Đề án Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, triển khai tại các tỉnh, thành trong cả nước. Tại Phú Yên, đề án này cũng đang được ngành chức năng thực hiện nhằm giúp người dân tiếp cận với truyền hình số.
Phủ sóng truyền hình số
Thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc hỗ trợ đầu thu để tạo điều kiện cho người dân xem truyền hình số, Sở TT-TT phối hợp với Sở LĐ-TB-XH rà soát danh sách hộ nghèo, cận nghèo để hỗ trợ. Hiện nay, toàn tỉnh có 30.803 hộ nghèo và 20.021 hộ cận nghèo. Những hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ đầu thu truyền hình số phải đang sử dụng TV công nghệ tương tự chưa tích hợp tính năng thu truyền hình số theo chuẩn DVB-T2, chưa có đầu thu truyền hình số DVB-T2, chưa sử dụng bất kỳ một trong các phương thức truyền hình trả tiền như truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh, truyền hình Internet (IPTV) trong thời gian triển khai hỗ trợ tại địa phương. |
Theo UBND tỉnh, hiện Phú Yên có Trung tâm Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và 9 đài truyền thanh, đài truyền thanh - truyền hình tại các huyện, thị xã, thành phố. Thực hiện đề án Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020, đến cuối năm 2018, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, đài truyền thanh - truyền hình các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh phối hợp với các đơn vị truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất kết thúc việc phát sóng tất cả các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự để chuyển hoàn toàn sang phát sóng trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất. Phú Yên phấn đấu đến năm 2020, đảm bảo 100% các hộ gia đình có TV xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, trong đó truyền hình số mặt đất chiếm 45% các phương thức truyền hình; truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 80% dân cư.
Theo quy định, để xem truyền hình số mặt đất, máy thu hình (TV) sử dụng công nghệ màn hình LCD, PDP, LED, OLED và các công nghệ màn hình tiếp theo được sản xuất và nhập khẩu để sử dụng tại Việt Nam phải được tích hợp chức năng truyền hình số mặt đất tiêu chuẩn DVB-T2, tiêu chuẩn mã hóa tín hiệu hình ảnh và âm thanh MPEG-T2 phù hợp với quy chuẩn quốc gia. Riêng với TV chưa được tích hợp truyền hình số hóa mặt đất (DVB-T2 và STB DVB-T2) thì phải được gắn nhãn hàng hóa với các nội dung như tên hàng hóa, xuất xứ, định lượng, ngày sản xuất, thông số kỹ thuật, thông tin cảnh báo an toàn, hướng dẫn sử dụng, bảo quản… Các sản phẩm này cũng phải được gắn dấu hợp quy, hợp chuẩn, biểu trưng số hóa truyền hình tại Việt Nam.
Theo ông Lương Công Đức, Chánh Văn phòng Sở TT-TT, thời gian qua, sở đã thông tin, hướng dẫn các siêu thị, cửa hàng bán TV có chức năng tích hợp truyền hình số cho người tiêu dùng. Theo một số cửa hàng điện máy ở TP Tuy Hòa, trước đây, TV các hãng không có chức năng tích hợp màn hình số, muốn xem được các kênh truyền hình số, người dân phải trang bị thêm đầu thu giải mã truyền hình số. Giá cho mỗi thiết bị loại này từ 450.000-500.000 đồng. Tuy nhiên, khi lắp đặt thiết bị này, TV thêm cồng kềnh và còn tăng chi phí cho người sử dụng. Hiện nay, các nhà sản xuất đã tích hợp tính năng truyền hình số trên sản phẩm. Theo chủ cửa hàng điện máy Ngọc Tuân (TP Tuy Hòa), giá các loại TV chưa tích hợp chức năng truyền hình số và TV đã được tích hợp chức năng này chênh lệch 200.000 đồng. Nếu chọn TV chưa tích hợp chức năng truyền hình số và mua thêm đầu thu thì giá cao hơn TV đã được tích hợp. Mặt khác, cách bố trí TV, thiết bị cũng không đẹp mắt. Ông Lê Nguyễn Nhật Trường, nhân viên quản lý siêu thị Điện máy Xanh (TP Tuy Hòa), cho biết: Hiện nay, Điện máy Xanh chỉ bán TV đã tích hợp chức năng truyền hình số, không bán TV cũ, đầu thu. Từ khi kinh doanh mặt hàng này tại Phú Yên, siêu thị chưa tiếp nhận nhu cầu mua đầu thu giải mã của người dân. Phú Yên chưa phát sóng truyền hình số mặt đất nên những khách hàng đã mua TV cũ cũng không có nhu cầu mua thiết bị này.
Nâng cao nhận thức của người dân
Tuy nhiên, theo các chủ cửa hàng điện máy, hiện vẫn còn một số hãng sản xuất TV chưa tích hợp chức năng truyền hình số. Nhiều người dân khu vực nông thôn cũng chọn sản phẩm loại này. Bà Lê Thị Kim Phượng ở xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa, cho biết: Đến cửa hàng, tôi được nhân viên giới thiệu TV tích hợp chức năng truyền hình số có thể xem được nhiều kênh truyền hình chất lượng. Tuy nhiên, tôi chỉ muốn mua TV cỡ nhỏ, rẻ tiền, có thể xem được các kênh truyền hình thông dụng là được.
Theo Thanh tra Sở TT-TT, nhằm phục vụ đề án Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đến năm 2020, giúp người dân tiết kiệm chi phí, tiếp cận với truyền hình số, mới đây sở tiến hành kiểm tra tại 6 doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cửa hàng bán các thiết bị điện tử, TV trên địa bàn TP Tuy Hòa và huyện Sơn Hòa. Nội dung thanh tra là việc thực hiện công bố và gắn nhãn hàng hóa, dấu hợp quy, biểu trưng số hóa truyền hình tại Việt Nam; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hóa đơn, chứng từ liên quan đến hàng hóa. Qua kiểm tra, tất cả cửa hàng, doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về những nội dung trên. Các sản phẩm có trên thị trường đều có chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy, có gắn dấu biểu trưng số hóa truyền hình mặt đất. Riêng tại cửa hàng Lê Quan (huyện Sơn Hòa) có bán đầu thu giải mã có chứng nhận hợp quy, còn lại các cửa hàng khác không có bán loại này. Nhằm giúp người dân dễ tiếp cận với truyền hình số mặt đất nhưng đỡ tốn chi phí, đơn vị khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên mua TV có chức năng truyền hình số. Các cửa hàng cần thực hiện đúng quy định, cung cấp TV đã được tích hợp chức năng truyền hình số. Nếu các cửa hàng còn bán sản phẩm không tích hợp thì phải hướng dẫn người tiêu dùng mua thêm đầu thu.
KHANG ANH