Ngày 16/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020. Cùng với tầm quan trọng chiến lược của dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, quyết định của Chính phủ thêm một lần nữa nâng tầm vị thế toàn khu kinh tế này trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa vùng duyên hải miền Trung - Tây Nguyên nói riêng, cả nước nói chung.
Vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng về công trường Nhà máy lọc dầu Dung Quất - Ảnh: ĐÌNH PHÚ |
Có thể nói, sự tăng tốc của Khu kinh tế Dung Quất phần nào phụ thuộc vào tiến độ của dự án nhà máy lọc dầu (NMLD). Với số vốn đầu tư 2,5 tỉ USD, mỗi “bước đi” của công trình trọng điểm quốc gia luôn là tâm điểm chú ý của người dân, đặc biệt là các nhà đầu tư. Tại cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải mới đây, ông Trương Văn Tuyến, Trưởng Ban quản lý NMLD Dung Quất, cho biết tiến độ thi công các gói thầu chính hiện nay đạt yêu cầu đề ra. Sau khi hợp đồng EPC 1+4 và 2+3 có hiệu lực, Tổ hợp nhà thầu Technip đồng bộ triển khai công tác thiết kế tại 4 trung tâm trên thế giới (Pháp, Malaysia, Nhật và Tây Ban Nha). Hiện tại, có hơn 65.000 tấn thiết bị đã được tập kết tại chân công trường, trong đó có những thiết bị siêu trường siêu trọng, nặng hơn 500 tấn/thiết bị.
Hằng ngày có hơn 10.000 cán bộ, chuyên gia, công nhân kỹ thuật khẩn trương làm việc tại công trường nhà máy lọc dầu. Tiến độ thi công khâu thổ mộc (xây dựng hệ thống nền móng, hạ tầng...), gói thầu 5A-Đê chắn sóng, gói thầu 5B-Cảng xuất sản phẩm... được triển khai đúng kế hoạch. Cũng theo ông Trương Văn Tuyến, các hợp đồng tư vấn, đăng kiểm và các hạng mục phụ trợ khác cũng được triển khai đồng bộ. Quá trình giám sát, quản lý dự án do nhà thầu tư vấn PMC – Stone & Webster đảm nhiệm. Hợp đồng đăng kiểm gói thầu chính yếu EPC 1+4 và 2+3 đã được ký kết với nhà thầu Det Norske Veritas...
Những dấu hiệu tích cực từ dự án nhà máy lọc dầu đã thúc đẩy mức độ đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất. Sự song hành này đã làm cho đại công trường Dung Quất nhộn nhịp hẳn lên. Hiện nay, khu kinh tế này đã xếp thứ 5 trong cả nước về thu hút vốn FDI. Cụm công nghiệp nặng Doosan của Hàn Quốc (260 triệu USD), đã khởi công xây dựng từ cuối năm 2006; Tập đoàn thép Tycoon của Đài Loan (vốn 1 tỉ USD) đang san ủi mặt bằng, chuẩn bị khởi công dự án. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư trong nước cũng đang “căng sức” hoàn thành các dự án quan trọng. Điển hình là Nhà máy đóng tàu Dung Quất (700 triệu USD), Phân xưởng polypropylen sau lọc dầu (200 triệu USD)... Theo Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất, hiện đã thu hút 110 dự án, tổng vốn đầu tư lên đến 5,5 tỉ USD. Dung Quất dần khẳng định một cách thuyết phục vị thế hạt nhân trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Theo quyết định mới nhất của Chính phủ, Khu kinh tế Dung Quất rộng 10.300 ha, là một trong những trung tâm đô thị-công nghiệp-dịch vụ của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cũng là một trong những đầu mối giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đây là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực gồm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, đô thị và nông, lâm, ngư nghiệp. Trọng tâm của khu kinh tế này là phát triển công nghiệp lọc-hoá dầu-hoá chất; các ngành công nghiệp có quy mô lớn như công nghiệp cơ khí, đóng - sửa chữa tàu biển và các ngành công nghiệp khác gắn với khai thác hiệu quả cảng nước sâu Dung Quất, sân bay Chu Lai...
Người dân miền Trung đang kỳ vọng rất nhiều vào Dung Quất.
ĐÌNH PHÚ