Họ nuôi rùa nước và nhím không chỉ vì mục đích kinh tế, mà còn vì mục đích bảo tồn vì xót xa trước cảnh nhiều loài động vật hoang dã bị truy sát, săn bắt vô tội vạ...
NUÔI RÙA NƯỚC TRÊN NÚI
Rùa nước nuôi ở nhà anh Phạm Ngọc Hoàng - Ảnh: H.NAM
Anh Phạm Ngọc Hoàng ở khu phố 4, thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) là người duy nhất ở huyện này nuôi rùa nước. Anh Hoàng cho biết, trước đây, ở khu vực dưới chân núi Hòn Cồ thuộc huyện Sông Hinh có mấy đám ruộng sình, rùa nước sinh sống ở đó khá nhiều. Người dân địa phương đi làm ruộng, nương rẫy thấy vậy bắt về. “Rùa lớn bắt về ăn thịt đã đành, còn rùa nhỏ bằng hộp diêm quẹt, tách trà họ cũng bắt, đem về cho trẻ nhỏ chơi vài ba ngày là rùa chết. Thấy nguy cơ rùa nước có thể bị tuyệt chủng, tôi nảy sinh ý định mua rùa nước về nuôi” – anh Hoàng kể.
Nghĩ là làm. Từ năm 2004 đến nay, vợ chồng anh Hoàng đã mua gom được 35 con rùa nước, lớn có, nhỏ có, đem về nuôi ở nhà. Anh thuê công xây một hồ chìm diện tích khoảng 8m2 và một hồ nổi lớn hơn bao quanh; khoảng giữa đổ cát rồi trải lá mục, tạo môi trường giống tự nhiên để ban đêm rùa lên đẻ trứng. Toàn bộ chi phí chưa đến 500.000 đồng. Rùa nước ăn những thức ăn đơn giản như các loài cá tạp và một số loại vỏ trái cây. Kinh nghiệm của anh Hoàng là đừng để thức ăn tồn đọng lâu ngày dưới đáy hồ khiến môi trường nước bị ô nhiễm và có thể gây bệnh, dịch cho rùa.
Ông Cao Hữu Lộc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: “Thời gian gần đây, việc gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh có xu hướng phát triển. Hầu hết các cơ sở đã có sự đầu tư khá tốt về con giống, quy mô chuồng trại. Chúng tôi đã hoàn thành việc kiểm tra, xác minh, cấp giấy chứng nhận và lập hồ sơ quản lý cho người gây nuôi”.
Sau khi nuôi rùa nước thành công, anh Hoàng đang tính chuyện “làm ăn” với loài rùa này. Anh cho biết, hiện 1kg rùa nước có giá đến 500.000 đồng. Thịt rùa nước ăn rất ngon, bổ dưỡng; còn mai rùa, theo dân gian, làm các bài thuốc quý. Anh cho biết: “Tôi thăm dò thì thấy thị trường đang có nhu cầu lớn về rùa nước, trong khi nguồn cung cấp hiếm nên nếu làm kinh tế khả năng sẽ thành công”. Đàn rùa nước của anh Hoàng hiện có trọng lượng 0,5-0,6kg/con và đang trong thời kỳ sinh sản. Anh Hoàng cho hay: Rùa nước sống hoang dã, đối với rùa cái nặng hết cỡ chỉ khoảng 1,7 - 1,8 kg/con, rùa đực thì nhỏ hơn. Một con rùa cái đẻ 10-15 trứng, trứng nhỏ như trứng gà ta.
Qua thời gian nuôi rùa nước, anh Hoàng khẳng định: “Nuôi rùa nước thật sự dễ, chi phí nhỏ, ít rủi ro. Nếu làm thành công, tôi sẽ nhân rộng mô hình này để bà con ở đây nuôi làm kinh tế”.
NUÔI NHÍM Ở VÙNG BIỂN!
Năm 2004, một đoàn xiếc thú từ ngoài Bắc vào lưu diễn ở thôn Long Bình (thị trấn Sông Cầu, huyện Sông Cầu) và không hiểu lý do gì họ đem hai con nhím đến bán cho một quán ăn ở đây. Thấy nhím quý hiếm, anh Nguyễn Văn Cường, người địa phương này, đã hỏi mua lại cặp nhím này với giá 4 triệu đồng. Được một người bạn giới thiệu, anh Cường vô miền Nam mua thêm một cặp nhím nữa về nuôi. Đến nay, đàn nhím đã sinh sản lên 28 con.
Chị Trần Thị Đơn Phương đang chăm sóc nhím - Ảnh: H.NAM
Nhím là động vật hoang dã, nhưng dễ thuần hóa, ít bệnh tật. Thịt nhím là món ăn đặc sản, bao tử nhím làm dược liệu quý, lông nhím cũng có giá trị. Chính vì thế những năm trước đây các tay thợ săn càng nát các khu rừng rậm ở Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân, Đông Hòa bắt nhím bán. Nay các khu rừng này tìm cả năm không ra lông nhím. Đến nay, tuy đàn nhím sinh sản nhiều, giá trị cao (thị trường ở TP Hồ Chí Minh bán 16 triệu đồng/cặp) nhưng vợ chồng anh Cường vẫn chưa tính đến chuyện làm kinh tế. Anh mới chỉ bán cho một hộ ở Sông Cầu và một hộ ở Tuy An hai cặp nhím để họ về gây nuôi.
Chị Trần Thị Đơn Phương, vợ anh Cường, cho biết: “Nuôi nhím rất nhàn. Em vừa chăm sóc hai đứa con, vừa nuôi nhím. Hàng ngày, tiền thức ăn cho mỗi con chỉ khoảng 1.000 đồng. Loài này “dễ thương” lắm, cay đắng ngọt bùi gì chúng cũng ăn cả”.
MẠNH HOÀI NAM