Kết thúc đề án Bê tông hóa giao thông nông thôn giai đoạn 2013-2015, cả tỉnh còn hơn 450km đường giao thông nông thôn chưa được hoàn thành, tập trung chủ yếu ở các xã miền núi. Từng ngày, người dân miền núi vẫn mong những tuyến đường tới tận ngõ xóm, thôn buôn sớm được bê tông hóa để việc đi lại bớt khó khăn.
NHIỀU TUYẾN ĐƯỜNG CÒN GẬP GHỀNH
Trong 9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh thì 3 huyện miền núi là Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa đạt tỉ lệ bê tông hóa giao thông nông thôn thấp nhất. Theo Sở GTVT, gần 300km/450km đường giao thông nông thôn chưa hoàn thành nằm ở 3 huyện này. Cụ thể, huyện Đồng Xuân đăng ký gần 155km, mới chỉ thực hiện được hơn 81km/320 tuyến, đạt hơn 52%. Huyện Sơn Hòa đăng ký 217,6km, mới thực hiện được gần 39km/116 tuyến, đạt tỉ lệ gần 18%. Huyện Sông Hinh đăng ký gần 122km, mới thực hiện được 76km/143 tuyến, đạt gần 63%.
Những tuyến đường giao thông nông thôn chưa hoàn thành phần lớn đi qua khu vực ít dân cư và có địa hình không bằng phẳng đòi hỏi kinh phí đầu tư cao, vượt quá khả năng đóng góp của các hộ dân vùng miền núi. Ông Mông Chí Đoàn, Phó Trưởng thôn Chư Blôi, xã Ea Bar (huyện Sông Hinh), cho biết: Hệ thống giao thông liên thôn, liên xóm trong thôn dài 13km nhưng mới chỉ bê tông hóa được 4km. Những đoạn được bê tông hóa đều nằm ở địa hình bằng phẳng, còn những đoạn đường có địa hình dốc thường gây khó khăn cho đi lại của người dân vẫn chưa được làm. Đường trục chính của thôn cũng mới chỉ làm được 1km/4km. Theo chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn, để hoàn thành 3km còn lại cần tới 10 tỉ đồng, người dân sẽ phải đóng góp 200 triệu đồng, tương đương mỗi hộ đóng hơn 1 triệu đồng. Với thu nhập của người dân ở đây khoản tiền này quá lớn.
Còn ông Trần Minh Tiên, Chủ tịch UBND xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), cho hay: Trên địa bàn xã có khoảng 3 tuyến đường có chiều dài 200-300m, là những tuyến đường nhánh chưa được bê tông hóa. Nguyên nhân là do đoạn đường này đi tới các đơn vị hành chính như trường học, nhà văn hóa…, không có dân cư sinh sống. Để hoàn thành mỗi tuyến cần từ 500-700 triệu đồng, trong khi ngân sách xã không có, người dân không đóng góp nên nhiều năm nay đường vẫn gập ghềnh.
Tại xã miền núi An Lĩnh của huyện Tuy An, đường tới xóm Vườn, thôn Quang Thuận chỉ dài 2km nhưng hơn 20 năm nay các hộ dân ở đây vẫn phải chịu cảnh đi lại trên con đường đất đá lởm chởm. Theo ông Phạm Hồng Thái, Bí thư Chi bộ thôn Quang Thuận thì cả xóm Vườn chỉ có 9 hộ dân, 41 khẩu. Từ năm 1991 đường đã được cấp phối, nhưng theo thời gian bị mưa gió xói mòn, giờ đường toàn đá hộc lồi lõm đi lại rất khó khăn, còn vận chuyển nông sản gần như không được.
MONG ĐƯỢC HỖ TRỢ
Anh Phạm Văn Trung, một hộ dân trong xóm Vườn, cho biết: Người dân trong xóm mong mỏi từng ngày đường được kiên cố hóa để đi. Khi có chủ trương bê tông hóa giao thông nông thôn theo chương trình nông thôn mới, bà con mừng lắm. Địa hình đường núi khó khăn, để bê tông được ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước mỗi hộ dân trong xóm phải đóng góp từ 20-25 triệu đồng. Mức đóng góp này vượt quá khả năng của người dân. Người dân chỉ còn biết trông mong vào sự hỗ trợ của các cấp chính quyền. Nếu không sớm làm đường, vào mùa mưa lũ, với tình trạng đường như hiện nay, bà con trong xóm lại bị cô lập như những mùa lũ trước.
Kinh phí làm đường lớn, cấp xã khó có thể thực hiện vì vượt quá khả năng chi trả của ngân sách xã. Ông Sô Minh Hương, Chủ tịch UBND xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa), bày tỏ: Xã có 7 thôn thì 5 thôn đã được bê tông hóa giao thông nông thôn. Còn lại 2 thôn với 8km vẫn là đường đất đá. Nguyên nhân là do khả năng huy động nhân dân đóng góp rất hạn chế.
Để bê tông hóa giao thông nông thôn vùng miền núi, nếu chỉ chờ nguồn vốn từ chương trình nông thôn mới cộng với sự đóng góp của nhân dân thì không thể hoàn thành. Theo ông Trần Thanh Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, 3 năm thực hiện đề án Bê tông hóa giao thông nông thôn, địa phương đã thực hiện được 76km đường với tổng kinh phí gần 52 tỉ đồng, trong đó vốn huy động từ nhân dân 8,7 tỉ đồng, còn lại huyện chủ động lồng ghép vốn từ các chương trình, dự án khác. UBND huyện chủ trương đầu tư trọng tâm cho các xã điểm, từ đó nhân rộng ra các xã trong huyện. Hiện toàn huyện có 3/10 xã hoàn thành tiêu chí số 2 về giao thông trong bộ 19 tiêu chí nông thôn mới.
Theo Sở GTVT, kế hoạch bê tông hóa giao thông nông thôn giai đoạn 2016-2020 sẽ đầu tư thực hiện khoảng 1.200km, trong đó tạm dừng đầu tư các tuyến đường ngõ xóm ở các xã vùng đồng bằng để ưu tiên cho các xã vùng miền núi, đặc biệt là các xã khu vực khó khăn; nhằm đảm bảo phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho vùng miền núi. |
MINH DUYÊN