giải quyết. Liên hệ ngay với cơ quan quản lý dịch bệnh thủy sản tại địa phương để được tư vấn thêm.
NGỌC NHƯ (tổng hợp)