Thứ Sáu, 29/11/2024 17:37 CH
Phát huy vai trò người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ Tư, 04/05/2016 08:42 SA

Già làng Ma Meo đang tuyên truyền vận động đồng bào trong thôn làm theo pháp luật của Nhà nước - Ảnh: M.DUYÊN

Năm 2016, cả tỉnh có 118 người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những cá nhân này không chỉ là các già làng, trưởng thôn, buôn mà còn là những người sản xuất kinh doanh giỏi, thầy thuốc, cán bộ nghỉ hưu. Hàng ngày, với uy tín và tài năng của mình, họ đã hướng đồng bào mình phát triển kinh tế, làm theo chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

 

TẤM GƯƠNG LÀM KINH TẾ GIỎI

 

Thôn 6 (xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân) từng là thôn đặc biệt khó khăn với 50/90 hộ đồng bào dân tộc thiểu số và chủ yếu là hộ nghèo. Không chấp nhận nghèo đói mãi, ông Lê Văn Thanh, người dân tộc Chăm Hroi, đã biết vươn lên làm kinh tế, ổn định đời sống gia đình. Ông Thanh được người dân tin tưởng chọn làm người uy tín ở thôn 6. Ông Thanh cho biết: Điều kiện tự nhiên ở vùng miền núi này khó khăn nên sản xuất nông nghiệp rất bấp bênh. Dù vậy, tôi không bỏ đất mà cùng gia đình liên tục mở rộng diện tích trồng trọt. Tôi học theo cán bộ nông nghiệp, thấy đất phù hợp với cây sắn thì trồng sắn; thấy lúa rẫy cho sản lượng gạo thấp thì chuyển sang trồng lúa nước. Được hỗ trợ 1 con bò từ vài năm trước, tôi động viên các con, không vì túng thiếu trước mắt mà bán bò, ngược lại phải chăm sóc nó cẩn thận hơn. Rẫy gần không có cỏ thì tôi dắt bò lên rẫy xa, miễn sao bò có cỏ ăn để phát triển, sinh sản. Nhờ vậy, giờ gia đình tôi có 1,5ha sắn, hơn 1 sào lúa nước và 3 con bò. Cuộc sống ổn định, không còn thiếu ăn, mà mỗi năm làm dư ra được vài chục triệu đồng gửi tiết kiệm.

 

Học cách làm của ông Lê Văn Thanh, 50 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn 6 không ai có tư tưởng du canh nữa mà yên tâm ổn định sản xuất. Khi được hỗ trợ mỗi hộ 1 con bò, các hộ này cũng đã chăm chỉ nuôi bò, nhân đàn để có cơ hội thoát nghèo. Chị Mí Lúa ở thôn 6, cho biết: Già Thanh nghe theo cán bộ trồng sắn, trồng lúa nước nên có sắn, có lúa. Già Thanh chịu khó nuôi bò nên nó sinh sản ngày càng nhiều. Học già Thanh, tôi cũng chịu khó trồng lúa nước và nuôi bò nên cuộc sống giờ bớt nghèo khó rồi.

Bên cạnh trồng trọt, chăn nuôi, ông Hoàng Thanh Sơn, dân tộc Tày, người uy tín ở thôn Vạn Giang, xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh) còn làm thêm dịch vụ để phát triển kinh tế. Ông Sơn cho biết: Như nhiều người dân ở thôn Vạn Giang, gia đình tôi cũng làm 3 sào lúa nước, 4ha sắn và nuôi 5 con bò lai và heo. Tuy nhiên, vì sản xuất nông nghiệp chỉ mang lại cuộc sống kinh tế ổn định nên để kiếm thêm tiền, tôi mở dịch vụ xay xát lúa, cày đất phục vụ bà con trong thôn. Nhờ vậy, hàng năm, gia đình tôi thu nhập hơn 200 triệu đồng.

 

UY TÍN TRONG NHIỀU LĨNH VỰC

 

Không chỉ làm kinh tế giỏi, trên các lĩnh vực khác, những cá nhân uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng đang góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con. Điển hình như ông La Chí Thái, người dân tộc Ba Na ở thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân. Hàng chục năm nay, ông đã cần mẫn đi khắp các ngọn núi tìm cây lá chữa bệnh cho mọi người. Ông La Chí Thái cho biết: Từ nhỏ khi theo cha đi rừng tìm lá thuốc, tôi đã thấy nghề này có ý nghĩa rất lớn với đời sống đồng bào. Vì người dân ở xa, giao thông và phương tiện đi lại khó khăn nên không phải lúc nào cũng xuống được trạm y tế, đi bệnh viện để chữa bệnh. Chỉ có cây rừng mới cứu được bà con trong lúc cấp bách ấy. Theo ông Thái, hơn 50 năm trong nghề, ông cũng không nhớ mình đã cứu chữa cho bao nhiêu người...

 

Có những già làng tuy tuổi cao nhưng vẫn tích cực cùng địa phương tuyên truyền vận động bà con làm theo cái mới, cái tiến bộ, như già làng Y Cái, dân tộc Chăm Hroi ở buôn Hố Hầm, xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa), già làng Ma Meo, dân tộc Ba Na ở thôn Phú Hải, xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân)… Năm nay, già làng Y Cái đã 98 tuổi. Ở cái tuổi này, ai cũng nghĩ già thuộc thế hệ có tư tưởng cổ hủ nhưng ngược lại, già là người tiên phong tuyên truyền vận động đồng bào trong buôn xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Già Y Cái cho biết: Những hủ tục xưa như ma chay, cưới thách… tồn tại được bởi lúc đó đời sống dân trí thấp. Nay Đảng mang ánh sáng văn minh tới đồng bào thì những hủ tục ấy cần bị xóa bỏ. Chỉ có như vậy mới nhân lên tình đoàn kết trong cộng đồng dân tộc.

 

Theo ông Phan Hữu Đại, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, tại Quyết định 606 về phê duyệt danh sách người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên năm 2016, trong tổng số 118 người uy tín có 53 người là già làng, 5 người là cán bộ nghỉ hưu, 1 người là thầy thuốc và 59 người sản xuất kinh doanh giỏi. Những cá nhân này không chỉ là điển hình nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, có tư tưởng tiến bộ mà còn là cầu nối đồng bào với Đảng để chính sách của Đảng gần hơn với đời sống đồng bào, để đồng bào tin Đảng, một lòng cùng với Đảng xây dựng sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước. 

 

MINH DUYÊN

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek