Ngành Công thương và các địa phương đang tập trung triển khai nhiều giải pháp để phát triển thị trường, tăng sức tiêu thụ, tạo chỗ đứng ổn định và bền vững cho hàng hóa sản xuất trong nước. Liên quan đến vấn đề này, Báo Phú Yên phỏng vấn bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương).
* Hiện nay, Việt Nam đang tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới đã, đang và sẽ vào Việt Nam, trong đó có Phú Yên. Theo bà, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam phải làm gì trước sức ép cạnh tranh này?
Bà Lê Việt Nga - Ảnh: VÕ PHÊ |
- Thời gian qua, các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới có tiềm lực công nghệ và phương thức quản lý tiên tiến đã chọn Việt Nam làm nơi đầu tư, phát triển thị trường. Doanh nghiệp và người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận kênh phân phối hàng hóa hiện đại. Đặc biệt, người tiêu dùng được sử dụng các sản phẩm và dịch vụ tốt của các nước phát triển. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, điểm bán lẻ của Việt Nam những thách thức lớn về giá cả, chất lượng hàng hóa. Do vậy, các doanh nghiệp trong nước và cơ quan quản lý cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, sản xuất hàng chất lượng cao với giá phù hợp để tạo được chỗ đứng ổn định trên thị trường và được nhiều người tin dùng.
* Vậy Bộ Công thương đã triển khai những giải pháp gì để giúp doanh nghiệp phát triển bền vững thị trường trong nước?
- Bộ Công thương đang tích cực triển khai Đề án 634 của Chính phủ về phát triển thị trường trong nước, gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chúng tôi bám sát 4 nhóm giải pháp chính. Thứ nhất, triển khai và chỉ đạo các tỉnh đẩy mạnh công tác truyền thông đến người tiêu dùng, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp cùng chung tay phân phối, nâng cao chất lượng hàng Việt. Thứ hai, thiết lập hệ thống cung ứng hàng hóa Việt Nam cố định và bền vững thông qua các hoạt động như khảo sát để nắm thông tin mạng lưới phân phối hàng hóa thiết yếu, xây dựng những điểm bán hàng cố định. Thứ ba, tổ chức kết nối cung cầu để phổ biến các loại hàng hóa Việt đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Thứ tư, thực hiện những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thông qua công tác đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng phân phối hàng hóa, tiếp cận với thương mại điện tử hay các phương pháp truyền thống khác. Qua đó đưa cuộc vận động đi vào chiều sâu và thực chất. Bộ sẽ hoàn thiện chiến lược phát triển thương mại của Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, nhằm tổ chức lại thị trường trong nước để mở rộng sự tiếp cận và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nội.
Người tiêu dùng mua hàng Việt tại một hội chợ tổ chức năm 2016 - Ảnh: VÕ PHÊ |
* Bà đánh giá như thế nào về thị trường bán lẻ của Phú Yên cũng như công tác quảng bá, xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp trong tỉnh?
- Thị trường bán lẻ của Phú Yên có nhiều tiềm năng, là cơ hội đầu tư cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng như nước ngoài. Tuy nhiên, để có được thị trường bán lẻ ổn định, bền vững, tỉnh cần mở rộng kênh phân phối đến miền núi, vùng sâu, vùng xa… Doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước của Phú Yên cần xây dựng thêm các cửa hàng, điểm bán có quy mô ở các địa phương, chú trọng phân phối hàng sản xuất trong nước, trong tỉnh. Đây sẽ là điểm phát luồng hàng hóa cho những xã vùng sâu, vùng xa và người dân sẽ tiếp cận với hàng hóa có chất lượng, giá cả phù hợp từ điểm phát luồng này. Ngược lại, người dân vùng nông thôn, miền núi cũng có thể đưa hàng hóa mà họ sản xuất được về miền xuôi thông qua những điểm bán hàng Việt; tạo sự giao lưu hàng hóa lẫn nhau, qua đó góp phần quảng bá thương hiệu Việt để người tiêu dùng lựa chọn.
Phú Yên cần có các phương thức huy động mọi nguồn lực tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình phân phối hàng hóa; có những chính sách thu hút các doanh nghiệp xây dựng cơ sở sản xuất, tham gia phân phối hàng Việt; khuyến khích doanh nghiệp cải tiến chất lượng, mẫu mã hàng hóa. Ngoài ra, tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tiêu dùng hàng Việt Nam, cũng như làm tốt công tác quản lý thị trường, nhằm tránh tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và môi trường.
* Xin cảm ơn bà!
Theo Sở Công thương Phú Yên, 9 tháng qua, đơn vị đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức bán hàng lưu động và bình ổn giá tại 18 địa điểm cố định và 8 điểm bán hàng lưu động ở các huyện, thị xã trong tỉnh. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn tổ chức 16 đợt đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân với giá cả hợp lý. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội 9 tháng qua đạt trên 19.300 tỉ đồng, tăng 16,6% so với cùng kỳ. |
VÕ PHÊ