Từ diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, gia đình ông Huỳnh Tấn Thành ở thôn Nam Bình 1, xã Hòa Xuân Tây (huyện Đông Hòa) đã mạnh dạn chuyển sang trồng hoa màu, mỗi năm cho thu nhập hơn 150 triệu đồng, trở thành nông dân sản xuất giỏi của huyện.
Ông Thành cho biết: Năm 1983, sau khi lập gia đình, vợ chồng tôi có 14 sào ruộng (500m2/sào) chuyên trồng lúa. Để có nước sản xuất, chúng tôi phải khoan giếng rồi bơm chuyền nước vào ruộng, chi phí đắt đỏ nhưng năng suất lại thấp, bình quân mỗi sào chỉ thu hoạch được 250kg lúa. Vì vậy, kinh tế lúc nào cũng eo hẹp. Đến năm 2007, khi Phòng NN-PTNT huyện có chủ trương chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, gia đình tôi đã tiên phong thực hiện. Ngay vụ đầu tiên, gia đình chuyển 4 sào đất lúa sang trồng đậu phộng và bắp luân canh, cho thu nhập khoảng 5 triệu đồng/sào/vụ và mỗi năm có thể sản xuất được 4 vụ. Trong khi đó, nếu trồng lúa, chúng tôi chỉ thu nhập được gần 1,3 triệu đồng/sào/vụ và mỗi năm chỉ trồng được 2 vụ.
Thấy được những ưu điểm và hiệu quả kinh tế của mô hình chuyển đổi cây trồng chống hạn, sau vụ canh tác đầu tiên, ông Thành học tập và nhân rộng mô hình này trên toàn bộ diện tích ruộng của gia đình. Ông Thành cho hay: Hồi đó, Phòng NN-PTNT huyện đưa giống đậu phộng TB25 từ Thái Bình về hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật trồng cho người dân. Đây là giống chịu hạn, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu địa phương nên cây phát triển tốt, năng suất cao, bình quân mỗi sào đậu phộng cho năng suất từ 300-400kg, giá bán khoảng 15.000-18.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần so với giá lúa. Tuy nhiên, trồng đậu phộng liên tục thì đất sẽ bạc màu, nên tôi luân canh trồng đậu phộng với bắp để giúp đất phục hồi và cân bằng sau vụ sản xuất đậu phộng.
Sau một thời gian sản xuất, tích lũy được ít vốn, vợ chồng ông Thành mua thêm ruộng đất để mở rộng diện tích canh tác. Theo ông Thành, hồi đó trồng đậu phộng cho hiệu quả kinh tế cao nên ông rất muốn mở rộng diện tích canh tác để tăng thu nhập. Vậy nên thấy ở đâu có đất trống là ông hỏi mua hoặc thuê để trồng. Đến nay, gia đình ông có được 1,5ha đất sản xuất, trong đó có 6 sào thuê của UBND xã. Toàn bộ diện tích này ông đều áp dụng mô hình luân canh đậu phộng và bắp. Sau một thời gian sản xuất, thấy cây bắp mang lại hiệu quả kinh tế không cao nên ông chuyển sang thí điểm luân canh một số cây hoa màu khác như khổ qua, dưa hấu, bí xanh… Khi thấy trồng dưa hấu là phù hợp và cho hiệu quả kinh tế cao nhất, gia đình ông chuyển sang sản xuất luân canh đậu phộng, bắp và dưa hấu. Mỗi năm trên 1,5ha đất, gia đình ông trồng 2 vụ đậu phộng, 1 vụ bắp và 1 vụ dưa hấu.
Để có kinh nghiệm và kiến thức trồng trọt, ông Thành thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, mô hình trình diễn do địa phương tổ chức. “Thông qua các lớp đào tạo và tìm hiểu kiến thức trên báo, đài, tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm để thâm canh sản xuất, nhờ vậy, năng suất canh tác cao. Đối với cây đậu phộng, năng suất bình quân khoảng 350kg/sào, dưa hấu 1,5 tấn/ sào, bắp 400kg/sào, trừ chi phí, mỗi năm từ trồng trọt, gia đình tôi thu nhập khoảng 150 triệu đồng”, ông Thành nói.
Ngoài ra, để phát triển kinh tế, gia đình ông Thành còn nuôi 6 con bò gồm 3 bò đực và 3 bò cái sinh sản. Mới đây, gia đình ông vừa bán 3 con bò đực được 70 triệu đồng. Từ nuôi bò, mỗi năm, ông Thành có thêm khoảng 40 triệu đồng.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Xuân Tây Đỗ Thị Thanh Hảo nhận xét: Nhờ cần cù, chịu khó và nhạy bén trong sản xuất, gia đình ông Thành đã xây dựng được mô hình luân canh cây trồng chống hạn trên đất lúa đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với những kết quả đạt được, ông Thành là một trong những nông dân sản xuất giỏi vừa được Hội Nông dân huyện Đông Hòa tuyên dương.
SƠN CA