Đi lên từ tỉnh nông nghiệp, với 80% dân số sống ở nông thôn, Phú Yên xác định phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) gắn với các làng nghề trong quan hệ hữu cơ với nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Với định hướng đó, làng nghề cần được hỗ trợ phát triển vững chắc tạo nền tảng chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.
Đan đát hàng mây tre lá xuất khẩu đang có lợi thế phát triển ở nhiều vùng nông thôn trong tỉnh - Ảnh: N.TRƯỜNG
Phú Yên hiện đã có những sản phẩm gắn liền với địa danh và trở nên quen thuộc với người dân như nước mắm Gành Đỏ, Tiên Châu (Sông Cầu), Mỹ Quang (Tuy An), bánh tráng Đông Bình (Phú Hoà), Hoà Đa (Tuy An), bún Định Thành (Phú Hoà), gốm đất nung Hoà Vinh (Đông Hoà), dệt chiếu Phú Tân (Tuy An), Phú Hòa (Đông Hoà), đan đát Vinh Ba (Tây Hoà), chổi đót Mỹ Thành (Phú Hoà), muối Tuyết Diêm (Sông Cầu)... Điểm chung của các làng nghề Phú Yên là quy mô sản xuất nhỏ, vốn đầu tư ít, công cụ sản xuất lạc hậu, nặng về lao động thủ công nên gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh theo cơ chế thị trường.
Để giúp các làng nghề vượt qua khó khăn, Phú Yên có sự quan tâm nghiên cứu đầu tư củng cố, phát triển nhiều làng nghề. Thông qua chương trình khuyến công, HTX nghề cá Mỹ Quang (Tuy An) đầu tư mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng nước mắm nhãn hiệu Mỹ Quang được đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Cục Sở hữu công nghiệp. Nước mắm Gành Đỏ, sau khi được dự án khoa học công nghệ của tỉnh hỗ trợ xây dựng thương hiệu hàng hóa, đã vươn ra thị trường cả nước. Các làng nghề dệt chiếu Phú Tân (An Cư, Tuy An), Phú Hòa (Hòa Hiệp Trung, Đông Hòa), bánh tráng Đông Bình được Hội Nông dân hỗ trợ thiết bị cải tiến quy trình sản xuất nâng cao chất lượng và đa dạng hoá sản phẩm. Làng nghề gốm Hoà Vinh, đan đát Vinh Ba được Chương trình khuyến công hỗ trợ đào tạo lại nghề, sản xuất sản phẩm mới. Những làng nghề truyền thống đó sau khi được nâng cấp, sản xuất tương đối ổn định, chất lượng và nâng độ tinh xảo của sản phẩm nên được thị trường chấp nhận. Bên cạnh củng cố, phục hồi các làng nghề truyền thống, Phú Yên còn chú trọng phát triển một số ngành nghề mới phù hợp với điều kiện địa phương như các HTX sản xuất hàng mây tre lá xuất khẩu Hoà Bình, Phương Nam, Minh Mỹ, v.v...
Tuy làng nghề nông thôn của tỉnh đang có sự khôi phục và phát triển song so với tiêu chí làng nghề theo Nghị định 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, thì các làng nghề của Phú Yên vẫn chưa hội đủ các tiêu chí cần thiết để được công nhận. Ngay cả các ngành nghề đang có quy mô sản xuất tập trung tương đối lớn như hàng mây tre lá, chế biến hải sản khô, các cơ sở sản xuất cũng chỉ mới dừng lại ở công đoạn gia công hoặc sơ chế cho các công ty nước ngoài. Trong khi đó, kết cấu hạ tầng nông thôn của tỉnh còn nhiều bất cập chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Một số chương trình hỗ trợ của Nhà nước về khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, khôi phục làng nghề, tìm kiếm thị trường… chưa đến được với nhiều làng nghề.
Bà Tô Thị Hoà, Phó Giám đốc Sở Công nghiệp Phú Yên cho biết: Từ năm 2003, UBND tỉnh đã có ban hành “Quy định về chính sách khuyến khích đầu tư phát triển ngành nghề TTCN và làng nghề”. Tuy nhiên, do nguồn lực của địa phương có hạn nên việc khôi phục và phát triển làng nghề chưa như mong muốn. Mới đây, UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động về Bảo tồn và phát triển làng nghề giai đoạn 2007- 2010 làm cở sở để giải quyết những vướng mắc mà các làng nghề đang gặp phải. Chủ trương của tỉnh trong thời gian tới sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư cho những ngành nghề có lợi thế về tiêu thụ sản phẩm và thu hút nhiều lao động, trong đó chú trọng các làng nghề thủ công mỹ nghệ của địa phương, xác định những làng nghề có triển vọng để lựa chọn hướng hỗ trợ đầu tư thích hợp. Đối với ngành mây tre lá xuất khẩu, hỗ trợ đầu tư công nghệ sản xuất đi vào chiều sâu, hoàn chỉnh sản phẩm, tiến đến xuất khẩu trực tiếp. Đối với các làng nghề truyền thống có ưu thế như chế biến nước mắm, bánh tráng, đan đát, gốm sứ cần đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm, đăng ký thương hiệu nhằm mở rộng thị trường. Tìm “đầu ra” của sản phẩm đang là mối bận tâm hàng đầu của làng nghề ở Phú Yên. Do đó, các hộ gia đình cần liên kết với doanh nghiệp có uy tín để thực hiện các dịch vụ phục vụ sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm làng nghề của mình. Phú Yên đang cùng các tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng hình thành tam giác du lịch, khách du lịch đến làng nghề sẽ tạo ra một thị trường tiêu thụ tại chỗ ngày càng lớn cũng là hướng để tỉnh khôi phục và phát triển những làng nghề truyền thống.
NGUYÊN TRƯỜNG