Thứ Ba, 19/11/2024 11:14 SA
Quản lý tốt dịch bệnh, giảm thiệt hại cho người trồng tiêu
Thứ Tư, 24/08/2016 07:55 SA

Một số gốc tiêu bị bệnh chết nhanh ở Công ty CP Vinacafe Sơn Thành - Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Giá hồ tiêu tăng mạnh, trong khi giá các loại cây trồng khác như cà phê, cao su liên tục “lao dốc”, nên người dân ồ ạt mở rộng diện tích hồ tiêu. Điều đáng lo ngại là mặc dù diện tích hồ tiêu tăng nhanh, song việc sản xuất hồ tiêu luôn đối mặt với bệnh chết nhanh, chết chậm gây thiệt hại cho người trồng tiêu. Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đến Phú Yên rà soát tình hình dịch bệnh trên cây tiêu, để đưa ra quy trình canh tác hồ tiêu an toàn, bền vững.

 

Nhiều diện tích tiêu bị bệnh

 

Bà Trần Thị Minh Thư, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty CP Vinacafe Sơn Thành (huyện Tây Hòa), cho biết: Trong khu vực nông trường của công ty trồng 500ha tiêu, trong đó có 300ha giai đoạn kinh doanh còn lại là diện tích phục hồi và trồng mới. Thời gian qua, Công ty CP Vinacafe Sơn Thành tham gia đào tạo, tư vấn mô hình sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn Global

 

 GAP cho 15 hộ nông dân trồng trên diện tích 10ha. Nông dân tham gia vào chuỗi cung ứng hồ tiêu được tiếp cận và ứng dụng công nghệ trồng trọt mới, công nghệ chế biến tiên tiến, sản phẩm làm ra đạt chứng chỉ được quốc tế công nhận Global GAP. Theo bà Thư, Công ty CP Vinacafe Sơn Thành có đội ngũ kỹ sư chuyên theo dõi tình hình sâu bệnh hại trên nông trường tiêu; riêng các khu vực khác, nông dân trồng tự phát, thiếu hiểu biết về kỹ thuật, giống, sử dụng không đúng thuốc bảo vệ thực vật đã dẫn đến tình trạng xuất hiện sâu bệnh trên nhiều vườn tiêu.

 

Ông Trần Văn Tiến, một người trồng tiêu ở xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa), than vãn: Tôi trồng 100 trụ tiêu, năm đầu chết 10 trụ, năm sau chết thêm 30 trụ, đến năm thứ 3 vườn tiêu chỉ còn 50 trụ. Mỗi lần tiêu bệnh chết, tôi hỏi thăm những người trồng tiêu gần đó rồi đến đại lý thuốc mua về phun. Càng phun tiêu càng chết. Năm nào cũng đầu tư trồng dặm.

 

Còn ông Lê Minh Phan ở buôn Kít, xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh) cho hay: Tôi mới trồng tiêu, mặc dù bón phân đầy đủ nhưng dây tiêu vẫn còi cọc, thậm chí một số dây tiêu héo lá. Hỏi những người trồng tiêu xung quanh thì mới biết tiêu của gia đình tôi bị bệnh chết chậm.

 

Theo Sở NN-PTNT, tại các huyện Tây Hòa, Sông Hinh, Sơn Hòa, Tuy An, diện tích tiêu là 687ha; trong đó, diện tích trồng mới trên 200ha, diện tích thu hoạch 455ha. Kết quả điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho thấy bệnh chết nhanh gây hại 45ha với tỉ lệ bệnh 10% trụ, còn bệnh chết chậm đối với vườn đang ở giai đoạn kinh doanh có 150ha bị bệnh. Bệnh chết nhanh là bệnh gây hại nguy hiểm cho cây tiêu, tác nhân gây bệnh là do nấm Phytophthora capsici gây ra. Còn khi cây hồ tiêu bị bệnh chết chậm thường có triệu chứng lá bị vàng.

 

Vừa sản xuất an toàn, vừa phòng trừ

 

Theo nhận định của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), việc nông dân trồng giống hồ tiêu không đảm bảo chất lượng dẫn đến hệ lụy tất yếu là diễn biến dịch bệnh trên cây hồ tiêu vô cùng phức tạp, trong đó, diện tích bệnh chết nhanh, chết chậm tăng nhanh. Trong khi đó, tại Phú Yên, nông dân du nhập, chọn giống tự phát các giống tiêu Vĩnh Linh lá trung, Vĩnh Linh lá lớn, Vĩnh Linh lá nhỏ được trồng phổ biến, có tiềm năng về năng suất, chất lượng, song không phải là giống tiêu đầu dòng, không có khả năng kháng sâu bệnh. Ngoài ra, nông dân còn du nhập một số giống tiêu khác như Tân Lâm, Chư Sê…

 

Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, hồ tiêu ở nước ta được trồng chủ yếu tại 9 tỉnh trọng điểm, với tổng diện tích 97.590ha, trong đó có Phú Yên. Tổng diện tích nhiễm bệnh chết nhanh hại cây hồ tiêu là trên 860ha, tập trung nhiều ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Nông, Bình Phước, Phú Yên, Đồng Nai. Trong khi đó, tổng diện tích nhiễm bệnh chết chậm còn tương đối lớn gần 5.000ha. Theo ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, mặc dù diện tích hồ tiêu tăng nhanh, song ngành sản xuất hồ tiêu nước ta luôn đối mặt với bệnh chết nhanh, chết chậm trên những vườn cây. Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành quy trình quản lý bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu, trong đó bao gồm các giải pháp chủ yếu liên quan đến công tác phòng bệnh. Từ đó đẩy mạnh mô hình vừa sản xuất hồ tiêu an toàn, vừa phòng trừ được bệnh chết nhanh, chết chậm.

 

Thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh sẽ phối hợp với các địa phương có diện tích tiêu, tổ chức tập huấn cho nông dân quy trình phòng chống bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu của Cục Bảo vệ thực vật. Đồng thời giới thiệu những mô hình khuyến nông hiệu quả, người dân trồng tiêu tham quan học hỏi để nâng cao giá trị và hướng tới sản xuất hồ tiêu bền vững.

 

Ông Đặng Văn Mạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục

Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh

 

LÊ TRÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek