Thứ Ba, 22/10/2024 20:25 CH
Nguy cơ thiếu nước đang hiện hữu
Thứ Năm, 17/03/2016 11:00 SA

Nông dân xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa) bơm nước chống hạn - Ảnh: A.NGỌC

Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, dự kiến trên địa bàn tỉnh có hơn 6.000-8.000ha lúa vụ đông xuân và khoảng 10.000ha lúa hè thu 2016 thiếu nước tưới cùng khoảng 10.000-12.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.

 

NGUY CƠ THIẾU NƯỚC PHỤC VỤ SẢN XUẤT

 

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc cho biết: Để đảm bảo nguồn lực và kinh phí cho công tác chống hạn trong thời gian tới, UBND tỉnh vừa phê duyệt phương án phòng, chống hạn và nhiễm mặn năm 2016 với tổng kinh phí 37 tỉ đồng. Trong đó, vụ đông xuân 2015-2016 cần khoảng 14 tỉ đồng để chống hạn cho 6.000-8.000ha lúa vào cuối vụ; 23 tỉ đồng chống hạn khoảng 10.000ha lúa hè thu và từ 8.000-10.000ha cây trồng cạn. Đồng thời, kinh phí này sẽ phục vụ cấp nước sinh hoạt cho từ 10.000 đến 12.000 hộ dân, tập trung ở khu vực miền núi.

Theo Đài khí tượng thủy văn Phú Yên, hiện tượng El Nino tiếp tục kéo dài đến hết tháng 4/2016, lượng mưa trong mùa khô năm 2016 trên địa bàn tỉnh có khả năng thiếu hụt từ 30-50% so với trung bình cùng kỳ nhiều năm. Dòng chảy trên các sông suối sẽ giảm từ 30-40%, vùng hạ lưu các con sông bị ảnh hưởng xâm nhập mặn. Hiện phần lớn các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh chỉ tích đạt khoảng 70-80% dung tích thiết kế, cơ bản đảm bảo cấp nước cho vụ đông xuân 2015-2016. Tuy nhiên, theo dự báo, nhiều hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh thiếu nước trong vụ hè thu 2016, nếu không có mưa tiểu mãn và mưa bổ sung trong tháng 5 và 6.

 

Theo Sở NN-PTNT, vụ đông xuân 2015-2016, tổng diện tích lúa gieo trồng trên địa bàn tỉnh hơn 26.500ha. Với thời tiết nắng nóng tiếp tục kéo dài, khả năng đến cuối vụ sẽ có khoảng 6.000-8.000ha phải triển khai chống hạn, trong đó khoảng 3.000ha có khả năng hạn nặng, ảnh hưởng đến năng suất. Nếu mưa tiểu mãn ít, nguồn nước không được cải thiện, dự kiến diện tích gieo trồng lúa vụ hè thu 2016 khoảng 23.850ha, số diện tích đất lúa còn lại phải chuyển sang trồng các cây trồng khác.

 

Ông Đào Duy Linh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, cho biết: Khoảng 50% diện tích đất canh tác của huyện phụ thuộc vào nguồn nước của hồ thủy điện Sông Ba Hạ. Tuy nhiên, mực nước hồ chứa này thường xuyên ở mức thấp, một số diện tích trồng lúa ở các xã Suối Trai và Krông Pa không đảm bảo nguồn nước tưới. Trong khi đó, một số trạm bơm thiếu hụt nước do phụ thuộc vào thời gian phát điện của Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ và thường chỉ bơm nước được ban ngày (giờ cao điểm) nên chi phí tiền điện tăng… Còn theo ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, vụ đông xuân 2015-2016, huyện có khoảng 170ha đất sản xuất thiếu nước tưới, nên huyện đã chủ động chuyển sang trồng các loại cây chịu hạn khác. Ngoài ra, tình hình xâm nhập mặn cũng ảnh hưởng đến nhiều diện tích cây trồng ở 5 xã ven đầm Ô Loan. Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài, huyện Tuy An sẽ có một số diện tích đất canh tác ở các xã An Cư, An Ninh Đông và An Hòa bị nước mặn xâm nhập. Đến nay, địa phương đã huy động khoảng 140 máy bơm tăng cường để phòng chống hạn.

 

...ĐẾN THIẾU NƯỚC SINH HOẠT

 

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, dự báo trong thời gian tới, hạn hán sẽ diễn ra gay gắt và nghiêm trọng hơn năm 2015. Do nắng nóng kéo dài trong thời gian qua nên các nguồn nước bị cạn kiệt, mực nước ngầm sụt giảm, một số giếng nước sinh hoạt bị khô cạn. Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 10.000-12.000 hộ dân bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt, trong đó nặng nhất là các xã của huyện Tuy An, gồm: An Chấn (2.638 hộ), An Hòa (1.728 hộ), An Thọ (80% số hộ dân); các xã của huyện Sơn Hòa, gồm: Sơn Định (456 hộ), Suối Trai (520 hộ).

 

Tại các địa phương này, những năm gần đây, nhiều người dân phải mua nước sinh hoạt với giá từ 50.000-100.000 đồng/m3 hoặc dùng bao nilon, can nhựa vận chuyển nước từ các giếng khoan cách xa hàng cây số về uống, còn tắm giặt thì phải ra sông, suối.

 

Đại diện Sở NN-PTNT cho biết, ngoài những nguyên nhân khách quan do biến đổi khí hậu, nhiều công trình nước sinh hoạt tập trung được đầu tư hàng tỉ đồng nhưng hoạt động kém hiệu quả cũng là một thực trạng dẫn đến người dân thiếu nước sinh hoạt trong mùa nắng nóng.

 

Để giúp người dân ổn định cuộc sống trong mùa nắng nóng, huyện miền núi Sông Hinh có giải pháp “giải khát” cho người dân khá hiệu quả. Địa phương này có 11 xã, thị trấn và trong 7 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thì có đến 6 xã được xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung bằng cách lồng ghép các nguồn vốn để cấp nước cho hơn 5.000 hộ dân. Vì vậy, người dân ở những xã này có nước để phục vụ nhu cầu sinh hoạt thường xuyên. Ông Trần Thanh Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, nói: “Hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung của huyện vẫn rất cần được đầu tư mở rộng thêm, vì nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân phải đào giếng sâu đến 30m mới có nước nên rất khó khăn. Để các công trình nước hoạt động hiệu quả thì phải bảo đảm nguồn nước cấp và dựa vào các hồ thủy điện, thủy lợi, đập, sông suối, khoan thêm giếng; công nghệ xử lý nước phải hiện đại cho cả hệ thống và làm tốt khâu quản lý, vận hành.

 

KHẨN TRƯƠNG CHỐNG HẠN

 

Theo Sở NN-PTNT, để chủ động phòng chống hạn, các đơn vị quản lý công trình thủy lợi cân đối và bố trí nguồn nước tiết kiệm, hợp lý cho từng vùng sản xuất. Đối với những nơi khó khăn về nguồn nước, các địa phương cần hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng phù hợp cho từng vùng. Các địa phương cần tổ chức gieo sạ tập trung theo từng cánh đồng, sử dụng giống phù hợp, kiện toàn các tổ thủy nông cơ sở, tổ chức nạo vét kênh mương nội đồng. Những trạm bơm có nguồn nước dễ bị nhiễm mặn cần theo dõi lịch thủy triều, thường xuyên đo độ mặn, tuyệt đối không vận hành máy bơm nước mặn vào đồng ruộng…

 

Ông Trần Thanh Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, đề nghị: Từ tỉnh đến cơ sở cần đẩy mạnh công tác nắm thông tin và tuyên truyền để mọi người, mọi nhà cùng tham gia chống hạn. Công tác chống hạn đã được triển khai, tuy nhiên hiện một số công trình đập dâng trên địa bàn huyện đang thiếu nước, nên cần tỉnh hỗ trợ để chống hạn. Các sở, ngành chức năng của tỉnh cần tăng cường kiểm tra các băng cản lửa và có biện pháp hiệu quả phòng cháy chữa cháy rừng. Hiện trên địa bàn các huyện miền núi có diện tích mía rất lớn, việc cháy mía trong mùa khô đã từng xảy ra và gây thiệt hại rất lớn. Vì vậy, tỉnh cũng cần tập huấn phòng cháy chữa cháy mía…

 

Ông Lê Chí Trọng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Để phòng, chống hạn có hiệu quả, sở đã đề nghị các địa phương triển khai nghiêm túc chỉ thị của UBND tỉnh về tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn năm 2016, đối phó với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Các địa phương cần thường xuyên nắm tình hình nguồn nước, chủ động và có giải pháp phòng chống hạn cụ thể, sát với thực tế của địa phương mình. Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam cần sử dụng nước một cách hiệu quả, sẵn sàng máy bơm để bơm bổ sung nguồn nước cho các công trình thủy lợi do đơn vị quản lý. Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn cần phối hợp với địa phương đề xuất biện pháp cấp nước thích hợp cho nhân dân. Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với các địa phương triển khai phương án phòng, chống cháy rừng…

 

ANH NGỌC - PHƯƠNG NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek