Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, vừa qua, một số ngân hàng thương mại đã lần lượt giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng còn tung ra các gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm.
Ưu tiên 5 lĩnh vực
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các đối tượng, lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích đầu tư. Cụ thể, ngân hàng này cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao với lãi suất tối đa 6%/năm, giảm 1 điểm phần trăm/năm so với quy định chung của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, BIDV cũng áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn VND tối đa 6%/năm đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, hoạt động trong lĩnh vực môi trường, có quan hệ tín dụng thường xuyên từ 3 năm trở lên và có năng lực tài chính, vốn tự có tham gia phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Ông Nguyễn Đại Hòa, Phó Giám đốc BIDV Phú Yên, cho biết quý cuối năm là lúc các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân và xuất khẩu. Vì vậy, việc ngân hàng giảm lãi suất vào thời điểm này sẽ giúp doanh nghiệp mạnh dạn vay vốn làm ăn. Theo ông Hòa, đợt này, không chỉ giảm lãi suất, BIDV còn triển khai các chương trình, gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất nhập khẩu, có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp siêu nhỏ với lãi suất cho vay từ 5,5%/năm; chương trình khách hàng tiềm năng lãi suất từ 5%/năm.
Không riêng BIDV, từ ngày 15/10 đến hết năm 2016, Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) cũng giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên xuống còn tối đa 6%/năm. Mức lãi suất này không chỉ áp dụng cho các khoản vay mới mà còn được điều chỉnh cho các khoản vay cũ có lãi suất trên 6%/năm. Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả, sử dụng tổng thể các sản phẩm dịch vụ của Vietcombank, sẽ được xem xét điều chỉnh giảm sâu hơn. “Đây là một trong những nỗ lực của ngân hàng trong việc thực hiện theo định hướng của Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển”, đại diện Vietcombank Phú Yên nói.
Thêm nhiều gói tín dụng ưu đãi
Bên cạnh việc giảm lãi suất cho vay, trong 3 tháng cuối năm 2016, nhiều ngân hàng còn “chạy đua” tung ra nhiều gói tín dụng ưu đãi để thu hút khách hàng vay. Trong đó, mới nhất phải kể đến gói tín dụng tối thiểu 50.000 tỉ đồng phục vụ phát triển nông nghiệp sạch của Ngân hàng NN-PTNT (Agribank). Theo ông Trần Minh Mẫn, Giám đốc Agribank Phú Yên, gói tín dụng này được áp dụng từ ngày 1/11/2016 dành cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn... Tùy theo mức độ tham gia các khâu trong chuỗi cung ứng vật tư đầu vào - sản xuất - tiêu thụ, khách hàng được áp dụng mức lãi suất ưu đãi thấp hơn 0,5-1,5% so với lãi suất cho vay thông thường của Agribank. Và Agribank cũng ưu tiên xem xét cấp tín dụng ngắn hạn không có tài sản bảo đảm đối với các khách hàng tốt, khách hàng truyền thống của ngân hàng này.
Ngoài các ngân hàng thương mại nhà nước, các ngân hàng thương mại cổ phần như Hàng Hải (Maritime Bank), Đông Á (DongA Bank), Kiên Long (Kienlong Bank), Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)... cũng có nhiều gói tín dụng ưu đãi không chỉ cho khách hàng doanh nghiệp mà còn cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh với lãi suất từ 7,5-8,5% tùy ngân hàng. Ông Huỳnh Quốc Thi, Giám đốc Maritime Phú Yên, cho hay: Từ tháng 10/2016, ngân hàng triển khai gói tín dụng cho doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp siêu nhỏ có doanh thu dưới 20 tỉ đồng/năm vay vốn với lãi suất ưu đãi. Hiện đây là nhóm khách hàng phổ biến ở Phú Yên nên ngân hàng có thể “mạnh tay” cho đối tượng này vay ưu đãi.
Đánh giá cao sự nỗ lực của các ngân hàng trong việc giảm lãi suất, tăng ưu đãi cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Hùng, Giám đốc DNTN Đức Hùng (huyện Phú Hòa) cho rằng những động thái này của ngân hàng giúp ích rất nhiều cho doanh nghiệp khi vào mùa sản xuất, kinh doanh cuối năm. Bên cạnh giảm lãi suất, ngân hàng cần tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình vay thì doanh nghiệp sẽ mạnh dạn vay vốn hơn. Còn theo ông Ngô Đa Thọ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Phú Yên, hiện nay, ngân hàng có nhiều gói tín dụng ưu đãi nhưng điều kiện để tiếp cận còn rất khắt khe. Chưa kể, nhiều chương trình chỉ triển khai trong thời gian ngắn, khi doanh nghiệp tìm hiểu, đáp ứng được điều kiện ngân hàng yêu cầu thì đã hết hạn. Do đó, điều cộng đồng doanh nghiệp mong muốn nhất là sự chung tay hỗ trợ của các ngân hàng không chỉ trong việc giảm lãi suất để giảm chi phí vốn mà còn hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thành hồ sơ thủ tục, đảm bảo đủ điều kiện vay theo yêu cầu của ngân hàng.
Từ đầu năm 2016, theo chỉ đạo của Chính phủ, ngành Ngân hàng phấn đấu giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1,5% nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Do đó, việc ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất trong mùa cho vay cuối năm là thực hiện lộ trình chung, nhất là trong bối cảnh thanh khoản dồi dào và các ngân hàng cũng vào giai đoạn cho vay nước rút để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch cả năm.
Ông Nguyễn Văn Hàn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên |
LÊ HẢO