Trong bối cảnh vốn ngân sách còn nhiều hạn chế, vốn đầu tư nước ngoài chưa nhiều, các doanh nghiệp Phú Yên chưa đủ sức vươn ra thị trường chứng khoán huy động vốn... thì việc hỗ trợ vốn từ các tổ chức tín dụng (TCTD) ở Phú Yên để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh là rất cần thiết.
Để tín dụng ngân hàng ngày càng phát huy vai trò trong việc phục vụ phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh, các TCTD cần hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy, phát triển mạng lưới hoạt động, mở rộng đầu tư cho vay; đồng thời đảm bảo an toàn tín dụng.
Mở rộng mạng lưới giao dịch
Bên cạnh tín dụng thông thường, các TCTD cần tiếp tục quan tâm thực hiện tín dụng cho các đối tượng chính sách, tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước. Ngoài ra, các TCTD cũng cần có kế hoạch để chủ động tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của hội sở chính (hoặc Ngân hàng Hợp tác đối với quỹ tín dụng nhân dân), nhất là nguồn hỗ trợ tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước để đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu vốn đầu tư cho vay phục vụ phát triển kinh tế xã hội, cho vay đối với các lĩnh vực được Nhà nước ưu tiên khuyến khích như: cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chăn nuôi, thủy sản, nhà ở xã hội… Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, trong giai đoạn 2011-2015, trừ năm 2012, tổng dư nợ trên địa bàn giảm, còn lại đều tăng ở mức đáng kể. Đặc biệt là hai năm 2014 và 2015, tổng dư nợ cho vay lần lượt đạt 12.757 và 15.370 tỉ đồng, tăng lần lượt là 21,8% và 19,7% so với năm trước liền kề. Đến cuối tháng 8/2016, tổng dư nợ đạt gần 17.000 tỉ đồng, tăng hơn 10% so với đầu năm. |
Để hoàn thiện tổ chức bộ máy, từng chi nhánh ngân hàng thương mại phải bám sát chỉ đạo của hội sở chính nhằm thực hiện các giải pháp tái cơ cấu, tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động; cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động; nâng cao kỷ cương và nguyên tắc thị trường trong hoạt động ngân hàng. Các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở tiếp tục thực hiện có hiệu quả phương án tái cơ cấu đối với hệ thống quỹ tín dụng nhân dân đã xây dựng và được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh phê duyệt trong năm 2013; đồng thời triển khai đề án Xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến hết năm 2020, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập và phát triển các tổ chức tài chính vi mô, chương trình/dự án tài chính vi mô an toàn, hiệu quả.
Trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, định hướng phát triển của ngành Ngân hàng và chiến lược phát triển mở rộng mạng lưới của hội sở chính, từng TCTD cần rà soát, xây dựng và thực hiện kế hoạch mở rộng mạng lưới giao dịch, trong đó ưu tiên địa bàn nông nghiệp, nông thôn nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người dân và các thành phần kinh tế, cũng như góp phần thực hiện tốt chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Các TCTD cũng cần định hướng phát triển mạng lưới để phục vụ phát triển các khu vực kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp, khu du lịch của tỉnh. Đồng thời đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, tạo bộ mặt mới mẻ, khang trang cho trụ sở; xây dựng quy chế giao dịch văn minh, lịch sự, chuyên nghiệp trong giao tiếp với khách hàng. Trên cơ sở này, các TCTD đổi mới phong cách giao dịch chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng; tăng cường thông tin, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ; áp dụng các hình thức huy động vốn hấp dẫn để thu hút vốn nhàn rỗi trên địa bàn...
Nâng cao hiệu quả đầu tư cho vay
Bên cạnh việc mở rộng mạng lưới, các TCTD trên địa bàn cần mở rộng và nâng cao hiệu quả đầu tư cho vay. Cụ thể, các TCTD cần mở rộng tín dụng gắn với chuyển dịch cơ cấu tín dụng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong từng thời kỳ. Trên cơ sở định hướng chính sách tiền tệ, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và sự chỉ đạo của hội sở chính, từng TCTD thực hiện xây dựng và đăng ký chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm và từng quý trong năm cho phù hợp. Trong đó, ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với các ngành, lĩnh vực kinh tế và các sản phẩm chủ lực theo định hướng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, cũng như các lĩnh vực quan tâm khuyến khích phát triển của Nhà nước như: nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động…
Các TCTD cần thực hiện nghiêm túc các quy định và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về trần lãi suất huy động và cho vay, tiết kiệm chi phí để có điều kiện giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng, hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn để duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh. Đồng thời thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa TCTD và khách hàng (cho vay mới, cơ cấu lại thời hạn nợ, miễn, giảm lãi suất, tư vấn hỗ trợ thông tin kinh tế, thị trường…) nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng để duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh.
Các TCTD cũng cần rà soát các chính sách khách hàng; đánh giá, thẩm định phân loại khách hàng theo mức độ tín nhiệm, hình thành danh mục khách hàng truyền thống, khách hàng tiềm năng để có chính sách ưu đãi cụ thể nhằm thu hút và giữ những khách hàng chiến lược, làm cho khách hàng gắn bó lâu dài với TCTD dựa trên nền tảng lợi ích kinh tế vững chắc. Đồng thời chủ động tìm kiếm khách hàng có dự án, phương án có hiệu quả để cho vay. Trong đó quan tâm đầu tư cho vay đối với các ngành, lĩnh vực kinh tế và các sản phẩm chủ lực theo định hướng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh như: khai thác và chế biến thủy hải sản; trồng mía, sắn, tiêu; sản xuất và xuất khẩu thủy sản, cao su, dệt may; cho vay phát triển các không gian du lịch, các dự án du lịch văn hóa, sinh thái; cho vay các lĩnh vực mới và tiềm năng như khai thác khoáng sản, dầu khí…
Bên cạnh đó, các TCTD cần nghiên cứu đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, áp dụng các mức lãi suất cho vay phù hợp gắn với chính sách ưu đãi khách hàng (khách hàng truyền thống, khách hàng có mua bảo hiểm, khách hàng trả nợ tốt….); thiết kế các khoản vay có tính chất vụ mùa và thời điểm liên quan đến lĩnh vực trồng trọt; phát triển sản phẩm tín dụng theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, nhằm nâng cao hiệu quả, giảm chi phí hoạt động, hỗ trợ khách hàng vay. Đồng thời đơn giản hóa thủ tục cho vay trên cơ sở đảm bảo an toàn tín dụng nhằm tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế trong quan hệ tín dụng với TCTD. Đặc biệt, TCTD cần có hệ thống lưu trữ hồ sơ khách hàng một cách khoa học để có thể tận dụng lại những dữ liệu, hồ sơ vẫn còn hiệu lực mà khách hàng đã cung cấp trong những lần giao dịch trước để giảm bớt các giấy tờ trùng lắp, không cần thiết nhằm hạn chế tối đa sự phiền hà đối với khách hàng.
Các TCTD cũng cần quan tâm cho vay có bảo lãnh của bên thứ ba nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ cho khách hàng trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư, sản xuất kinh doanh. Việc bảo lãnh này dựa trên cơ sở tài sản thế chấp hợp pháp và gắn liền với nghĩa vụ của bên bảo lãnh tham gia vào việc thực hiện hợp đồng. Đây cũng là biện pháp tình thế để cho các khách hàng có dự án, phương án đầu tư được thẩm định là khả thi và hiệu quả nhưng lại không đủ tài sản đảm bảo. Giải pháp này giúp không bỏ qua các dự án tốt, góp phần đem lại hiệu quả, giải quyết việc làm, phục vụ tăng trưởng và phát triển kinh tế, xã hội...
Đảm bảo an toàn tín dụng
Mặc dù, nợ xấu của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh hiện nay chiếm tỉ lệ thấp, vẫn nằm trong tầm kiểm soát và giới hạn an toàn nhưng nợ xấu có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đặc biệt là trong giai đoạn nền kinh tế biến động như hiện nay. Chính vì vậy, ngoài việc đẩy mạnh cho vay, các TCTD ở Phú Yên cần có kế hoạch, biện pháp nâng cao chất lượng tín dụng, phòng ngừa nợ xấu, nợ có vấn đề với phương châm an toàn để phát triển.
Để làm được điều này, các TCTD có thể lựa chọn khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, khả thi để cho vay; chấp hành nghiêm túc các quy định, quy trình tín dụng, nhất là tăng cường kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay để đảm bảo việc cho vay và sử dụng vốn vay đúng mục đích, kịp thời phát hiện và xử lý rủi ro tín dụng. Các TCTD cũng cần tăng cường các biện pháp bảo đảm tiền vay (cầm cố, thế chấp, bảo lãnh của bên thứ ba…) để nâng cao trách nhiệm của khách hàng trong việc trả nợ, cũng như hạn chế tổn thất khi rủi ro tín dụng xảy ra. Trong đó cần nâng cao công tác thẩm định đánh giá tài sản thế chấp. Đối với những tài sản đặc biệt, TCTD có thể thuê những công ty chuyên ngành đánh giá thay và họ phải chịu trách nhiệm trong việc đánh giá này. Ngoài ra, các TCTD cần bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và hội sở chính trong việc tiếp tục thực hiện đề án xử lý nợ xấu; phối hợp tốt với các cơ quan quản lý (tòa án, thi hành án, cấp ủy chính quyền địa phương…) và các hội, tổ, nhóm mà khách hàng tham gia để thu hồi nợ, hạn chế tối đa tình trạng nợ tồn đọng qua thi hành án nhằm giúp nguồn vốn được lưu thông, tiếp tục cho vay phục vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương.
HUỲNH XUÂN HUẾ
(Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên)