Năm Doanh nghiệp Phú Yên - 2016, tỉnh triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Thực hiện chương trình này, mới đây, Sở Xây dựng tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng để nắm bắt, hỗ trợ và chung tay tháo gỡ vướng mắc cùng các doanh nghiệp. Báo Phú Yên lược ghi một số ý kiến.
* ÔNG HUỲNH LỮ TÂN, GIÁM ĐỐC SỞ XÂY DỰNG: Tạo sự phát triển bền vững của ngành Xây dựng
Xây dựng là một trong những lĩnh vực có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của Phú Yên. Thời gian qua, ngoài việc hỗ trợ các doanh nghiệp này hoạt động thì trong quá trình quản lý, vì nhiều lý do đôi khi cũng gây ra những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp. Để tạo được sự đồng thuận và tiếng nói chung giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp xây dựng, thời gian tới, trong trách nhiệm và quyền hạn của mình, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục nâng cao năng lực, đẩy mạnh cải cách hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp. Sắp tới, sở cũng sẽ phối hợp với Sở TN-MT lập quy hoạch các mỏ khai thác vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh, tổ chức đấu thầu, giao quyền khai thác và kinh doanh. Khi xây dựng công trình, các nhà thầu chỉ việc mua lại vật liệu của các đơn vị này, định hướng này sẽ giúp giải quyết hài hòa giữa Luật Khoáng sản với nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường của địa phương; giải quyết tình trạng ùn tắc, khi các nhà thầu thi công phải lập thủ tục xin khai thác mỏ như lâu nay. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền của sở, đơn vị sẽ tiếp tục kiến nghị lên UBND tỉnh và Bộ Xây dựng. Về phía doanh nghiệp, sở cũng yêu cầu các đơn vị phải thẳng thắn nhìn nhận những thiếu sót của mình, có phương án tái cơ cấu lại doanh nghiệp để đáp ứng được nhu cầu thực tiễn và quy định của pháp luật, giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển, góp phần đưa ngành Xây dựng của địa phương ngày một tiến lên vững mạnh.
* TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CP XÂY DỰNG HIỆP HÒA NGUYỄN HUỲNH VĨNH HUY: Cập nhật khung giá vật liệu xây dựng công trình kịp thời với giá thị trường
Trong thời gian qua, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đã nhận được nhiều sự hỗ trợ kịp thời của tỉnh cũng như từ lãnh đạo đầu ngành. Tuy nhiên, hiện nay, bộ khung giá quy định trong xây dựng công trình đang áp dụng chưa theo kịp giá của thị trường, đây là một vướng mắc lớn khiến doanh nghiệp xây dựng gặp nhiều khó khăn. Đồng thời khi lập thiết kế, dự toán cho dự án, nhiều chủ đầu tư chỉ tính toán đến chi phí vận chuyển từ mỏ đất, cát đến công trình. Nhưng trên thực tế, các nhà thầu xây dựng không thể lấy đất, cát từ mỏ được vì thời gian làm thủ tục để được cấp mỏ vật liệu mất gần 2 năm, không đáp ứng được tiến độ thi công, buộc lòng doanh nghiệp phải bỏ tiền để mua.
* ÔNG ĐẶNG ĐÌNH LÂM, PHÓ GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH TƯ VẤN KIẾN TRÚC XÂY DỰNG LÂM THỊNH: Hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết việc làm cho lao động trẻ
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng ở Phú Yên chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, với nguồn nhân lực khoảng 10 người/doanh nghiệp. Mặc dù chưa đủ lớn mạnh, nhưng thời gian qua, các doanh nghiệp xây dựng ở Phú Yên cũng đã góp phần giải quyết việc làm với nguồn thu nhập ổn định cho nhiều lao động trẻ, trong đó có nhiều sinh viên hệ cao đẳng, trung cấp. Hiện nay, Bộ Xây dựng quy định các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế xây dựng phải đảm bảo đủ số lượng kỹ sư theo quy định mới được tham gia thiết kế. Điều này vô hình chung đẩy doanh nghiệp đến việc lựa chọn tuyển dụng giữa kỹ sư hoặc lao động cao đẳng, trung cấp, và đương nhiên, chúng tôi sẽ chọn tuyển kỹ sư. Vì vậy, là doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực tư vấn thiết kế xây dựng, tôi đề nghị Nhà nước cần xem xét, tính toán lại việc quy định về nhân lực, trình độ trong hoạt động tư vấn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động, đồng thời cũng tạo cơ hội cho đội ngũ lao động trình độ cao đẳng, trung cấp có việc làm.
* BÀ HUỲNH BÍCH HỢP, GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH BÍCH HỢP: Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của ngành chủ quản
Là doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực xây dựng tại địa phương khá lâu, từ mua bán, sản xuất vật liệu xây dựng và đang triển khai dự án nhà ở xã hội, thời gian qua, chúng tôi đã có rất nhiều lần làm việc cùng các ban, ngành của địa phương trong việc hoàn tất thủ tục, giấy tờ theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay việc cải cách thủ tục hành chính của tỉnh, đặc biệt của ngành Xây dựng còn rất hạn chế, gây khó khăn, phiền hà và chậm trễ cho các doanh nghiệp. Điển hình như trong quá trình lập thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội, đơn vị đã phải trình gửi rất nhiều công văn và các ban, ngành cũng có đến 67 công văn trả lời, đề nghị, yêu cầu… cho đến khi dự án được phê duyệt. Vì vậy, tôi xin kiến nghị tỉnh cần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng cần nâng cao trách nhiệm và phát huy vai trò của một cơ quan chủ quản đầu ngành. Khi doanh nghiệp gặp vướng mắc trong công tác hoàn thiện hồ sơ thủ tục… thì sở sớm hướng dẫn cho doanh nghiệp để kịp thời bổ sung, sửa chữa. Đây là cách hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực nhất.
* ÔNG ĐÀO TƠ, GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH TRƯỜNG PHÁT: Tạo điều kiện ưu tiên cho doanh nghiệp trong tỉnh
Một thực tế đang diễn ra hiện nay là các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia đấu thầu tại các tỉnh bạn hầu như không thể “bước chân” vào được, bởi vì tỉnh bạn có cơ chế ưu tiên, hỗ trợ cho doanh nghiệp của địa phương mình. Ví như khi chúng tôi tham gia đấu thầu tại Khánh Hòa, tỉnh bạn đề ra yêu cầu là đã thi công, thiết kế công trình tại Khánh Hòa. Hoặc như tại Đắk Lắk, các chủ đầu tư ở đây đều yêu cầu phải có kinh nghiệm thi công, thiết kế các công trình trên nền đất đỏ bazan hoặc tương tự… Trong khi đó, hiện nay, hầu hết công trình xây dựng tại Phú Yên chủ yếu do các doanh nghiệp ngoài tỉnh thực hiện, dẫn đến các doanh nghiệp trong tỉnh rất ít việc làm, khó phát triển. Để các doanh nghiệp địa phương có nhiều cơ hội tiếp cận với công trình xây dựng trong tỉnh, tôi kiến nghị lãnh đạo ngành nên xem xét, tính toán đến cơ chế ưu tiên để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tại tỉnh nhà như các tỉnh bạn.
* ÔNG ĐINH VĂN MẸO, GIÁM ĐỐC CÔNG TY CP TƯ VẤN THIẾT KẾ XÂY DỰNG PHÚ YÊN: Hạn chế tình trạng nợ xây dựng là cứu doanh nghiệp
Trong nhiều năm làm xây dựng, việc khiến những công ty xây dựng chúng tôi lo sợ nhất đó là bị nợ xây dựng. Hiện nay, Phú Yên có hơn 200 doanh nghiệp hoạt động xây dựng, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, nguồn vốn còn hạn chế, phải vay vốn từ ngân hàng. Đồng vốn của doanh nghiệp buộc phải luôn được sử dụng xoay vòng. Vì vậy, nếu trong quá trình thi công, chủ đầu tư không kịp thời giải ngân, để xảy ra tình trạng nợ đọng kéo dài thì doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Bởi lẽ, khi có nợ đọng trong xây dựng cơ bản thì chỉ có doanh nghiệp mới phải trả lãi cho ngân hàng, trong khi đó, các chủ đầu tư thì không tính lãi cho doanh nghiệp. Để doanh nghiệp xây dựng không lâm vào tình cảnh khó, chúng tôi kiến nghị tỉnh, các ban ngành, chủ đầu tư nghiên cứu, xem xét và có biện pháp hạn chế thấp nhất tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản, đây là cách cứu các doanh nghiệp xây dựng ổn định phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh nhà.
THỦY TIÊN (ghi)