Thời gian qua, công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh được tăng cường, tuy nhiên vẫn còn nhiều sản phẩm kém chất lượng có mặt trên thị trường, nhiều cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.
Một điểm kinh doanh chả ở chợ Tuy Hòa - Ảnh: ANH NGỌC |
Gần 700 cơ sở vi phạm
Chất lượng thực phẩm nói chung và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nông, thủy sản nói riêng không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người, hiệu quả lao động mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của giống nòi. Những vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc đã và đang diễn ra hàng ngày khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng. Hậu quả mà thực phẩm bẩn mang lại cho người tiêu dùng không phải ngay tức khắc mà nó âm ỉ, ngấm ngầm, tạo ra nhiều chứng bệnh nguy hiểm. Theo Sở Y tế Phú Yên, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thành lập hơn 200 đoàn công tác kiểm tra khoảng 6.100 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; qua đó phát hiện gần 700 cơ sở vi phạm, phạt tiền gần 300 triệu đồng, tiêu hủy khoảng 800 loại sản phẩm. Còn theo Sở Công thương, từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã kiểm tra hơn 40 cơ sở kinh doanh mặt hàng sữa, phát hiện nhiều cơ sở vi phạm và phạt tiền gần 40 triệu đồng. Ngoài ra, Sở Công thương còn phát hiện 3 vụ kinh doanh bột ngọt giả, phát hiện hơn 3.300 chai, hộp mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng…
Ông Đặng Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN-PTNT), cho biết: Mới đây, chi cục phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất một số cơ sở chế biến chả ở TP Tuy Hòa và phát hiện một số cơ sở vi phạm. Cụ thể, cơ sở chế biến chả lụa, chả quế của ông Phạm Anh Danh ở phường Phú Đông chưa có hồ sơ về an toàn thực phẩm và không lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu, phụ gia thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Cơ sở chế biến chả lụa, chả quế của ông Nguyễn Văn Quyện ở phường Phú Lâm và cơ sở chế biến chả cá của bà Nguyễn Thị Nở ở phường 5 hoạt động nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho công nhân trực tiếp sản xuất; không mang, mặc trang phục bảo hộ đối với công nhân trực tiếp sản xuất…
Tiếp tục kiểm tra, xử lý nghiêm
Theo bà Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế, tháng 4/2016, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) đã phối hợp với Viện Pastuer Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) lấy ngẫu nhiên 30 mẫu ruốc khô và 30 mẫu mắm ruốc trên địa bàn tỉnh để đưa đi xét nghiệm, kết quả không phát hiện có phẩm màu công nghiệp. Tháng 5/2016, đơn vị này lấy 9 mẫu dưa cải, măng khô, măng tươi, bún, mì… trên địa bàn tỉnh đưa đi xét nghiệm nhưng cũng không phát hiện chất vàng ô. Tuy nhiên, qua vụ việc phát hiện ruốc khô ở TX Sông Cầu nhuộm màu và một hộ chế biến ở TP Tuy Hòa cho chất vàng ô vào dưa cải đã nhắc nhở chúng ta cần cảnh giác việc sử dụng chất cấm trong thực phẩm. Để đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, thời gian tới, Sở Y tế chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục tuyên truyền, giáo dục cho người dân, đặc biệt là phổ biến các quy định mới về an toàn thực phẩm, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc đảm bảo vệ sinh thực phẩm của người chế biến, sản xuất và kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, việc xây dựng các chuỗi cung ứng sản phẩm nông, thủy sản an toàn cũng là giải pháp nhằm hạn chế thực phẩm bẩn xuất hiện trên thị trường. Hiện Phú Yên triển khai xây dựng 4 chuỗi cung ứng sản phẩm nông, thủy sản an toàn. Các chuỗi này gồm chuỗi cá ngừ đại dương (sản phẩm mắt, mép, thăn, lòng, lườn) của Công ty TNHH Hải sản Bình Minh (huyện Tuy An), chuỗi giò heo xông khói của Công ty TNHH Thương mại Vi Long (TP Tuy Hòa), chuỗi rau mầm an toàn của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Điệp (TP Tuy Hòa) và chuỗi thịt gà, thịt heo của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Sơ Thứ (TP Tuy Hòa). Chi cục đang hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ kinh doanh này hoàn thiện các thủ tục xây dựng chuỗi sản phẩm an toàn và kết nối tiêu thụ sản phẩm an toàn với người tiêu dùng. Đến nay, trên địa bàn TP Tuy Hòa đã có 6 điểm bán các sản phẩm nông, thủy sản an toàn.
Thời gian tới, ngoài công tác phổ biến, tuyên truyền, các ngành chức năng còn tăng cường kiểm tra theo từng lĩnh vực chuyên ngành quản lý, trong đó đặc biệt chú ý đến các cơ sở có nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm và những sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Mục đích là phát hiện kịp thời những sản phẩm, những cơ sở vi phạm và đưa thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho người dân biết, đồng thời kiên quyết tẩy chay các cơ sở vi phạm nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tránh tình trạng ngộ độc do thực phẩm bẩn có thể xảy ra.
Ông Đặng Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN-PTNT) |
ANH NGỌC