Hiện nay, một số doanh nghiệp xây dựng đã thu mua đất, đá, cát, sạn, sỏi... từ những hộ khai thác nhỏ lẻ tại địa phương để thuận tiện trong thi công công trình. Tuy nhiên, vì hầu hết các hộ này chưa có giấy phép khai thác khoáng sản nên không thể xuất hóa đơn bán hàng.
Khi xây dựng công trình ở huyện Sơn Hòa, DNTN Kim Ngọc Khánh (TP Tuy Hòa) đã mua cát từ các hộ tư nhân khai thác cát tại địa phương này để thi công. Tuy nhiên, khi bán cát, các hộ này nói rằng không thể xuất hóa đơn. Chị Nguyễn Thị Thảo, kế toán DNTN Kim Ngọc Khánh, cho biết: Nếu doanh nghiệp mua cát ở các bãi khai thác tại TP Tuy Hòa rồi chở lên huyện Sơn Hòa xây dựng thì có hóa đơn nhưng lại tốn chi phí vận chuyển; còn mua ở huyện Sơn Hòa thì thuận tiện nhưng lại không có hóa đơn. Khi bên bán không xuất hóa đơn bán hàng, doanh nghiệp không thể đưa khoản tiền mua cát này vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Như vậy thì quá thiệt thòi cho doanh nghiệp.
Tương tự, Công ty TNHH Tư vấn và xây dựng Hoàng Minh (huyện Sông Hinh) hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình cũng mua đá chẻ tại địa phương để thi công. Tuy nhiên hiện nay, trên địa bàn huyện Sông Hinh chưa có một tổ chức, cá nhân nào được cấp phép khai thác đá chẻ. Vì vậy khi Công ty TNHH Tư vấn và xây dựng Hoàng Minh mua đá chẻ xây dựng thì bên bán không xuất được hóa đơn để doanh nghiệp đưa vào chi phí tính giá thành công trình. “Chúng tôi có được phép làm bảng kê thu mua và tự đóng thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường hay không? Nếu không thì doanh nghiệp phải làm thế nào?”, đại diện Công ty TNHH Tư vấn và xây dựng Hoàng Minh thắc mắc.
Theo ông Lưu Đình Long, chủ DNTN Long Thẩm (huyện Sông Hinh), hiện nay, trên địa bàn huyện này, không chỉ đối với đá chẻ mà cả đất san nền, các tổ chức, cá nhân cũng chưa được cơ quan nhà nước cấp giấy phép khai thác. Vì vậy, khi DNTN Long Thẩm mua đá chẻ, đất san nền để thi công thì bên bán không xuất được hóa đơn. Trong khi hồ sơ dự toán công trình, doanh nghiệp đã lập chi phí đá chẻ và đất san nền được lấy từ mỏ đá chẻ, mỏ đất tại huyện Sông Hinh. “Hiện nay, theo quy định của Bộ Tài chính về phí bảo vệ môi trường thì doanh nghiệp được kê khai nộp phí đối với hoạt động thu mua đất, đá, sỏi… của cá nhân khai thác nhỏ lẻ. Do đó, DNTN Long Thẩm kiến nghị cơ quan thuế cho chúng tôi được kê khai thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động thu mua gom đất, đá, sỏi… của cá nhân khai thác trực tiếp bán ra và lập bảng kê thu mua để có thể đưa khoản tiền mua vật liệu nói trên vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN”, ông Long nói.
Liên quan đến vấn đề này, ông Công Văn Lãnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế Phú Yên, cho biết theo quy định của Bộ Tài chính, người nộp thuế tài nguyên là tổ chức, hộ kinh doanh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác tài nguyên; còn tổ chức thu mua khoáng sản phải đăng ký nộp thay người khai thác và có trách nhiệm nộp hồ sơ khai phí bảo vệ môi trường với cơ quan thuế quản lý cơ sở thu mua khoáng sản. Tuy nhiên, trường hợp doanh nghiệp thu mua đất, đá, sỏi của cá nhân khai thác trực tiếp bán ra mà hộ, cá nhân này đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản hoặc thuộc đối tượng được phép khai thác khoáng sản một cách hợp pháp theo quy định của Bộ Tài chính thì doanh nghiệp được phép lập bảng kê mua đất, đá, cát, sỏi để tính vào chi phí được trừ khi xác định thuế TNDN. Ngược lại, nếu doanh nghiệp thu mua đất, đá, sỏi của cá nhân khai thác trực tiếp bán ra mà hộ, cá nhân này không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản hoặc không thuộc đối tượng được phép khai thác khoáng sản một cách hợp pháp thì đây được xem là khoản chi phí bất hợp pháp và không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thuế TNDN. “Đối với những kiến nghị của doanh nghiệp không thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục Thuế Phú Yên, đơn vị sẽ ghi nhận và đề xuất lên cấp cao hơn để xem xét, xử lý”, ông Lãnh nói.
VIỆT AN