Liên tục từ cuối năm ngoái đến nay, giá các loại trứng gia cầm hạ sâu, khiến người chăn nuôi gà, vịt bị thua lỗ nặng. Nhiều người đã phải giảm, bỏ đàn vì không cầm cự nổi.
NGƯỜI NUÔI GẶP KHÓ
Từ cuối năm ngoái đến nay, giá trứng, thịt gia cầm liên tục hạ, khiến nhiều hộ nuôi gia cầm lâm cảnh nợ nần. Bà Ngô Thị Lý ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), cho biết: Cuối năm ngoái, giá trứng vịt còn bán được 18.000 đồng/chục, nhưng sau đó trứng liên tục hạ, bây giờ chỉ còn 14.000 đồng/chục (giá bán tại trại nuôi - PV). Trong khi đó, mỗi ngày đàn vịt 1.000 con của gia đình tôi ăn hết 4,5 bao cám, với giá cám 332.000 đồng/bao (loại 40kg/bao), vị chi hết 1,5 triệu đồng. Nhưng đổi lại đàn vịt này mỗi đêm chỉ đẻ được từ 850-900 trứng, với giá bán 1.400 đồng/trứng, tương đương 1,2 triệu đồng, thì tính ra, sau mỗi đêm tôi bị lỗ 250.000-300.000 đồng. Đó là chưa kể tiền thuê “cai đàn” (người chăn vịt), thuốc men. Hiện gia đình tôi phải lấy cám nợ từ các lò trứng để cầm cự vì vốn đầu tư đã “cụt” dần theo đàn vịt.
Tương tự, từ tết đến nay, người nuôi gà cũng lao đao không kém. Ông Ba Khang, chủ trang trại gà sạch Đồng Lợi, cho hay: Giá thành sản xuất trứng gà của trang trại là 1.500 đồng/trứng, trong khi đó giá bán hiện nay chỉ 1.400 đồng/trứng, thấp hơn giá thành 100 đồng/trứng. Đàn gà đẻ của trang trại có 45.000 con, bình quân mỗi ngày đẻ được 40.000 trứng, tương đương với việc mỗi ngày trang trại phải bù lỗ 4 triệu đồng cho đàn gà. Nếu giá trứng cứ tiếp tục ở mức thấp như thế này, người chăn nuôi như chúng tôi không đủ sức cầm cự.
Không chỉ khó khăn vì giá trứng hạ, hiện nay, người nuôi gia cầm còn gặp khó vì đầu ra của trứng bị ứ đọng. Bà Hà Thị Lan ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa), cho biết: Gia đình tôi nuôi 800 con vịt đẻ bán “chạy chợ” (không bán cố định cho nhà lò mà tự tiêu thụ). Bây giờ khi trứng thừa quá nhiều, các lò trứng ưu tiên thu của bạn hàng nên sản lượng trứng của gia đình không tiêu thụ được. Hiện ngày nào tôi cũng mang trứng ra chợ để bán lẻ hoặc bỏ lại cho các hàng quán với giá rẻ hơn nên phải chịu cảnh lỗ chồng lỗ.
GIẢM, BỎ ĐÀN
Theo những người nuôi vịt, trong tình cảnh giá trứng dưới giá thành sản xuất như hiện nay thì ai có đàn ít lỗ ít, hộ nào đàn nhiều thì càng lỗ nặng. Chính vì vậy, để giảm lỗ, nhiều hộ nuôi vịt đang giảm mạnh đàn nuôi. Ông Lê Văn Lũy ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa), cho biết: Để gầy được đàn vịt đẻ 2.500, gia đình tôi phải bỏ ra 250 triệu đồng (bình quân mỗi con vịt từ khi nuôi đến khi sinh sản có giá thành khoảng 100.000 đồng). Bây giờ giá trứng hạ thấp quá, tiêu thụ lại khó khăn, cứ sau mỗi đêm tôi bị lỗ khoảng 500.000 đồng. Với kiểu này, hết mùa đồng, tôi sẽ loại bớt 1.500 con, chỉ giữ lại 1.000 con để cầm cự chờ thị trường.
Trong khi đó, thời gian vừa qua, nhiều hộ vì không đủ sức để giữ vịt, đành phải bỏ đàn. Gia đình ông Trần Công Văn ở thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An) có gần 30 năm cắm sào chăn vịt, vậy mà vừa rồi ông đành ngậm ngùi bán hết đàn vịt đang kỳ đẻ trứng cho thương lái đưa sang Trung Quốc tiêu thụ. Ông Văn ngậm ngùi cho hay: Đàn vịt 1.000 con đang kỳ cho trứng nhưng vì thua lỗ kéo dài nên tôi buộc lòng phải thải đàn để cắt lỗ. Chỉ từ cuối năm ngoái đến nay, gia đình tôi đã lỗ hơn trăm triệu đồng cho đàn vịt. Cứ đà này, mình mà tiếc của, ôm vịt thì vỡ nợ lớn.
Theo ông Đào Lý Nhĩ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, khả năng trứng gia cầm hạ thấp trong thời gian qua là vì cung nhiều hơn cầu, đây cũng là quy luật chung của thị trường. Để tránh tình trạng này lặp đi lặp lại, người chăn nuôi không nên hấp tấp tăng đàn khi giá cao để rồi phải chịu lỗ vì hàng “dội chợ”. Đồng thời, bà con cũng nên quan tâm đến việc tiêm phòng và vệ sinh thú y…, không để xảy ra dịch bệnh, gây thiệt hại kép trong lúc đang khó khăn.
Theo Sở NN-PTNT, tổng đàn gia cầm toàn tỉnh duy trì khoảng 3,7 triệu con. Bình quân, mỗi năm cung cấp cho thị trường 116 triệu quả trứng và khoảng 6,8 triệu tấn thịt gia cầm. Nghề nuôi gia cầm giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương, góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của ngành chăn nuôi toàn tỉnh. Tuy nhiên, lâu nay quy hoạch, định hướng cho phát triển nghề chăn nuôi gia cầm chưa được thực hiện, phần lớn người chăn nuôi tự phát triển, điều tiết đàn nuôi dựa trên cảm quan mà chưa có mối liên kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ nên thường xuyên gặp cảnh “dội chợ” và thua lỗ. |
SƠN CA