Chủ trương hỗ trợ đất sản xuất của Thủ tướng Chính phủ được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2005 đến nay. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn đã có đất, được cải tạo đất và thuê đất phục vụ sản xuất.
Đồng bào miền núi được thụ hưởng
Nhiều hộ nghèo từ chỗ phải đi làm thuê vì không có đất sản xuất đến nay đã có đất để chủ động phát triển kinh tế hộ. Điển hình như ở thôn Đá Mài, xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) có 8 hộ nghèo được hỗ trợ 5.000m2 đất sản xuất. Những hộ này còn được hỗ trợ không hoàn lại 15 triệu đồng/hộ và vay 15 triệu đồng/hộ, với lãi suất 0,1%/tháng trong thời gian 5 năm. Bà Ngô Bích Tuyệt, dân tộc Nùng, ở thôn Đá Mài, cho biết: Từ chỗ không có đất sản xuất, nay gia đình tôi có gần 1 sào đất trồng cây. Có đất lại được vay vốn mua giống, phân bón để trồng lúa, mía nên gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định, không còn thiếu đói nữa.
Một số địa phương, đất hoang hóa không còn để chia nên chính quyền đã chuyển từ hỗ trợ đất sang cho vay vốn cải tạo đất. La Lan Thương ở xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa) nhờ được vay 15 triệu đồng đã đầu tư cải tạo diện tích đất sản xuất của gia đình, nâng cao năng suất cây trồng. La Lan Thương nói: Nhà tôi có 5 sào (5.000m2) đất đồi. Tôi muốn trồng sắn, mía và làm lúa nước nhưng do đất lẫn đá nên chỉ có thể trồng sắn. Nhờ được hỗ trợ 30 triệu đồng, tôi thuê người dọn hết đá, cày lại đất, mua giống mía, lúa để trồng. Giờ thu nhập của gia đình không còn phụ thuộc vào một loại cây nữa nên ổn định hơn. Mỗi năm, gia đình có thu nhập từ 50-100 triệu đồng. Từ hộ nghèo, gia điình tôi đã vươn lên thành hộ khá.
Trên địa bàn tỉnh, có nơi, số hộ nghèo nhiều nhưng số hộ được đầu tư đất sản xuất thì ít nên chính quyền địa phương đã sử dụng quỹ đất dự phòng ưu đãi cho các hộ nghèo thuê để có đất sản xuất. Ông Nguyễn Mạnh Sơn, Chủ tịch UBND xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa), cho hay: Địa phương có 233 hộ nghèo, chiếm hơn 10% số hộ dân toàn xã. Hiện xã có 4 hộ được vay ưu đãi để cải tạo đất. Ngoài ra, để mở rộng thêm số hộ được hỗ trợ đất sản xuất, UBND xã đã dùng quỹ đất 5% cho 17 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở thôn Dốc Cát thuê với tổng diện tích 3,4ha (2.000m2/ hộ) để phát triển sản xuất nông nghiệp, trong thời gian 5 năm. Các hộ sản xuất hiệu quả, UBND xã thu tiền thuê đất từ 80.000-120.000 đồng/sào/năm.
Theo UBND tỉnh, từ năm 2009- 2012, Phú Yên đã có 823 hộ dân được giải quyết đất sản xuất với tổng diện tích 229ha, tổng kinh phí gần 3,6 tỉ đồng. Nhờ đó, các hộ nghèo vùng miền núi thiếu đất sản xuất đã
có điều kiện phát triển kinh tế hộ mà không phải đi làm thuê như trước đây và từng bước chủ động nguồn lương thực cho gia đình, vươn lên thoát nghèo. Từ năm 2013 đến hết năm 2015, Phú Yên đã được phân bổ 10 tỉ đồng dành cho hỗ trợ đất sản xuất, mua máy móc nông cụ và cho vay phục vụ sản xuất. Từ đây, hơn 3.000 hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ ổn định sản xuất, nhờ đó đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.
Nhu cầu vẫn cao
Ma So, Trưởng thôn Thống Nhất, xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa), cho biết: Trước đây diện tích sản xuất trong thôn gần 500ha, nay chỉ còn 382ha do bị thu hồi phục vụ dự án Thủy điện Sông Ba Hạ. Từ chỗ mỗi hộ có từ 1,5- 5ha đất trồng mía, sắn, nay mỗi gia đình chỉ còn 5 sào đến 2,5ha. Trong khi đó, thu nhập chính của đồng bào là từ sản xuất nông nghiệp nên diện tích giảm khiến thu nhập giảm theo, số hộ nghèo tăng lên từ 21 hộ năm 2010 đến nay hơn 100 hộ nghèo. Hiện thôn có 2 hộ được hỗ trợ 8 sào đất (4 sào/hộ). So với nhu cầu hiện nay của người dân trong thôn là từ 70-90ha đất sản xuất thì 8 sào đất là quá ít. Còn theo ông Trần Văn Ân, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh), toàn xã có 2 buôn đồng bào dân tộc thiểu số là Quang Dù và Mả Vôi. UBND xã đã lập danh sách 10 hộ còn thiếu đất sản xuất để xét, những hộ này chủ yếu là mới tách khẩu.
Tại huyện Đồng Xuân, ông Phạm Văn Trung, Trưởng Phòng Dân tộc huyện, cho biết: Địa phương có 111 hộ được duyệt hỗ trợ đất sản xuất, cùng 296 hộ được hỗ trợ mua nông cụ phát triển sản xuất. Đồng thời, huyện dự phòng kinh phí 300 triệu đồng để thực hiện hỗ trợ đất sản xuất cho khoảng 20 hộ có khả năng phát sinh.
Trên địa bàn tỉnh, sản xuất nông nghiệp là nguồn thu chủ yếu của người dân vùng miền núi nên đất cho sản xuất sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của các hộ dân. Chính sách hỗ trợ đất sản xuất đang thực sự giúp người nghèo vùng miền núi, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Tại Phú Yên, nguồn vốn từ Quyết định 755 về hỗ trợ đất sản xuất năm 2016, vừa được UBND tỉnh phân bổ với số tiền hơn 9,2 tỉ đồng dành cho hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất, mua nông cụ… Theo đó, 1.118 hộ tại 6 huyện là Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân, Tuy An, Tây Hòa và TX Sông Cầu sẽ được thụ hưởng trong những tháng cuối năm nay.
Ông La Văn Tỷ, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh |
MINH DUYÊN