Thứ Ba, 22/10/2024 14:39 CH
Keo “lấn” sắn, diện tích rừng trồng tăng
Thứ Năm, 24/03/2016 07:56 SA

Người dân xã vùng cao Phú Mỡ trồng keo - Ảnh: L.TRÂM

Lâu nay trên các vùng đất gò bằng phẳng, người dân thường đầu tư trồng sắn nhưng nay được chuyển sang trồng keo. Nguyên nhân giá gỗ dùng làm nguyên liệu giấy tăng, trong khi đó, sắn bị chuột cắn phá lại còn bị bệnh chổi rồng, rệp sáp bột hồng.

 

KEO TỪ ĐỒI “CHẠY” XUỐNG GÒ

 

Các vùng đất gò bằng phẳng từ xã Phú Mỡ xuống đến xã Xuân Phước, Xuân Quang 3, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân), trước đây được trồng mía sắn, nay nông dân đầu tư trồng keo. Bà Nguyễn Thị Lập ở xã Xuân Phước, cho biết: Tôi có đám đất gò rộng gần 3 sào, gần 40 năm qua được trồng xen, năm sắn năm mía. Vừa rồi tôi trồng sắn, vài người đến hỏi mua đám 4 triệu đồng. Tính ra công cáng, phân thuốc từ khi trồng đến khi sắn ra củ hết 3 triệu đồng. Không có lời gì mấy, nhổ sắn xong tôi trồng keo, hiện nay được 2 tháng tuổi.

 

Còn ông Phan Tấn ở xã Xuân Quang 3, nói: Trồng keo trở thành phong trào. Trước đây cây keo trồng trên đất rẫy, đồi (đất có độ dốc) nhưng hiện nay vùng đất gò bằng phẳng sau nhà người dân cũng trồng keo. Vì trồng sắn chuột cắn phá nát lại bị bệnh chổi rồng, rệp sáp bột hồng, giá lại hạ nên chúng tôi chuyển sang trồng keo.

 

Còn dọc theo tuyến đường cứu hộ, cứu nạn và tránh lũ từ ngã tư xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) - xã An Thọ (huyện Tuy An), ngoài diện tích rừng đặc dụng, diện tích rừng sản xuất vừa khai thác được nông dân trồng keo xen vào. Ông Trần Văn Hưng ở xã An Thọ, chia sẻ: Vùng này người dân thường trồng bạch đàn xen với keo nhưng nay chỉ trồng keo, vì loại keo lai mau lớn, chỉ trồng 5 năm là thu hoạch, còn trồng bạch đàn 7-8 năm mới thu hoạch.

 

tính riêng ở xã Sơn Định, tại các khu vực như: Dốc Đá, Ruộng Cửa, chân núi Hòn Đát, Cỏ Cay, Da Bá…, nông dân trồng 65,5ha rừng kinh tế. Theo ông Đào Duy Linh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, hiện nông dân ở các xã phía bắc của huyện như xã Sơn Định, Sơn Long chủ yếu tập trung trồng rừng kinh tế, nhiều gia đình thu trên 50-70 triệu đồng từ gỗrừng trồng và đang tiến hành trồng lại rừng.

 

SỐNG DỰA VÀO RỪNG

 

Ông Nguyễn Văn Tiến ở xã Sơn Định trước đây khai hoang 1ha trang trại trồng sắn và mía, qua 5 mùa đất bị bạc màu nên ông chuyển sang trồng rừng. Vừa qua, ông thu lãi 40 triệu đồng từ thu hoạch keo. Sau khi thu hoạch, ông Tiến tiếp tục đầu tư trồng lại rừng.

 

Còn ông K’Pa Út, dân tộc Chăm H’Roi ở xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân), cho biết: “Tôi trồng 1,2ha keo lai, vừa qua có người hỏi mua 85 triệu đồng nhưng tôi chần chừ chưa bán”.

 

Phong trào trồng rừng kinh tế cũng đang lan rộng đến khu vực dân cư ở miền núi. Ông La Lang Vịn ở thôn Phú Hải, xã Phú Mỡ, cho hay: Ở đây nhà nào cũng trồng rừng, có người 5-7ha. Năm nay khai thác 1-2ha rồi trồng lại, sang năm khai thác tiếp lứa cây keo lớn, cứ thế gối đầu, người dân vùng núi này sống dựa vào rừng.

 

Hiện nhiều thương lái đi mua gỗ nguyên liệu keo lá tràm, bạch đàn… với giá 1.500 đồng/kg, tương đương 1,5 triệu đồng/tấn (tăng 300.000 đồng/tấn so với năm ngoái). Theo tính toán của những người trồng rừng kinh tế, hiện suất đầu tư cho rừng trồng suốt chu kỳ đối với đất bằng là 20 triệu đồng/ha, đất đồi dốc là 30 triệu đồng/ha. Sau 5 năm, rừng trồng được khai thác từ 70 đến 100 tấn/ha, bán với giá 1,5 triệu đồng/tấn, bình quân người trồng rừng thu 100 triệu đồng/ha. Trừ chi phí phân giống, công khai thác, vận chuyển… thì họ có lãi ròng 30-40 triệu đồng/ha.

 

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, cuối năm 2015 đến đầu năm 2016, nông dân trong tỉnh trồng 8 triệu cây giống chủ yếu là keo lai, keo tai tượng, keo lá tràm. Bên cạnh đó, nông dân khai thác 10.500m3 gỗ nguyên liệu, chiếm 75% trong sản lượng gỗ rừng trồng. Số diện tích rừng trồng tăng chủ yếu “lấn” đất sắn. Đối với sắn, hiện toàn tỉnh có trên 19.500ha, giảm 13,2% so với cùng kỳ.

 

Hiện gỗ rừng trồng có giá cao nên phong trào trồng rừng kinh tế trong nhân dân phát triển mạnh. Ở một số vùng cao trước đây, nhiều hộ nông dân khai hoang các khu vực gò đồi trồng sắn lâu ngày đất rửa trôi, bạc màu, nếu như tiếp tục trồng sắn, mía thì phải tăng đầu tư nên không lãi. Vì vậy, Sở NN-PTNT khuyến cáo nông dân chuyển sang trồng rừng kinh tế để tăng thu nhập. 

TS Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT

 

LÊ TRÂM

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek