Thứ Năm, 17/10/2024 07:22 SA
Lãnh đạo địa phương quan tâm, doanh nghiệp mới có điều kiện phát triển
Thứ Sáu, 10/06/2016 08:23 SA

Hiệp định TPP được 12 nước thành viên ký kết ngày 4/2/2016 tại New Zealand. Theo kế hoạch, hiệp định này sẽ chính thức có hiệu lực vào năm 2018 khi được 12 quốc gia trong khối phê chuẩn. Trao đổi về những cơ hội, thách thức và giải pháp đối với doanh nghiệp khi Hiệp định TPP có hiệu lực, TS Cấn Văn Lực, cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT, Hàm Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Trường đào tạo BIDV, chuyên gia về dịch vụ tài chính - ngân hàng, cho biết:

 

- Hiện nay, TPP là hiệp định lớn nhất, quan trọng nhất trong số các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã từng ký kết. Hiệp định này có 5 đặc điểm chính là tiếp cận thị trường một cách toàn diện, tiếp cận mang tính khu vực trong việc đưa ra các cam kết, giải quyết các thách thức mới đối với thương mại, bao hàm toàn bộ các yếu tố liên quan đến thương mại và nền tảng cho hội nhập khu vực. Chính những đặc điểm này đã khẳng định TPP là hiệp định thế hệ mới, mang tính bước ngoặt của thế kỷ 21.

 

TS Cấn Văn Lực - Ảnh: L.HẢO

* Như vậy, khi TPP có hiệu lực, các doanh nghiệp cần lưu ý điều gì, thưa tiến sĩ?

 

- Khi TPP có hiệu lực, trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp sẽ giảm chi phí nhập khẩu khi thuế suất giảm theo lộ trình; tăng khả năng quản trị, chuyển giao công nghệ. Khi đó, yêu cầu, đòi hỏi về sản phẩm, dịch vụ cũng cao hơn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn đối mặt với những thách thức như cạnh tranh khốc liệt, dễ bị thâu tóm; vướng phải những vấn đề về tranh tụng pháp lý, chảy máu chất xám… Tuy nhiên, bù lại, doanh nghiệp sẽ có cơ hội mở rộng thị phần; tiếp cận thị trường dễ dàng hơn trong khi thuế suất giảm; tăng khả năng tìm kiếm đối tác chiến lược, sản phẩm thay thế… Ngoài ra, doanh nghiệp còn có thể tiếp cận những dịch vụ, sản phẩm tài chính đa dạng, chất lượng hơn; thu hút nguồn vốn quốc tế nhiều hơn với chi phí thấp hơn; sử dụng các dịch vụ thanh toán, bảo lãnh quốc tế, quản lý rủi ro khi tăng cường thương mại, đầu tư và thị trường biến động.

 

Đứng trước những thách thức, cơ hội nêu trên, các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt cơ hội, theo dõi sát sao các thông tin, lộ trình cam kết, đặc biệt cần nắm được lộ trình giảm thuế, lộ trình mở cửa…; từ đó đưa ra định hướng, chiến lược kinh doanh hợp lý. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chuẩn bị về nhân lực, tài chính, công nghệ, quy trình, sản phẩm và hợp tác, liên kết; đồng thời lưu ý phát triển văn hóa doanh nghiệp và thương hiệu...

 

* Theo tiến sĩ, trong bối cảnh hội nhập, các ngân hàng có thể hỗ trợ gì cho doanh nghiệp?

 

- Ngân hàng có thể hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách tăng cường các dịch vụ thanh toán quốc tế, tài trợ vốn lưu động để thu mua, chế biến, sản xuất hàng xuất khẩu; chiết khấu chứng từ hàng xuất khẩu; nghiệp vụ bảo lãnh, tái bảo lãnh… Ngân hàng còn có thể tư vấn cho doanh nghiệp về cách thức gia nhập thị trường, thuế, các rủi ro trong kinh doanh, phòng ngừa rủi ro tỉ giá, lãi suất...

 

Muốn làm tốt những điều này, ngân hàng cần nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, quy trình; nâng cao chất lượng dịch vụ. Ngân hàng cũng cần tiếp tục đổi mới công nghệ, tạo ra nhiều sản phẩm - dịch vụ thiết thực, hiện đại phục vụ cho các hoạt động xuất - nhập khẩu, đầu tư; nâng cao khả năng hội nhập, mở rộng mạng lưới, tăng cường kết nối với trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời nghiên cứu sâu tác động của các hiệp định thương mại tự do nhằm tư vấn cho doanh nghiệp về hoạt động, chiến lược kinh doanh, xúc tiến đầu tư - thương mại…

 

Chế biến thủy sản xuất khẩu là một thế mạnh của doanh nghiệp Phú Yên có thể tập trung đầu tư trong thời kỳ hội nhập - Ảnh: L.HẢO

 

* Còn chính quyền thì sao, thưa tiến sĩ?

 

- Theo tôi, trong thời buổi hội nhập, vai trò của chính quyền các cấp rất quan trọng. Chính quyền có thể hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách cải cách thể chế, thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch. Địa phương cũng cần quan tâm đến vấn đề quy hoạch và chiến lược phát triển của địa phương; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp về mặt thông tin, về các chính sách ưu đãi thuế, đất đai, đào tạo nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, tìm kiếm thị trường, đối tác... Thực tế cho thấy, địa phương nào có lãnh đạo quan tâm, hỗ trợ sát sao thì doanh nghiệp mới có điều kiện phát triển.

 

* Ông có lời khuyên nào cho Phú Yên không?

 

- Hiện nay, Phú Yên có nhiều lợi thế nhưng chưa có sự đột phá. Muốn tạo ra sự đột phá, tỉnh phải có quy hoạch phát triển tổng thể với tầm nhìn dài hạn. Trong đó, tỉnh có thể tập trung đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bằng cách áp dụng công nghệ vào mọi khâu trong quá trình sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã..., gia tăng giá trị cho nông sản địa phương. Ngoài ra, Phú Yên còn có thể tập trung đầu tư cho kinh tế biển mà cụ thể là các ngành du lịch, khai thác và đánh bắt thủy sản, logistics...

 

* Xin cảm ơn tiến sĩ!

 

LÊ HẢO (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek