Huyện Sông Hinh có gần 11.000 hộ nông dân. Từ trồng trọt, chăn nuôi đã mang lại cho hơn 1.600 hộ có thu nhập từ 50 - 200 triệu đồng/năm và 162 hộ có thu nhập hơn 200 triệu đồng đến trên 1 tỉ đồng/năm.
Ông Phạm Ngọc Hoàng với mô hình nuôi rùa nước - Ảnh: MINH DUYÊN |
Tìm đến mảnh đất Sông Hinh theo phong trào kinh tế mới, tiếp cận với cây cao su rồi lại được vay vốn mở rộng sản xuất, chuyển đổi từ trồng lúa, rau màu sang trồng mía, sắn, cao su, tiêu… đã giúp ông Trương Trung Thoại ở thôn 2/4, xã Ea Ly có thu nhập 250 triệu đồng/năm. Ông Thoại cho biết: Từ huyện Tây Hòa, tôi và gia đình lên xã Ea Ly làm kinh tế mới theo chương trình Làng lâm nghiệp của Hội Thanh niên xung phong tỉnh. Những năm đầu, với 30ha đất sản xuất, tôi chỉ trồng mè, đậu đỏ, thu nhập bấp bênh do phụ thuộc vào nước trời. Đến năm 2002, tôi chuyển sang trồng cây công nghiệp ngắn ngày và vay ngân hàng hơn 200 triệu đồng để khai hóa 15ha đất đồi trồng keo, dành 10ha đất đỏ trồng cao su, 5ha còn lại trồng xen mía, bắp, sắn. 4 năm sau có vốn, tôi đầu tư 150 triệu đồng mua máy cày phục vụ sản xuất. Hiện nay, dù giá mủ cao su trên thị trường xuống thấp nhưng thu nhập của gia đình tôi vẫn đạt mức 250 triệu đồng/năm.
Ông Trương Trung Thoại cũng khẳng định, gia đình ông có được thu nhập như vậy là nhờ sự hỗ trợ từ các chính sách ưu đãi của Nhà nước giúp nông dân lập nghiệp, phát triển sản xuất. “Từ năm 2002, tôi được tiếp cận cây cao su qua dự án Đa dạng hóa cao su tiểu điền của Sở NN-PTNT tỉnh. Từ dự án này, tôi được hỗ trợ 99 triệu đồng (mức hỗ trợ 18 triệu đồng/ ha) cho 5,5ha đất sản xuất. Đến năm 2004, từ bán mủ cao su tôi có vốn để mở rộng diện tích thêm 4,5ha. Ngoài ra, tôi còn được Ngân hàng NN-PTNT cho vay 140 triệu đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 50 triệu đồng để trồng thêm các loại cây khác như keo, sắn, mía…”, ông Thoại nói.
Khác với ông Thoại, ông Phạm Ngọc Hoàng được biết tới là một tỉ phú về rùa nước ở khu phố 4, thị trấn Hai Riêng, với 20 năm kiên trì nuôi và nhân giống rùa nước. Ông Hoàng cho biết: Không có nhiều đất rẫy như các hộ nông dân khác, tôi quyết định chọn nuôi rùa nước. Cái khó là không thể đi mua giống về nuôi rồi bán thương phẩm hàng loạt như những con vật khác nên không thể tính kinh tế ngay được mà phải cần mẫn. Từ năm 2007 với 30 con rùa nước, nay trang trại rùa của tôi có 272 con. Mỗi con rùa nước (khoảng 5 năm tuổi) nặng từ 2-3kg là có thể bán được. Trên thị trường, rùa nước trưởng thành hiện có giá từ 50-60 triệu đồng/con. Với số rùa hiện có, nếu đem bán thì tài sản của gia đình tôi ước tính có tới vài tỉ đồng.
Còn ông Võ Minh Tuấn ở khu phố 10, thị trấn Hai Riêng được mọi người biết đến nhờ làm giàu bằng cây cam. Ông Tuấn cho biết: Ban đầu tôi trồng thử nghiệm 300 gốc cam sành mang từ Hà Giang về, khi thấy cây cam phù hợp với thổ nhưỡng ở đây, tôi mạnh dạn trồng thêm 180 gốc và tăng diện tích từ 3 sào đất vườn lên 2ha. Vừa trồng cam, tôi vừa ươm giống cam để phục vụ nhu cầu giống cho bà con trong xóm. Hiện mỗi năm, gia đình tôi có thu nhập 300 triệu đồng.
Để giúp nông dân huyện Sông Hinh có vốn đầu tư phát triển sản xuất, không thể không kể đến nguồn vốn của ngân hàng. Chỉ tính riêng từ năm 2015 đến nay, Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT và Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sông Hinh đã cho hơn 18.600 hộ vay, với tổng số tiền 775 tỉ đồng. Ông Nguyễn Phú Ngần, Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh huyện Sông Hinh, cho biết: Đến nay, chi nhánh đã giải ngân cho 6.123 hộ nông dân trên địa bàn huyện vay, với dư nợ 688 tỉ đồng để phát triển sản xuất theo Nghị định 55 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Hội Nông dân huyện cũng là “kênh” giúp nông dân vay vốn thông qua các quỹ và dự án của chính quyền các cấp và Trung ương hội. Theo ông KSor Y Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sông Hinh, từ Quỹ hỗ trợ nông dân đã có 44 hộ được vay 123 triệu đồng; dự án Hướng dẫn người nghèo biết cách làm ăn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam có 51 hộ được vay 126 triệu đồng, đã giúp cho nông dân có điều kiện mua bò, giống cây, phát triển sản xuất.
Những năm gần đây, mỗi năm, huyện Sông Hinh có khoảng 4.700-4.900 hộ nông dân được công nhận nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Thu nhập bình quân đầu người của nông dân huyện năm vừa rồi đạt 19 triệu đồng/người.
Ông Phạm Xuân Lai, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sông Hinh |
MINH DUYÊN