Như Báo Phú Yên đã thông tin, tại các tiểu khu 83, 90 thuộc địa bàn xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) có hơn 50 đối tượng đều là người đồng bào dân tộc thiểu số đã dùng cưa máy, rìu, rựa để chặt phá hơn 108ha rừng. UBND huyện Đồng Xuân xác định đây là vụ phá rừng rất nghiêm trọng nên đã cử lực lượng tiếp cận hiện trường để điều tra, làm rõ và sẽ xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.
Hiện trạng rừng bị phá - Ảnh: A.NGỌC |
Mới đây, phóng viên Báo Phú Yên theo đoàn công tác của UBND huyện Đồng Xuân đi kiểm tra thực tế tại các tiểu khu 83, 90 có rừng bị tàn phá. Cách bìa rừng khoảng 8km, đoàn công tác phải thuê xe máy độ chế chuyên đi rừng và phải mất hơn 1 giờ vượt dốc, băng đồi mới đến nơi. Tại hiện trường, các loại cây như cầy, giẻ, cồng, chò, sổ… bị đốn hạ ngã la liệt trên các sườn núi. Nhiều cây gỗ có đường kính 20-30cm cũng bị đốn hạ. Theo thống kê của UBND huyện Đồng Xuân, tại các khoảnh 4 và 5 tiểu khu 83, các đối tượng phá rừng này đã phát dọn 22,8ha, trong đó có 19,2ha bị phát trắng, còn lại phát luỗng. Khu rừng này có trạng thái thực tế là rừng nghèo được quy hoạch chức năng phòng hộ xung yếu, nhưng theo bản đồ kết quả kiểm kê rà soát 3 loại rừng của ngành Nông nghiệp quy hoạch thì diện tích này được quy hoạch là đất chưa có rừng Ic. Các khoảnh 1, 2 và 3 tiểu khu 90 đã bị phát trắng 85,9ha, trong đó 4,7ha có trạng thái thực tế là rừng nghèo được quy hoạch chức năng sản xuất nhưng theo bản đồ kết quả kiểm kê rà soát 3 loại rừng thì diện tích này được quy hoạch là đất chưa có rừng Ia; 21,6ha được quy hoạch rừng phòng hộ xung yếu và 59,6ha được quy hoạch cho rừng sản xuất. Trong 108,7ha đất rừng bị phá thì có khoảng 27,5ha được xác định là rừng, trữ lượng gỗ bình quân khoảng 18,88m3/ha, có các loại cây như cầy, giẻ, cồng, chò… đang tái sinh và phát triển tốt.
Các cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân đối chiếu, kiểm tra diện tích rừng bị phá - Ảnh: A.NGỌC |
Liên quan đến vấn đề này, ông Đoàn Cảnh Mai, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Đồng Xuân, cho biết: “Sau khi nghe thông tin phá rừng ở khu vực xã Phú Mỡ, tôi đi thực tế đến hiện trường và rất bức xúc vì khu rừng này trước đây là khu kháng chiến của tỉnh. Trong chiến tranh nơi đây có Trạm xá Hồ Tây, có kho đạn dược… Tôi đề nghị ngành chức năng cần xử lý nghiêm minh những đối tượng phá rừng đầu nguồn”. Hiện nhiều người dân ở huyện Đồng Xuân bất bình trước tình trạng phá rừng ở khu vực nói trên. Lo ngại của người dân là việc phá rừng này sẽ làm đứt mạch nguồn nước suối Cây Cau, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân ở khu vực xung quanh như làng Bà Đẩu, Suối Trưởng (xã Xuân Quang 1).
UBND huyện Đồng Xuân đã thành lập tổ công tác gồm các thành phần ở huyện như kiểm lâm, công an, TN-MT, NN-PTNT, UBND các xã Phú Mỡ, Xuân Quang 1 và mời Viện KSND huyện tham gia trực tiếp đến hiện trường có rừng bị phá để điều tra, làm rõ. Ông Vũ Công Tâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân, cho biết: “Thời gian xảy ra việc phá rừng này tương đối ngắn, tuy nhiên đối tượng tham gia khá nhiều và có trang thiết bị hỗ trợ như cưa máy nên diện tích rừng bị phá là rất lớn. Do khu vực này có địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn nên công tác tuần tra, phát hiện chưa kịp thời. Đối tượng phá rừng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên ban đầu tổ công tác chỉ nắm tên tuổi, nơi ở và vận động các đối tượng này rời khỏi hiện trường, không tiếp tục phá rừng. Khu rừng này đã có quy hoạch giao cho Công ty TNHH Tân Toàn Cầu, chủ yếu là khoanh nuôi tái sinh tự nhiên để giữ lại làm rừng phòng hộ. Tuy nhiên, việc này chỉ mới ở bước quy hoạch, rừng vẫn thuộc thẩm quyền quản lý của UBND xã Phú Mỡ, chứ chưa giao cho Công ty TNHH Tân Toàn Cầu. Đối với rừng phòng hộ xung yếu, nếu phá rừng với diện tích trên 3.000m2 thì đủ yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Có hay không những tổ chức, cá nhân đứng đằng sau vụ phá rừng?
Việc phá rừng tại các tiểu khu 83, 90 ở xã Phú Mỡ là rất nghiêm trọng. UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã Phú Mỡ, Xuân Quang 1 và các cơ quan liên quan bàn giải pháp ngăn chặn. Do nhu cầu trồng rừng những năm gần đây tăng cao, nên tình trạng phá rừng ngày càng phức tạp. Huyện chỉ đạo thành lập tổ công tác liên ngành, chia thành 4 đội để điều tra, thu thập chứng cứ và củng cố hồ sơ. Qua điều tra ban đầu, hầu hết các đối tượng trực tiếp phá rừng là đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Phú Tâm, xã Xuân Quang 1. Trước mắt, địa phương tổ chức họp dân, tuyên truyền để dân hiểu rõ phá rừng là vi phạm pháp luật, kể cả người khác thuê phát dọn nhưng rừng vẫn còn đặt dưới sự quản lý của Nhà nước thì cũng bị vi phạm pháp luật. Đến nay, bước đầu Công an huyện đã xác định được 3 đối tượng tại địa phương đứng ra thuê phát dọn khu vực rừng nói trên. Công an huyện đang tiếp tục điều tra mở rộng để xác định có hay không những tổ chức, cá nhân đứng đằng sau vụ phá rừng này... Và huyện sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.
Ông Đặng Ngọc Anh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân |
ANH NGỌC - HOÀI NAM