Thứ Ba, 19/11/2024 09:44 SA
Người giữ nghề đan thúng chai
Thứ Tư, 24/08/2016 09:41 SA

Anh Tạo bên những chiếc thúng chai vừa làm xong - Ảnh: ĐÀO TẤN TRỰC

Anh Mai Văn Tạo ở thôn Phú Mỹ, xã An Dân (huyện Tuy An) đã gắn với nghề đan thúng chai nhiều năm liền. Công việc của anh không những góp phần bảo tồn, phát huy truyền thống làng nghề ở địa phương mà còn tạo nguồn thu nhập ổn định, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống gia đình.

 

Là con nhà nông chính hiệu, cùng với việc đồng áng thì anh Tạo xem đan thúng chai là việc làm chính. Anh làm nghề đan thúng hơn 15 năm nay. Đầu tiên, xuất phát từ việc đan thúng theo phong trào làng nghề trong xóm như bao người khác nhưng sau này, khi sản phẩm của anh làm ra được người tiêu thụ gần xa ưa chuộng thì vợ chồng anh xem đây là nghề mưu sinh của gia đình.

 

Từ một khuôn đất nhỏ trong sân nhà, anh Tạo “quy hoạch”, sắp xếp gọn để có chỗ làm nghề. Theo anh Tạo, để làm được một chiếc thúng chai giao đến tận tay khách hàng phải trải qua nhiều công đoạn và phải có những người thợ đảm nhận ở từng khâu. Trước hết, người thợ chặt tre phải chuyên nghiệp, chọn loại tre mỡ già độ 60% trở lên, mọc ở vùng đất cát, dọc các bờ sông càng tốt. Sau đó chọn những nan tre cật, vót mỏng đều rồi đem phơi 3-4 nắng. Tiếp đến, người thực hiện công đoạn đan mê thúng cũng phải rành nghề, khéo tay thì từng chiếc nan đan mới đều khít, thẩm mỹ và độ bền càng tăng cao. Đan xong rồi lận vành. Vành thúng phải chọn nan chẻ từ cây tre đực, cứng chắc. Khi lận vành thúng, người thợ đào hầm đất làm khuôn rồi lận nguyên tấm mê đã đan xong xuống hầm làm sao cho chiếc thúng sau khi lận cả vòng thúng và vành phải tròn đều, cân bằng, thẩm mỹ. Sau lận là dùng dây cước nức vành. Công đoạn tiếp theo là trét phân bò đều vào từng kẽ nan, phơi khô rồi quét dầu rái để chống thấm. Tùy theo từng người dùng mà nước quét dầu rái cũng không giống nhau nhưng thông thường phải trét bên trong ba nước, bên ngoài ba nước thì chiếc thúng mới hoàn hảo.

 

Anh Mai Văn Tạo chia sẻ, làm thúng chai tuổi nghề không quan trọng bằng kỹ thuật. Nhiều khi, những người lâu năm làm thúng có độ chắc và thẩm mỹ không sắc sảo bằng những người có hoa tay, tỉ mỉ. Trong các công đoạn làm thúng thì lận vành là khâu quan trọng nhất. Thao tác này đòi hỏi người làm phải có sức khỏe, kinh nghiệm và kỹ năng, thẩm mỹ mới thành công vì một chiếc thúng rất to khó có thể lận cho vành được tròn đều.

 

Mỗi ngày, ngoài hai vợ chồng, anh Tạo còn thuê 1, 2 công để cùng phụ làm thúng. Thúng chai anh làm ra có nhiều kích cỡ nhưng nhiều nhất là cỡ rộng 2m, sâu 0,7m. Bình quân, một chiếc thúng thành phẩm phải hết 8 công, anh bán sỉ cho các đại lý ở các làng chài trên cả nước, nhiều nhất là các tỉnh Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tiền Giang… làm dụng cụ đi biển với giá dao động từ 1,8-2,5 triệu đồng. Mỗi tháng, vợ chồng anh làm và bán khoảng 15-20 thúng, thu về khoảng 30 triệu đồng, trừ chi phí vật tư và công cán, vợ chồng anh lãi từ 5-7 triệu đồng. Ngư dân Phạm Văn Trụ ở xã An Phú, TP Tuy Hòa, người mua sản phẩm thúng chai của anh Tạo, cho biết: Thúng chai của anh Tạo vừa chắc, đẹp và giá cả phù hợp với túi tiền nên được nhiều ngư dân ở Phú Yên ưa chuộng. Hy vọng, anh Tạo sẽ giữ được thương hiệu của nghề mình để ngư dân trong và ngoài tỉnh có sản phẩm tốt để làm nghề.

 

Theo lời anh Tạo, từ ngày thúng composite xuất hiện trên thị trường, số lượng khách hàng mua thúng chai của anh có giảm hơn trước nhưng vợ chồng anh vẫn cố gắng duy trì nghề của gia đình.

 

ĐÀO TẤN TRỰC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek