Thứ Sáu, 29/11/2024 23:34 CH
Các chương trình đầu tư cho huyện miền núi Sông Hinh:
Phát huy hiệu quả nhờ lồng ghép các nguồn vốn
Thứ Tư, 27/04/2016 13:00 CH

Huyện Sông Hinh là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn nhưng nhờ được thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ cho vùng miền núi nên cuộc sống của người dân tộc thiểu số đã có những thay đổi đáng kể, tỉ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt.

 

Từ nguồn vốn lồng ghép, đồng bo dân tộc thiểu số ở thôn Chư Blôi (xã Ea Bar) có nước sinh hot dùng - nh: M.DUYÊN

 

CỘNG HƯỞNG

 

Theo UBND huyện Sông Hinh, trong 5 năm qua, địa phương này đã lồng ghép 8 nguồn vốn của các chương trình 135, định canh định cư, vốn hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, đầu tư cho huyện nghèo, chương trình huyện giáp ranh Tây Nguyên, nông thôn mới, nước sạch và vệ sinh môi trường, vốn địa phương… để đầu tư cho nhiều khu vực của huyện, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng nguồn vốn của các chương trình này hơn 483 tỉ đồng dùng để đầu tư 60 công trình giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng, cấp nước, giáo dục, thủy lợi, điện... Các nguồn vốn này cũng hỗ trợ 2.000 hộ nghèo cây, con giống, làm chuồng trại chăn nuôi, được cấp phát phân thuốc bảo vệ thực vật… phục vụ phát triển sản xuất.

 

Ông Trần Thanh Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: Mọi nguồn vốn đều hướng tới phục vụ đời sống nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn. Khi triển khai, nếu chỉ sử dụng kinh phí của một nguồn vốn thì không thể hoàn thiện các công trình hạ tầng cơ sở. Việc lồng ghép các nguồn vốn tạo nên sự cộng hưởng nhằm tăng tính hiệu quả của các chính sách hỗ trợ; đồng thời đảm bảo được quy hoạch hạ tầng cơ sở chung cho các xã trên địa bàn huyện.

 

Theo UBND huyện Sông Hinh, trong 5 năm qua, địa phương này có 7 xã và 8 thôn, buôn đặc biệt khó khăn được thụ hưởng Chương trình 135 với tổng vốn đầu tư 32,2 tỉ đồng. Nguồn vốn này không đủ để vừa xây nhà văn hóa, làm công trình nước vừa hoàn thành các tuyến đường, trường học… Nhưng khi có thêm kinh phí từ các chương trình khác thì tất cả công trình này được đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư. Cụ thể như nguồn vốn sử dụng để bê tông hóa các tuyến đường thôn, xã là 125,2 tỉ đồng, trong đó vốn của Chương trình 135 chỉ đóng góp gần 9,6 tỉ đồng, còn lại là vốn từ chương trình xây dựng nông thôn mới, định canh định cư…

 

NGƯỜI DÂN HƯỞNG LỢI

 

Từ những nguồn vốn này, hạ tầng cơ sở được xây dựng tạo cơ hội giao thương, mang lại cuộc sống ổn định cho người dân các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Sông Hinh. Nhiều khu dân cư tập trung và xen ghép được xây dựng với hệ thống điện, đường giao thông, giếng nước đầy đủ, giúp đồng bào dân tộc thiểu số xóa bỏ tập quán du canh du cư, ổn định cuộc sống. Trong 5 năm qua, trên địa bàn huyện Sông Hinh, 178/250 hộ dân tại 2 xã Ea Bar, Ea Lâm, 68 hộ ở xã Đức Bình Tây cùng 60 hộ ở xã Ea Trol và Sơn Giang có nơi ở mới, tốt hơn nơi ở cũ. Bà con rất phấn khởi khi được Nhà nước quan tâm. Mí Thén, dân tộc Ê Đê ở buôn Mả Vôi (xã Đức Bình Tây), nói: Chỗ ở cũ trũng thấp, sản xuất khó khăn. Cuộc sống của người dân trong buôn vì thế cũng tạm bợ lắm. Nay bà con được di chuyển tới đây, có đường, nhà văn hóa, nhà ở kiên cố, có điện… nên yên tâm sống và lao động sản xuất.

 

Tại các xã Ea Ly, Ea Lâm, Ea Bá và xã Sông Hinh, khi 4 công trình nước sinh hoạt tập trung đi vào hoạt động thì 4.500 hộ có nước sinh hoạt hợp vệ sinh, cảnh người dân phải đi xa để lấy nước về dùng đã chấm dứt nên bà con phấn khởi. Oi Mai ở xã Ea Lâm, xúc động bày tỏ: Bao năm qua, tình trạng khan hiếm nước diễn ra thường xuyên. Tôi cũng như đồng bào ở đây hàng ngày phải ra suối xa lấy nước. Giờ có công trình nước đưa nước về tận nhà, tôi vui lắm.

 

Còn theo già làng Ma Káp ở buôn Bầu, xã Ea Báthì trước đây, bà con trong buôn chỉ biết làm lúa rẫy, nuôi bò, heo thả rông… nên bữa no bữa đói. Nay, được cho giống và hướng dẫn cách làm lúa nước nên mùa nào lúa cũng đầy nhà. Các hộ dân còn được hỗ trợ làm chuồng trại cho gia súc nên vật nuôi khỏe mạnh, vệ sinh nơi người dân sinh sống được cải thiện.

 

Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 45% trong tổng số dân toàn huyện Sông Hinh. Năm 2011, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉ lệ hộ nghèo chiếm tới 64,5%; nay chỉ còn 39%. Có được kết quả này là nhờ huyện Sông Hinh đã lồng nghép các nguồn vốn có hiệu quả, giúp đồng bào có cuộc sống ổn định, từ đó củng cố lòng tin của người dân vào Đảng, Nhà nước và chính quyền.

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Trần Thanh Định

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek