Ngày 24/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường. Hội nghị có sự tham dự của đại diện các bộ, ngành Trung ương, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại điểm cầu Phú Yên, các đồng chí: Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Văn Trà, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh dự hội nghị.
Theo báo cáo của Bộ TN-MT, môi trường nước ta đang chịu nhiều áp lực từ phát triển kinh tế - xã hội. Mỗi năm có hơn 2.000 dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cả nước có 283 khu công nghiệp và 625 cụm công nghiệp, trong đó chỉ có khoảng hơn 55% có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Mỗi năm cả nước sử dụng hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật, phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp…
Trước thực trạng trên, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã bổ sung nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Nhận thức, ý thức của người dân và doanh nghiệp về vấn đề này từng bước được nâng lên, nhiều vấn đề môi trường đã được xử lý, một số khu vực ô nhiễm được cải tạo, phục hồi. Xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy giảm chất lượng môi trường đang được kiềm chế.
Tại Phú Yên, theo Sở TN-MT, tình trạng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học đang có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất và sức khỏe của người dân. Tỉnh chưa được đầu tư cơ sở xử lý chất thải nguy hại hoặc tổ chức đầu mối quản lý chất thải nguy hại trong sản xuất công nghiệp, nên các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do phải hợp đồng với các đơn vị có chức năng ở ngoài tỉnh, chi phí cao, dẫn đến chất thải tồn đọng quá hạn. Tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất công nghiệp còn xảy ra do hạn chế về nhận thức của một số chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kiên quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường, cuộc sống bình yên của người dân. Các cấp, ngành cần tập trung thể chế hóa, quán triệt thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm và ứng phó sự cố môi trường cần được đẩy mạnh và chủ động hơn nữa. Đến năm 2017, Bộ TN-MT hoàn thành việc thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước đối với các dự án lớn, tiểm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố môi trường. Các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu tăng cường, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, điểm quan trọng nhất trong công tác bảo vệ môi trường chính là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường đến với người dân.
NHƯ THANH