Thứ Hai, 30/09/2024 18:38 CH
Sa nhân tím sẽ phủ dày cao nguyên Vân Hòa
Thứ Ba, 18/09/2007 11:30 SA

Sa nhân là một trong những cây dược liệu quý của rừng tự nhiên ở cao nguyên Vân Hòa (Sơn Hòa), mang lại hiệu quả kinh tế nhưng chưa được phát triển thành hàng hoá. Trung tâm Ứng dụng Chuyển giao công nghệ Phú Yên đang phát triển mô hình trồng sa nhân tím tại địa phương này nhằm góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích đất, nâng cao trình độ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho nông dân, đồng thời bảo vệ nguồn tài nguyên đất với lối canh tác bền vững, lâu dài.


070918-Sa-nhan-tim-1.jpg

Sa nhân tím trồng dưới tán rừng ở Vân Hòa  - Ảnh: MINH CHÂU


KẾT QUẢ NGOÀI MONG ĐỢI!

 

Trên cao nguyên Vân Hòa, sa nhân là loài cây được phân bố tự nhiên. Từ lâu, người dân trong vùng đã khai thác quả sa nhân để bán cho các tư thương mua nông lâm sản. Tuy nhiên, do nạn khai thác, chặt phá rừng bừa bãi mà diện tích cũng như mật độ cây sa nhân trong tự nhiên ngày càng giảm, sản lượng ngày càng thấp. Người dân không còn quan tâm đến loài cây này nữa.

 

Việc trồng thử nghiệm cây sa nhân tím dưới tán rừng tự nhiên và tán rừng trồng tại cao nguyên Vân Hòa trong 2 năm qua đã cho kết quả ngoài mong đợi: Sau 8 tháng, sa nhân tím trồng dưới tán keo lá tràm và tán rừng nghèo kiệt đã ra hoa, đậu quả. Thạc sĩ Nguyễn Thanh Phương, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ cho biết: “Theo nhiều tài liệu trong và ngoài nước, sau khi trồng từ 2 -3 năm, sa nhân tím mới ra hoa. Song cây sa nhân tím trồng ở Vân Hòa lại có thời gian ra hoa đâïu quả rất ngắn, năng suất 50 – 70 kg/ha, mở ra cho Phú Yên hướng thực hiện dự án với quy mô lớn hơn”. Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Phú Yên Nguyễn Văn Dũng nói: “Cần phải có tác động của khoa học kỹ thuật để thúc đẩy việc trồng cây sa nhân đạt kết quả cao hơn. Bên cạnh đó, việc phát triển dự án trồng sa nhân tím ở cao nguyên Vân Hòa sẽ giúp nông dân nắm được cách trồng, chăm sóc cây sa nhân và góp phần giải quyết lao động nông nhàn”.

 

Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Phú Yên đang phát triển mô hình trồng cây sa nhân tím tại các xã Sơn Long, Sơn Định và Sơn Xuân với diện tích 10 ha, do Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ chuyển giao kỹ thuật.

 

LOẠI CÂY MANG LẠI NHIỀU LỢI ÍCH

 

Th.S Nguyễn Thanh Phương: “Trên thế giới có đến mấy chục loại sa nhân nhưng chúng ta chọn sa nhân tím vì nó có sản lượng cao, chất lượng tốt và năm nào cũng ra hoa kết quả. Đặc biệt, một năm sa nhân ra hoa 2 vụ hè thu và thu đông, chu kỳ cho quả đều chứ không phải năm được năm mất như các loại cây khác. Cũng như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam quan tâm đến cây lâm sản ngoài gỗ trong đó có sa nhân”

Sa nhân tím dễ trồng, không tốn công đầu tư chăm sóc và nhất là góp phần chống xói mòn đất do rễ cây đan xen chằng chịt trong đất. Một cây sa nhân được trồng ban đầu thì sau 2 -3 năm sẽ nhân thành 20 -30 cây, phủ kín bề mặt đất. Đất ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ có độ dốc lớn, sườn dốc ngắn, lượng mưa tập trung nên một năm ít nhất mất đi 32 tấn đất/ha. Cây sa nhân sẽ giúp giải quyết được tình trạng này. Kết quả phân tích còn cho thấy các chỉ số về độ chua của đất, mùn, đạm, lân, kali đều được cải thiện so với trước khi trồng. Cây sa nhân cũng không “tranh chấp” đất với một số loại cây trồng khác mà chỉ tận dụng được đất dưới tán rừng. Trên một đơn vị diện tích, chúng ta sẽ thu thêm lợi nhờ cây sa nhân. Ở năm thứ nhất và thứ hai, sa nhân cho lãi ròng 4 – 5 triệu đồng/ha. Đến năm thứ tư trở đi, khi sa nhân đã ổn định thì sẽ cho lãi ròng từ 10 -15 triệu đồng/ha. Trồng và khai thác sa nhân dưới tán rừng là một phương thức canh tác có khả năng tận dụng tối đa không gian, dinh dưỡng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

 

Lâu nay, người nông dân vào rừng gặp quả sa nhân sao thì thu hái vậy, dẫn đến sản phẩm mà họ thu được lẫn lộn cả quả già, quả non và chất lượng không cao. Trong khi đó, thu hoạch, sơ chế và bảo quản là những khâu quan trọng có tính chất quyết định đến năng suất, chất lượng quả sa nhân. Thu hoạch đúng thời điểm, đúng phương pháp, sơ chế và bảo quản với những biện pháp phù hợp vừa tiết kiệm chi phí sản xuất vừa tạo ra được sản phẩm hạt sa nhân có chất lượng cao. Vì vậy xây dựng mô hình thu hoạch, sơ chế và bảo quản quả sa nhân song song với việc chuyển giao những công nghệ mới nhất cho người  nông dân là hết sức cần thiết. Thu hoạch sa nhân vụ 2 từ tháng 11 – 12, cao nguyên Vân Hòa và các vùng miền núi ở Phú Yên thường có mưa. Sản phẩm sa nhân sẽ bị thất thoát nếu không được sơ chế bằng cơ giới.

MINH CHÂU

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek