Thứ Hai, 18/11/2024 09:21 SA
Mô hình kinh tế tổng hợp: Mang lại hiệu quả cao
Thứ Bảy, 01/10/2016 13:00 CH

Thời gian qua, người dân nhiều vùng nông thôn đã nhận thấy những hiệu quả, tính phù hợp của mô hình kinh tế tổng hợp mang lại nên chủ động nhân rộng, phát triển mô hình này.

 

Mô hình kinh tế tổng hợp giúp mang lại hiệu quả cao. Trong ảnh: Gia đình ông Kiều Văn Xuyến thu hoạch sắn - Ảnh: THỦY TIÊN

 

Hiệu quả kinh tế

 

Bà Vi Thị Bình ở xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh), cho biết: Trước đây, gia đình tôi chỉ chuyên tâm phát triển chăn nuôi heo thịt. Sau một thời gian, nghề nuôi heo gặp nhiều bấp bênh do giá cả không ổn định, dịch bệnh lại xảy ra thường xuyên. Lúc này, tôi nhận thấy để tăng thu nhập và chia nhỏ rủi ro thì không nên tập trung đầu tư vào một loại cây trồng hay vật nuôi. Vì vậy, gia đình tôi đã xây dựng mô hình sản xuất chăn nuôi kết hợp trồng trọt và mua bán thuốc bảo vệ thực vật. Trên diện tích 8ha, gia đình trồng 4ha mía, 2ha lúa và 2ha cỏ để nuôi bò lai. Từ khi chuyển sang sản xuất theo mô hình kinh tế tổng hợp này, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập gần 200 triệu đồng, cao hơn gấp ba lần so với trước. Theo ông Nguyễn Thái Hưng, Chủ tịch UBND xã Sơn Giang, hiện nay mô hình kinh tế tổng hợp của địa phương có ba dạng chính gồm: Trồng trọt kết hợp chăn nuôi; trồng trọt kết hợp làm dịch vụ nông nghiệp như dịch vụ vận chuyển, cày và thu hoạch lúa; trồng trọt, chăn nuôi và mua bán vật tư nông nghiệp.

 

Trong khi đó, tại huyện miền núi Đồng Xuân, từ nhiều năm nay, người dân ở đây cũng thực hiện đa dạng hóa đối tượng cây trồng vật nuôi, mở rộng thêm các ngành nghề dịch vụ để tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình. Ông Kiều Văn Xuyến ở xã Đa Lộc, cho biết: Hiện gia đình tôi trồng được 4ha mía, 2ha sắn, 7 sào lúa nước và nuôi 6 con bò lai, mỗi năm từ các nguồn này gia đình tôi có thu nhập gần 100 triệu đồng. Còn theo ông Nguyễn Văn Hùng cũng ở địa phương này thì từ năm 2012, gia đình ông đã “quy hoạch” lại mô hình sản xuất của gia đình, lựa chọn khu ruộng rộng gần 7 sào có nước tưới để trồng lúa, các diện tích đất rẫy còn lại chuyển sang trồng keo lai và sắn. Ngoài ra, ông Hùng còn trồng 1ha cỏ để nuôi 10 con bò thịt và bò sinh sản. Bình quân, mỗi năm trừ chi phí gia đình ông có thu nhập khoảng 150 triệu đồng.

 

Không có điều kiện đất đai rộng lớn như ở khu vực miền núi, nhiều hộ nông dân ở các vùng đồng bằng cũng xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp nhưng lấy chăn nuôi làm chính. Bà Nguyễn Thị Hồng ở xã An Nghiệp (huyện Tuy An) là một trong những hộ dân có mô hình kinh tế tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao với nghề nuôi heo sinh sản. Bà Hồng cho biết: Hiện trại heo gia đình tôi có 17 heo nái sinh sản, mỗi năm đẻ được 2 lứa với khoảng 300 heo con, toàn bộ số heo con tôi giữ lại nuôi thịt. Từ khi bắt đầu phát triển nghề nuôi heo gia đình tôi còn mở đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi heo cho các hộ dân quanh vùng và trồng được 0,5ha lúa. Mỗi năm, từ mô hình sản xuất này gia đình tôi có thu nhập khoảng 300 triệu đồng.

 

Tiếp tục nhân rộng

 

Bà Nguyễn Thị Hà ở thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa), cho hay: Từ nhiều năm nay, gia đình tôi duy trì mô hình nuôi heo, bò, trùn quế và trồng cỏ. Trong mô hình này, tôi sử dụng chất thải từ nuôi bò và heo để làm thức ăn cho trùn, còn phân trùn sau thu hoạch đem bón trồng cỏ để làm thức ăn cho bò; trùn quế ngoài bán cho các hộ nuôi thủy sản còn làm thức ăn bổ dưỡng để nuôi thúc heo. Với cách làm này tôi vừa tăng nguồn thu nhập nhờ bán trùn quế, tiết kiệm được chi phí mua thức ăn vừa xử lý chất thải và góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường chăn nuôi. Theo Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, với điều kiện đất đai ít, huyện tập trung xây dựng nhiều mô hình kinh tế tổng hợp lấy chăn nuôi làm trọng tâm. Các mô hình đều đa dạng hóa đối tượng nuôi, đặc biệt các đối tượng nuôi này mang tính bổ trợ nhau. Còn ở các vùng ven biển thì đẩy mạnh mô hình kinh tế biển trong đó nghề khai thác đóng vai trò then chốt, các nghề bổ trợ như đan vá lưới, mua bán thủy sản, dịch vụ hậu cần, chế biến nước mắm…

 

Còn ông Đào Duy Linh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, cho biết: Với đặc điểm vùng miền núi, diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, khí hậu và đất đai phù hợp với sản xuất cây công nghiệp nên địa phương sẽ tiếp tục xây dựng nhiều mô hình trồng cây công nghiệp kết hợp chăn nuôi đại gia súc và làm dịch vụ nông nghiệp để hướng dẫn cho người dân.

 

Theo Sở NN-PTNT, thời gian qua, mô hình kinh tế tổng hợp đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, góp phần cải thiện đáng kể thu nhập của nông dân nhờ đa dạng nguồn thu và chia nhỏ rủi ro. Vì vậy, các hộ dân đang rất chuộng mô hình sản xuất này. Căn cứ vào điều kiện riêng của từng vùng, từng gia đình mà người sản xuất lựa chọn mô hình phù hợp; trong đó chú trọng khâu lựa chọn các đối tượng sản xuất mang tính bổ trợ cho nhau để đem lại hiệu quả tối ưu nhất. Hiện nay, các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân, Phú Hòa, Tây Hòa, Tuy An là các địa phương đang phát triển mạnh mô hình kinh tế tổng hợp. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục tổ chức tập huấn, giới thiệu thêm nhiều đối tượng cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất, giá trị kinh tế cao để người dân áp dụng vào sản xuất trong mô hình kinh tế của gia đình mang lại hiệu quả cao nhất.

 

THỦY TIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek