Thứ Hai, 18/11/2024 11:46 SA
“Khát” vốn sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn
Thứ Sáu, 30/09/2016 07:39 SA

Giải ngân vốn sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn tại điểm giao dịch xã An Phú, TP Tuy Hòa - Ảnh: LÊ HẢO

Thời gian qua, chính sách tín dụng đối với hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn đã phát huy hiệu quả, tạo đà cho kinh tế hộ phát triển. Tuy nhiên, hiện nguồn vốn này không đủ đáp ứng nhu cầu vay ngày càng tăng của người dân.

 

Đăng ký 4 năm vẫn chưa được vay

 

Theo NHCSXH chi nhánh Phú Yên, từ đầu năm đến nay, ngân hàng này đã giải ngân 54 tỉ đồng vốn chương trình tín dụng hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn cho gần 1.900 lượt hộ vay vốn nhưng số vốn này chủ yếu là vốn thu hồi, quay vòng cho vay. Hiện tại Phú Yên, chương trình này có dư nợ hơn 252 tỉ đồng với hơn 10.000 hộ còn dư nợ, chiếm 12,8% số hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn trên địa bàn.

Hộ bà Nguyễn Thị Thanh Tâm ở thôn Hòn Ông, xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa hiện có 3 con bò và hơn 3ha đất, chủ yếu để trồng mía. Bà Tâm cho biết: Gia đình có sẵn đất sản xuất và có kinh nghiệm nuôi bò nhiều năm nay nên chúng tôi muốn được vay vốn sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để mua bò về nuôi, phát triển đàn. Tuy nhiên, không phải đến bây giờ gia đình tôi mới đăng ký vay vốn mà chúng tôi đã làm hồ sơ vay từ cách đây 4 năm nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng.

 

Sống ở vùng khó khăn và cần vốn sản xuất, kinh doanh nhưng anh So Minh Xuân ở thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân cũng chưa được vay. Theo anh Xuân, gia đình anh là khách hàng của NHCSXH từ khi còn là hộ cận nghèo. Ngày đó, được vay vốn ngân hàng, anh đầu tư trồng keo, nuôi bò và đến nay, gia đình không còn khó khăn nữa. “Thoát cận nghèo, vươn lên khá giả nhưng gia đình tôi đang thiếu vốn để sản xuất, kinh doanh vì trồng keo chờ đến khi thu hoạch hay nuôi bò đến khi bán được đều cần một thời gian dài.

 

Thêm vào đó, hiện ở địa phương, ngoài trồng keo, nuôi bò, chúng tôi cũng không biết làm cách nào khác để phát triển kinh tế nên nếu được vay vốn từ NHCSXH, người dân nơi đây sẽ có thêm điều kiện sản xuất, kinh doanh”, anh Xuân chia sẻ.

 

Theo chị La Thị Nhung, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân thì hiện rất nhiều hộ trong tổ có đất sản xuất, kinh nghiệm làm ăn nhưng lại thiếu vốn nên chưa thể mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nhiều hộ trước đây thuộc diện nghèo, cận nghèo được vay vốn, khi đã thoát hẳn nghèo, tiếp tục đăng ký vay sản xuất, kinh doanh thì phải chờ. Chị Nhung cho biết từ đầu năm đến nay, trong tổ của chị chưa phát sinh hộ vay mới nguồn vốn này. Tương tự, chị Hờ Mai, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn Hòn Ông, xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa, cho hay: “Mấy tháng nay, nhiều người dân trong tổ đến đăng ký vay vốn sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn nhưng tôi không dám nhận vì số người đã làm hồ sơ nhưng chưa có vốn rất nhiều. Tôi cũng đi hỏi ngân hàng khi nào mới giải ngân được thì ngân hàng bảo phải chờ vì nguồn vốn này đang rất khan hiếm và địa phương nào cũng cần cả. Chưa kể, mặc dù Nhà nước đã nâng mức cho vay chương trình hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn lên tối đa 50 triệu đồng/hộ nhưng chưa hộ nào được vay đến mức này”.

 

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm ở xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa cần vay vốn sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn để mua bò về nuôi, phát triển kinh tế gia đình - Ảnh: LÊ HẢO

 

Kiến nghị Trung ương tăng vốn

 

Theo NHCSXH chi nhánh Phú Yên, chương trình tín dụng đối với hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2007 nhưng hầu như vốn bố trí hàng năm năm nào cũng thiếu. Thêm vào đó, từ giữa năm 2014, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1049, tổng số xã được công nhận thuộc vùng khó khăn ở Phú Yên đã tăng từ 36 lên đến 53 xã. Ngoài ra, đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ còn quyết định nâng mức cho vay chương trình này lên tối đa 50 triệu đồng/hộ nên vốn đã thiếu nay càng thiếu hơn.

 

Ông Hồ Văn Thục, Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH chi nhánh Phú Yên, cho biết: Nguồn vốn cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn được hộ vay sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế cao vì họ có sẵn diện tích đất sản xuất với thổ nhưỡng đất đai màu mỡ, đồng thời có kinh nghiệm canh tác và quyết tâm làm ăn, cải thiện đời sống... Những năm qua, nhu cầu vay vốn này ngày càng tăng, NHCSXH chi nhánh Phú Yên đã kịp thời lập kế hoạch vốn trình NHCSXH Việt Nam xem xét, bổ sung thêm nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nên vẫn còn nhiều người dân ở vùng khó khăn chưa thể vay được vốn. Theo ông Thục, tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra của NHCSXH Việt Nam vào cuối tháng 8/2016, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH chi nhánh Phú Yên đã đề nghị cấp trên cân đối bổ sung thêm nguồn vốn để cho vay trên địa bàn. Và mới đây, ngân hàng được phân bổ 10 tỉ đồng vốn chương trình tín dụng hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn để giải ngân cho các hộ có nhu cầu. Nguồn vốn này sẽ tạo động lực giúp các hộ dân mạnh dạn mở rộng sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống gia đình, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng khó khăn, góp phần kéo giảm chênh lệch tăng trưởng giữa các vùng trong cả nước.

 

LÊ HẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
GDP 9 tháng đầu năm ước tăng 5,93%
Thứ Năm, 29/09/2016 16:57 CH
Ông Tấn vì đời sống đồng bào
Thứ Năm, 29/09/2016 11:00 SA
Rộ dịch vụ tắm trắng
Thứ Năm, 29/09/2016 10:06 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek