Thứ Ba, 22/10/2024 20:39 CH
Xây dựng nông thôn mới ở Sông Hinh:
Tập trung đầu tư cho các xã đạt chuẩn
Thứ Bảy, 19/03/2016 12:59 CH

Nông thôn xã Đức Bình Tây đang ngày càng thay đổi - Ảnh: M.DUYÊN

Mặc dù là huyện nghèo nhưng Sông Hinh đã khắc phục khó khăn, tập trung mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Thành công lớn nhất của địa phương này là đưa 2 xã về đích đúng lộ trình theo đăng ký.

 

ĐỔI THAY Ở XÃ NÔNG THÔN MỚI

 

Lê Mô Y Đênh, người uy tín ở buôn Quang Dù (xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh), chỉ vào con đường bê tông trước mặt, phấn khởi khoe: Nông thôn mới kéo tới buôn rồi, đồng bào Ê Đê được hưởng lợi nhiều lắm. Bà con có đường đi sạch sẽ, có nhà rông kiên cố để sinh hoạt văn hóa văn nghệ. Nhà nước không những đầu tư kênh mương dẫn nước về tận ruộng phục vụ sản xuất mà còn hướng dẫn đồng bào cách trồng lúa nước, nhờ vậy thu nhập của bà con tăng lên đáng kể. Các hộ còn học kỹ thuật thâm canh, khai hoang trồng sắn, mía và rau màu… để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống.

 

Còn theo ông Bùi Đức Lưu ở thôn Nam Giang, xã Sơn Giang, thì phong trào nông thôn mới làm tăng khối đại đoàn kết giữa các dân tộc trong thôn. Thôn Nam Giang có 312 hộ, tuy đồng bào dân tộc thiểu số chỉ chiếm 10% dân số, nhưng lại đa dạng với các dân tộc Mông, Tày, Nùng… Trước kia, đồng bào sống khép kín, quy tụ 5-7 hộ trong một dân tộc. Khi phong trào nông thôn mới triển khai sâu rộng, đồng bào các dân tộc cùng làm đường, giữ vệ sinh thôn xóm, trao đổi với nhau cách sản xuất, cũng như chia sẻ tinh hoa văn hóa của dân tộc mình… Từ đó tăng thêm khối đoàn kết toàn dân, góp phần giúp xã Sơn Giang hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.

 

5 năm qua, cùng với quá trình thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, đời sống của người dân ở 2 xã Sơn Giang và Đức Bình Tây đã đổi thay từng ngày. Theo UBND xã Đức Bình Tây, khi chưa triển khai phong trào, trên địa bàn xã có hơn 52% hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người ở mức từ 15-17 triệu đồng/người/năm. Sau 5 năm thực hiện nông thôn mới, tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 8%, thu nhập bình quân đạt 28 triệu đồng/người/năm; hơn 92% người dân trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên; 4/5 thôn đã xây dựng nhà văn hóa; 100% thôn buôn có điện lưới quốc gia. Trường học, trạm y tế đạt chuẩn; 92% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh.

 

Còn Chủ tịch UBND xã Sơn Giang Phạm Đức Thông cho biết: Năm 2010, thu nhập của người dân chỉ ở mức 12 triệu đồng/người/năm và hộ nghèo chiếm gần 50% dân số toàn xã. Đến năm 2015, thu nhập đạt 23 triệu đồng/người/năm; cùng với đó, tỉ lệ hộ nghèo của xã cũng giảm còn 4,96%.

 

ĐỘNG LỰC ĐỂ CÁC XÃ KHÁC HỌC TẬP

 

Theo UBND huyện Sông Hinh, để có được 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, địa phương đã huy động mọi nguồn lực với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân. Huyện chủ trương tập trung nguồn lực cho các xã điểm, đồng thời chọn các xã có điều kiện cơ sở vật chất ban đầu hoàn thiện làm dự bị, để kịp về đích theo lộ trình đã đăng ký với Tỉnh ủy. Ông Trần Thanh Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: Khi bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện chọn 2 xã làm điểm, một xã đồng bào dân tộc thiểu số là Ea Ly và một xã đồng bào người Kinh là Sơn Giang. Đồng thời, huyện chọn xã Đức Bình Tây làm xã điểm dự bị. Hiện 2 xã Sơn Giang và Đức Bình Tây đã về đích, hoàn thành chỉ tiêu đăng ký với tỉnh. Đối với 2 xã nông thôn mới, 5 năm qua, UBND huyện đã huy động được hơn 159 tỉ đồng tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất; trong đó, xã Sơn Giang được đầu tư gần 88,2 tỉ đồng và xã Đức Bình Tây hơn 71 tỉ đồng. Từ đó, các xã bê tông hóa gần 50km đường nông thôn, kiên cố hóa 22,3km kênh mương, sửa chữa 8 nhà văn hóa, xây mới 3 nhà văn hóa, xóa 460 nhà tạm…

 

Bên cạnh sự hỗ trợ của huyện, xã Sơn Giang đã chủ động đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhờ vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, người dân trong xã sẵn sàng tháo dỡ hàng rào, phát quang cây xanh, đóng góp tiền, ngày công cũng như tự nguyện hiến tổng cộng hơn 2.000m2 đất để xây dựng các công trình hạ tầng. Còn tại xã Đức Bình Tây, với xuất phát điểm là xã dự bị, không được đầu tư nhiều như các xã điểm, theo ông Trần Văn Ân, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây, ngay từ đầu chính quyền xã đã tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về chủ trương xây dựng nông thôn mới. Trong đó nhấn mạnh nhân dân làm chủ, vừa là chủ thể hưởng lợi vừa là chủ thể đứng ra triển khai. Vì vậy, ngay từ khi khảo sát quy hoạch, xã thu thập ý kiến, nguyện vọng của người dân. Khi có nguồn vốn đưa về, người dân cũng trực tiếp xây dựng và nghiệm thu công trình.

 

Ông Trần Thanh Định cho biết thêm: Với một huyện miền núi nghèo còn thụ hưởng Chương trình 30a thì việc hoàn thành đăng ký theo lộ trình là cả một nỗ lực rất lớn của cả hệ thống, sự quyết tâm của chính quyền huyện, thực hiện đồng bộ của chính quyền xã và hơn hết là sự chung sức chung lòng của toàn thể nhân dân. 2 xã về đích nông thôn mới sẽ trở thành động lực, bài học cho các xã khác trong huyện vượt qua khó khăn, hoàn thành các tiêu chí. Huyện Sông Hinh phấn đấu, năm 2016-2017, 2 xã Ea Ly và Đức Bình Đông sẽ cán đích nông thôn mới; tiếp tục trong 2 năm 2018-2019, 2 xã Sông Hinh và Ea Bar hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek