Thời gian gần đây, ở TP Tuy Hòa xuất hiện một số điểm kinh doanh thực phẩm sạch. Mô hình này cần được nhân rộng nhằm hạn chế lượng thực phẩm không bảo đảm chất lượng trên thị trường.
Những cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch ở TP Tuy Hòa cung cấp chủ yếu thịt bò, heo, gà và một số loại rau củ quả. Bà Nguyễn Thị Thứ, chủ cửa hàng thực phẩm Sơ Thứ ở đường Lê Lợi, cho biết: Hầu hết những thực phẩm tại cửa hàng tôi do gia đình tự sản xuất nên 100% là sản phẩm an toàn. Còn theo bà Nguyễn Thị Tường Vy, chủ cửa hàng thực phẩm Mộc Đức trên đường Lương Văn Chánh: Tôi chỉ bán mặt hàng rau củ quả và bảo đảm với người tiêu dùng là hầu hết thực phẩm ở cửa hàng là sạch. Vì một số loại rau ở đây là do tôi trồng tại vườn nhà theo quy trình sạch; còn nấm, chuối thì tôi lấy từ cơ sở sản xuất giống của Sở KH-CN, số còn lại là nhập từ Cơ sở rau sạch Đức Thành (TP Đà Lạt). Đây là cơ sở chuyên cung cấp thực phẩm an toàn tại địa phương này nên có thể kiểm tra, truy xuất nguồn gốc.
Được biết, ngoài việc bán hàng tại chỗ, những cơ sở này còn có dịch vụ giao hàng tận nơi theo yêu cầu của khách. Dù vậy, giá bán cũng chỉ tương đương với giá thị trường và chỉ thu thêm phí đối với khách khàng ở ngoài phạm vi thành phố. Theo bà Nguyễn Thị Thứ, khách hàng cần thực phẩm gì thì chỉ việc gọi điện thoại đến cửa hàng, cửa hàng sẽ mang thực phẩm đúng yêu cầu đến giao tận nơi. Từ khi triển khai dịch vụ này, đa số khách hàng đều hài lòng với thực phẩm do cửa hàng cung ứng.
Mô hình cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch tuy mới xuất hiện nhưng được nhiều người đón nhận. Bà Lê Thị Muội ở phường 5, TP Tuy Hòa, bày tỏ: Gần đây, những thông tin về thực phẩm bẩn đã khiến người dân hoang mang, không biết làm thế nào để mua được thực phẩm an toàn. Nay, thành phố có các cửa hàng bán thực phẩm sạch, người tiêu dùng như chúng tôi rất yên tâm. Tôi mong ngày càng có nhiều cửa hàng thực phẩm an toàn, giúp người dân không mua phải thực phẩm bẩn có hại cho sức khỏe.
Theo bà Nguyễn Thị Tường Vy (cửa hàng thực phẩm Mộc Đức), vấn đề khó khăn hiện nay là lượng tiêu thụ và quy trình bảo quản thực phẩm. Trong thời gian đầu, để thực phẩm tươi, chúng tôi không nhập hàng nhiều mà chỉ lấy đủ lượng thực phẩm bán trong ngày. Chúng tôi cũng sẽ nắm bắt nhu cầu người mua để cung cấp thực phẩm phù hợp và duy trì giá bán bình ổn, tương đương với giá thị trường. Còn bà Nguyễn Thị Thứ, chủ cửa hàng thực phẩm Sơ Thứ, cho biết thêm: Hiện cửa hàng tôi bán thực phẩm với giá ngang bằng giá bán ở các chợ nên không có lãi. Thực ra, nếu nuôi heo theo quy trình sạch thì heo chậm lớn hơn so với nuôi sử dụng thức ăn tăng trưởng từ 1 đến 2 tháng; còn khi trồng rau sạch thì sản lượng thu hoạch thấp. Muốn có lãi, chúng tôi phải bán với giá cao hơn giá thị trường. Trong khi đó, người mua thường vừa thích mua rau sạch nhưng vừa thích giá rẻ. Nếu người dân thay đổi nhận thức, chúng tôi sẽ gắn bó lâu dài với mô hình kinh doanh này.
Phú Yên còn nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm mất an toàn, chưa theo quy chuẩn. Tâm lý người kinh doanh là ham lời mà quên đi trách nhiệm của mình với xã hội. Khi cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch xuất hiện thì không chỉ người tiêu dùng được lợi mà quan trọng hơn là có thể giúp người bán thay đổi nhận thức và kinh doanh lành mạnh hơn. Việc kinh doanh thực phẩm sạch cũng sẽ góp phần hạn chế những độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, làm giảm gánh nặng về thực phẩm bẩn cho xã hội. Chúng tôi luôn khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn các thủ tục cần thiết để những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt mô hình này.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh Đặng Phúc |
KHANG ANH