Sau cơn mưa chiều 3/6, nước có lẫn bùn, rác thải từ cống thoát nước trên đường Trần Phú tống mạnh ra con mương nhỏ ở cánh đồng phường 8 (TP Tuy Hòa) làm vỡ bờ mương. Bùn, rác theo nước tràn vào ruộng của dân gây ngập úng, hư hỏng phần mạ non mới cấy.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Lương Sinh, Phó Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, cho biết thành phố đã tiếp nhận được phản ánh của người dân và đang giao Phòng Quản lý đô thị tìm hướng giải quyết. |
Tình trạng này không còn xa lạ đối với những người dân đang canh tác tại cánh đồng phường 8, nhất là những hộ dân có ruộng gần 2 cống thoát nước ở phía bắc đường Trần Phú, đoạn từ đường Yersin nối dài đến đường Nguyễn Thái Học.
MƯA LỚN, VỠ BỜ
Theo ông Nguyễn Long ở thôn Minh Đức, xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa), ông làm ruộng ở khu vực này hơn 10 năm nay. Từ khi đường Trần Phú hoàn thành, cống thoát nước xả thải ra con mương nhỏ dọc theo đám ruộng của ông Long. Tuy nhiên, vì nước quá bẩn lại lẫn nhiều bùn, rác, dầu mỡ... ứ đọng lâu ngày nên thường xuyên bốc mùi hôi thối. Mùa nắng, nước từ cống thải ra đen ngòm; còn mùa mưa, nước “trong” hơn nhưng lại xối ra mạnh hơn làm vỡ bờ mương, nước và rác cùng tràn vào ruộng. Người dân phải thuê công dọn mới có thể canh tác.
Còn ông Huỳnh Tấn Lực ở phường 2, TP Tuy Hòa, cho hay: Ruộng của tôi cách ruộng ông Long khoảng 100m. Cống thoát nước thay vì xả nước vào mương thì lại xả trực tiếp vào đám ruộng của tôi. Những lúc nước nhiều, dòng nước xối ra mạnh làm xói cả một hõm đất, chưa kể, lẫn với dòng nước bẩn là bùn, là rác cũng tống cả vào ruộng, nếu chúng tôi không dọn dẹp kịp thời thì nước đọng lại bốc mùi hôi thối vô cùng.
Hiện ở phía bắc đường Trần Phú đoạn từ đường Yersin nối dài đến đường Nguyễn Thái Học có hai cống thoát nước xả nước trực tiếp ra cánh đồng phường 8. Những đám ruộng ở gần cống bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đang mùa sạ, trong khi những đám ruộng khác xanh rì đều khắp thì các đám ruộng gần cống lại lai láng nước. Nhìn kỹ thì các đám ruộng này đã bị bùn đất, rác rến bồi lấp. Mặc dù người dân đã kịp thời dọn dẹp trước khi sạ nhưng chỉ sau một cơn mưa lớn, mọi việc lại đâu hoàn đấy.
Ông Nguyễn Long chia sẻ: “Mỗi lần trời mưa là tôi lại nơm nớp lo lắng, sợ nước lớn quá sẽ phá bờ mương, tràn vào ruộng làm hư lúa. Sáng đi thăm ruộng, y như rằng nỗi lo của tôi trở thành sự thật. Đợt vừa rồi, tôi và bà nhà, người 70 tuổi, người đã 69, mất 3 ngày công để cấy mạ cho đám ruộng hơn 4 sào. Vậy mà chỉ sau cơn mưa lớn vào chiều 3/6, sáng ra, cả đám ruộng đã chìm trong nước và bùn. Nông dân chúng tôi chỉ biết sống bám vào ruộng đồng mà tình hình này cứ kéo dài thì không biết sẽ ra sao”.
LÀM CÓ ĂN KHÔNG
Theo những nông dân đang canh tác ở cánh đồng phường 8, tình trạng cống thoát nước xả thải vào ruộng đã kéo dài nhiều năm nay. Điều này khiến nông dân lâm vào tình trạng “làm có ăn không”. Điển hình như mùa thu hoạch vừa rồi, trong khi các đám ruộng ở xa cống thoát nước đều gặt máy được hết, chi phí chỉ tốn khoảng 110.000 đồng/sào; thì tại các đám ruộng gần cống, nông dân phải thuê công gặt tay tốn 500.000 đồng/sào, thêm công tuốt lúa là 70.000 đồng/sào nữa. Thế nhưng, lúa cắt lên bán không ai mua vì ngâm dưới nước lâu ngày, gié lúa bị ung, hạt lúa bị xốp, năng suất chưa được phân nửa so với các đám ruộng khác.
Chi phí sản xuất đội lên cao, năng suất thấp, chất lượng lúa thu hoạch không đạt, chưa kể sức khỏe của người làm ruộng cũng bị ảnh hưởng vì môi trường ô nhiễm. “Không biết nước từ cống thoát ra bị nhiễm bẩn như thế nào mà mỗi lần ra ruộng thăm lúa hoặc phải lội vào ruộng để cấy dặm, nhổ cỏ..., khi về, tôi đều cảm thấy ngứa ngáy. Nếu ngâm nước lâu ngày, chân tay còn bị lở loét”, ông Long nói.
Tình trạng cống thoát nước xả thải ra mương không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân mà còn gây thiệt hại không nhỏ cho HTX. Ông Trần Bửu Ngà, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp phường 8, cho biết: Năm nào, HTX cũng tốn rất nhiều tiền để nạo vét mương nước bị bồi lấp do rác thải, bùn đất từ cống thoát ra bồi lấp. Những năm trước, đất cát bồi lấp ít, HTX khoán vét mương chỉ khoảng 300.000-400.000 đồng/lần, nay phải khoán 1,5 triệu đồng/lần, mỗi năm làm 4 lần nhưng không phải ai cũng muốn làm. Theo ông Ngà, trước đây, số diện tích bị ảnh hưởng lên đến 2-3ha, nhưng nay nhờ Nhà nước thu hồi một phần để làm trụ sở Ban CHQS TP Tuy Hòa nên giờ còn khoảng 1ha ruộng của 7 hộ dân bị ảnh hưởng. “Người dân và HTX đã nhiều lần phản ánh tình trạng này đến các cấp chính quyền nhưng đến nay vẫn chưa thấy khắc phục. Người dân mong muốn các cấp xem xét làm một con mương độc lập để đưa nước thải đi theo hướng khác hoặc mở rộng mương hiện có, xây bê tông để nước khỏi phá bờ, làm hư hại lúa của dân”, ông Ngà nói.
VIỆT AN