Bước vào mùa nắng nóng, thiếu nước sinh hoạt trở thành gánh nặng lên cuộc sống của người dân miền núi. Để cơ bản giải quyết tình trạng này, UBND tỉnh đã cấp kinh phí chống hạn tạm thời cho các địa phương đầu tư vào các công trình cấp nước.
Từ nguồn vốn tạm ứng chống hạn của UBND tỉnh, người dân huyện Sông Hinh có nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày - Ảnh: MINH DUYÊN |
Trước mắt, UBND tỉnh phân bổ kinh phí tạm ứng chống hạn cho các địa phương khắc phục thiếu nước sinh hoạt, với số tiền 3,2 tỉ đồng, trong đó 3 huyện miền núi là Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân gần 1,3 tỉ đồng. Các địa phương này đã đào mới 13 giếng nước, nâng cấp và mở rộng các công trình nước tập trung để tăng số hộ có nước dùng.
Tại huyện Đồng Xuân, sau khi nhận khoản kinh phí 590 triệu đồng, UBND huyện cho đào sâu các giếng nước để kịp thời khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở những vùng trọng điểm. Ông Trần Quốc Huy, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, cho biết: Huyện cho đào mới 6 giếng nước, trong đó xã Xuân Quang 1 có 3 giếng nước tại các thôn Suối Cối 1, Suối Cối 2 và Kỳ Lộ; xã Xuân Quang 2 đào 1 giếng tại thôn Phước Huệ; xã Xuân Lãnh đào 2 giếng nước; xã Xuân Sơn Bắc thì mở rộng đường ống dẫn nước từ công trình nước thôn Tân Thọ và Tân Phước.
Ông La Đoàn Năm, Trưởng thôn Suối Cối 2, cho biết: Đợt nắng nóng vừa qua tất cả các giếng đào trong thôn bị cạn, người dân phải đi mua nước hoặc đào giếng tạm gần khu vực suối Cối để tìm mạch nước. Nhưng kinh phí hạn chế, từng hộ gia đình không thể đào giếng sâu, nên nước không có nhiều, nếu giếng có nước cũng không đảm bảo vệ sinh. Nay thôn được hỗ trợ kinh phí đào 1 giếng nước, cung cấp đủ nước cho 400 hộ dân trong thôn, bà con rất phấn khởi.
Nhờ nguồn kinh phí tạm ứng chống hạn của UBND tỉnh, nhiều giếng nước đã được đào mới, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt vùng miền núi - Ảnh: MINH DUYÊN |
Trước tình trạng hơn 2.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt trong đợt nắng nóng vừa qua, UBND huyện Sơn Hòa đã đề xuất khoan 25 giếng ở các xã Sơn Định (4 giếng), Sơn Hội (3 giếng), Cà Lúi (3 giếng), Phước Tân (5 giếng), Krông Pa (5 giếng), Ea Chà Rang (5 giếng) với tổng kinh phí ước khoảng 2,5 tỉ đồng. Ông Nay Y BLung, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết: Nhu cầu là vậy, nhưng trước mắt từ nguồn kinh phí tạm ứng chống hạn 600 triệu đồng của UBND tỉnh và 200 triệu đồng từ hỗ trợ của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, huyện cho đào mới 4 giếng tại xã Phước Tân và 2 giếng tại xã Ea Chà Rang. UBND huyện tiếp tục huy động kinh phí để đào mới các giếng tại những nơi hạn nặng để nhanh chóng ổn định cuộc sống cho bà con.
Mặc dù chỉ đào được 6 trong tổng số 25 giếng nước, nhưng ban đầu cũng đã mang lại niềm vui cho người dân ở những khu vực thiếu nước. Theo ông Kpă Y Khun ở xã Ea Chà Rang, từ tháng 4 đến nay, gia đình ông cũng như nhiều gia đình khác trong xã rơi vào tình cảnh thiếu nước sinh hoạt. Để có nước sử dụng, vợ ông phải đi xa chở từng can nước. Giờ chính quyền giúp dân đào giếng, giếng cách nhà không xa nên gia đình ông không còn phải vất vả như trước nữa.
Còn tại huyện Sông Hinh, từ năm 2015 có 6/11 xã được xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung, đủ cung cấp nước cho hơn 5.000 hộ dân. Nhờ vậy mà mùa nắng nóng năm nay, huyện này hạn chế tối đa được tình trạng thiếu nước sinh hoạt, ngoại trừ một số ít hộ dân ở trên núi cao. Đợt này, huyện Sông Hinh được tạm ứng 100 triệu đồng để chống hạn. Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện, cho biết: Huyện sử dụng kinh phí này vào khoan sâu giếng, đào mới giếng và mở rộng mạng lưới cấp nước cho các công trình nước đang vận hành, như công trình nước tập trung ở các xã Sông Hinh, Ea Ly…
Theo ông Phan Hữu Đại, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, mặc dù nguồn kinh phí tạm ứng chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu nước sinh hoạt của người dân vùng miền núi nhưng nó thể hiện sự quan tâm kịp thời, đúng lúc của chính quyền các cấp tới đời sống người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong 3 huyện miền núi thì huyện Sông Hinh ít xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt; bởi trong các năm qua, địa phương này đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn lồng ghép để đầu tư kiên cố vào các công trình nước sinh hoạt tập trung cho bà con. Nên những năm sau, địa phương này không cần nhiều kinh phí xây dựng mà chỉ cần kinh phí nâng cấp, sửa chữa mở rộng. Các địa phương khác nên học hỏi cách làm này của huyện Sông Hinh để không còn tình trạng cứ tới mùa nóng lại lo đi tìm nước.
BẠCH VÂN