Ô Loan (huyện Tuy An) là đầm nước lợ có diện tích trên 1.200ha, nổi tiếng với nhiều loại đặc sản. Tuy nhiên, mặt đầm hiện còn chưa đến 960ha, nhiều loài hải sản đang bị đe dọa tuyệt chủng. Người dân 5 xã (An Cư, An Ninh Đông, An Hòa, An Hải, An Hiệp) sống ven đầm bây giờ không còn mặn mà với nghề đầm truyền thống mà chuyển sang nghề khác hoặc đi làm ăn xa.
Vòng quanh trên tuyến đường ven đầm đoạn qua các xã An Hiệp, An Cư, An Hải, nhiều nhà xây lấn ra đầm, nằm phía bên kia đường. Theo thống kê của UBND huyện Tuy An, chỉ riêng xã An Cư đã có trên 100 hộ xây nhà trái phép trên đầm. Tại khu vực cầu Long Phú đến xóm Chiếu rồi rẽ qua ngã ba đường vào xóm Gõ, thuộc thôn Phú Tân 1 (xã An Cư), nhiều ngôi nhà phần móng xây trên mặt nước đầm. Ông Nguyễn Văn Thảo, một người dân ở thôn Phú Tân 1, cho hay: Xóm nhà ven đầm, đoạn đi qua xóm Chiếu, dân cư đông đúc, khi con cái có gia đình, cha mẹ cho ra riêng, thấy phía trước nhà sát mé đầm nước khô cạn dần, người dân đổ đất lấn ra xây nhà. Cứ thế người này đến người kia, mấy năm qua, xóm nhà “chồm” ra đầm thêm nhiều.
Không chỉ thu hẹp diện tích do bị lấn chiếm, đầm Ô Loan còn ngày càng bị bồi lấp. Nguyên nhân là do những năm trước, hàng năm người dân khai thác bắt hàu, sò rồi cạy vỏ lấy thịt đem bán, còn vỏ hàu, vỏ sò đổ ra đầm. Còn những năm gần đây, mùa mưa, một lượng lớn lục bình (bèo) trôi qua cầu Long Phú đổ xuống đầm dày đặc, khi lục bình chết chìm xuống đáy đầm bồi lấp, cộng với rong giẻ, rong nhớt xuất hiện dày về sau rong chết tạo lớp bùn dưới đáy làm cho đầm cạn dần. Ông Nguyễn Văn Quý ở xã An Hải, cho hay: Bây giờ từ Hòn Khô (xã An Hải) lội bộ đi thẳng từ đây qua xã An Hiệp được, nước không ngập quá khỏi đầu. Đầm Ô Loan bây giờ chỉ còn tại Vũng Lắm, Vũng Diều may ra có mực nước sâu, còn lại người dân lội bộ ra xa đóng chấn, rà bắt hàu, sò.
Ngoài việc đáy đầm ngày càng bồi lấp thì mực nước trong đầm cũng cạn dần. Nguyên nhân là nước đầu nguồn sông Kỳ Lộ không còn chảy mạnh như trước, mùa hè một nhánh sông Kỳ Lộ chảy qua cầu Lò Gốm đổ vào đầm Ô Loan gần như “đứt nước”, trong khi đó cửa biển An Hải, nơi mặt nước đầm giao thông với biển bị bồi lấp, nước biển không vào đầm được.
Ông Nguyễn Văn Thành, nhà ở cạnh mé đầm thuộc xã An Ninh Đông, phân trần: Tôi nghe cha tôi kể, ngày trước mực nước đầm rất sâu, cửa biển thông suốt, tàu của Pháp neo đậu tận cửa An Cư. Còn mấy năm gần đây, tôi chứng kiến vùng nước đầm thuộc xã An Ninh Đông hầu như chỗ nào cũng cạn, có lần tôi lội bộ ra giữa đầm bắt vẹm. Cũng chính vì đầm cạn mà tiện đánh bắt cá tôm dẫn đến cạn kiệt, chỉ cần tấm lưới 3 màng, dậu (chiều cao) 1,2m thả xuống, phần chì nằm sát đáy, phần phao nổi lên mặt nước thì không cá tôm nào thoát được. Loại lưới 3 màng cước mảnh như sợi tóc, tôm đất bằng chân nhang cũng dính lưới. Nếu nước sâu, lưới chì nặng thì cá tôm thoát trên mặt nước, còn lưới chì nhẹ thì chui dưới đáy.
Theo UBND huyện Tuy An, mực nước đầm Ô Loan cạn dần, từ 1.200ha, nay chỉ còn gần 960ha. Mấy năm qua, cửa thoát nước từ đây ra biển ở xã An Hải hẹp khiến đầm bị ô nhiễm nghiêm trọng, không chỉ cá tôm, nhiều loại hàu, sò, rau câu cũng biến mất từ lâu. Chính vì vậy ngư dân các xã ven đầm trước đây sống bằng nghề đầm như nuôi tôm, đóng chấn nhưng nay chuyển sang nuôi gà đá, một số đi làm ăn xa.
Ông Cao Văn Tiên, Phó Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, cho biết: Năm vừa qua do không có lũ lớn, cửa biển An Hải không mở nên nước trong đầm không thoát được. Hiện nay cửa biển An Hải đang được triển khai khơi thông mở rộng luồng lạch để nước từ đầm Ô Loan giao thông với biển, trả lại môi trường nước trong sạch cho người dân quanh đầm nuôi thủy sản tăng thu nhập. Đối với những hộ xây nhà, dựng trại tôm trái phép, UBND huyện Tuy An có phương án giải tỏa, trả lại môi trường cảnh quan thắng cảnh đầm Ô Loan.
TRÂM TRÂN