Mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp lâu nay vẫn được ví như răng với môi, “môi hở thì răng lạnh” nên ngân hàng luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Mới đây, nhằm giúp ngân hàng và doanh nghiệp duy trì mối quan hệ hài hòa để cùng phát triển, một số nhà lãnh đạo, quản lý đã góp ý về vấn đề này. Báo Phú Yên lược ghi những ý kiến tâm huyết.
ĐỒNG CHÍ TRẦN HỮU THẾ, ỦY VIÊN BAN THưỜNG VỤ TỈNH ỦY, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH: Hỗ trợ doanh nghiệp để kiểm soát chất lượng dư nợ
Từ đầu năm đến nay, tổng nợ xấu tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh dao động trong khoảng 1% tổng dư nợ toàn địa bàn và vẫn nằm trong ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, tôi nhận thấy các ngân hàng đang thụ động trong việc kiểm soát chất lượng dư nợ. Vì hầu hết doanh nghiệp ở Phú Yên là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ nên việc quản trị còn hạn chế, chưa có chiến lược sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Một khi ngân hàng có chủ trương đẩy mạnh vốn tín dụng ra thị trường thì nên chăng hãy đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp cả trong công tác quản trị, đồng thời tư vấn định hướng cho doanh nghiệp những mô hình phát triển hiệu quả. Ngân hàng giúp doanh nghiệp cũng như là giúp chính mình. Khi doanh nghiệp sử dụng đồng vốn đúng mục đích, làm ăn tấn tới thì ngân hàng cũng đảm bảo an toàn vốn.
Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô quá nhỏ nên khả năng thực hiện các chương trình, dự án của tỉnh có giới hạn, trong khi ngân sách tỉnh cũng chưa thực sự dồi dào. Vì vậy, chúng tôi rất mong sắp tới, các ngân hàng ở Phú Yên sẽ phối hợp cùng doanh nghiệp thực hiện các dự án vốn ngoài nhà nước để đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Ngân hàng và doanh nghiệp cùng phát triển thì Nhà nước yên tâm hơn và người dân cũng được hưởng lợi.
ÔNG NGÔ ĐA THỌ, CHỦ TỊCH HỘI DOANH NGHIỆP PHÚ YÊN: Giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin về thị trường
Trong thời đại hội nhập, doanh nghiệp nào nắm bắt được thông tin thị trường thì xem như có lợi thế. Tuy nhiên, để có được những thông tin này, doanh nghiệp phải bỏ ra một khoản tiền lớn. Trong khi đó, hầu hết các ngân hàng uy tín đều có trung tâm thông tin dự báo, có báo cáo tổng hợp về tình hình kinh tế từng thời kỳ, từng ngành hàng. Nếu các ngân hàng có thể chia sẻ thông tin này với doanh nghiệp thì sẽ giúp doanh nghiệp có hướng sản xuất, kinh doanh phù hợp, tránh được cảnh cứ đầu tư như đi trong sương mù, không biết lối ra, dẫn đến rủi ro chung cho cả doanh nghiệp và ngân hàng.
Ngoài ra, các ngân hàng nên tư vấn cho những doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng để giúp họ tái cấu trúc phù hợp trong bối cảnh hội nhập. Làm được điều này, ngân hàng không chỉ giữ được mối quan hệ với khách hàng cũ mà còn có cơ hội phát triển thêm khách hàng mới.
ÔNG LÊ HỮU TÌNH, PHÓ GIÁM ĐỐC DNTN THỦY SẢN ĐẮC LỘC: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị chăn nuôi
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, đến cuối tháng 7/2016, dư nợ cho vay phục vụ chăn nuôi heo, gia cầm, nuôi tôm, chế biến, xuất khẩu tôm là 370 tỉ đồng, với hơn 5.100 hộ gia đình và 2 doanh nghiệp. Con số này cho thấy nguồn vốn ngân hàng đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi nói chung còn rất hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh.
Hiện nay, Phú Yên vẫn là một tỉnh nông nghiệp với khoảng 80% dân số ở vùng nông thôn, sống chủ yếu phụ thuộc vào trồng trọt và chăn nuôi. Ngoài ra, tỉnh còn có đường bờ biển dài với 4 huyện, thị xã, thành phố ven biển, người dân có nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản lâu đời. Vì vậy, để phát triển ngành chăn nuôi ở Phú Yên, ngân hàng cần chung tay hỗ trợ, đầu tư vốn, giúp doanh nghiệp hình thành chuỗi giá trị từ chăn nuôi/nuôi trồng đến chế biến, xuất khẩu, mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp địa phương. Làm được như vậy, các doanh nghiệp ngành này mới có cơ hội phát triển bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
LÊ HẢO (ghi)