Thứ Tư, 23/10/2024 00:39 SA
Nước mắm truyền thống khó tiếp cận với khách hàng miền núi
Thứ Tư, 16/03/2016 13:00 CH

Nước mắm truyền thống được giới thiệu tại một phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi - Ảnh: V.PHÊ

Lâu nay, người dân các huyện miền núi của tỉnh chỉ quen dùng nước mắm công nghiệp nên chưa quen sử dụng nước mắm truyền thống. Thay đổi nhận thức của người sử dụng, tăng cường quảng bá, mở rộng phân phối… là những vấn đề đặt ra cho các ngành chức năng, doanh nghiệp hiện nay.

 

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh, nước mắm công nghiệp thường lạm dụng hương liệu, chất bảo quản, phụ gia nên có hạn sử dụng trong thời gian dài. Trong khi đó, nước mắm truyền thống được chế biến thủ công, không sử dụng các chất trên nên có thể có màu đen nếu để lâu ngày. Tuy nhiên, người dân nên sử dụng nước mắm truyền thống là tốt nhất, vì nguyên liệu chính của nước mắm truyền thống là muối và các loại cá do ngư dân đánh bắt được. Trường hợp có thêm gia vị thì chỉ đường phèn, bột ngọt là chủ yếu, không ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

NGƯỜI DÂN KHÔNG CHUỘNG

 

Nước mắm được xem là món nước chấm không thể thiếu của các gia đình, nhất là nước mắm được sản xuất theo cách truyền thống. Tuy nhiên, khi đến các chợ hay điểm kinh doanh thực phẩm các huyện miền núi của tỉnh, chúng tôi rất khó tìm được nước mắm truyền thống. Tại các quầy, sạp của tiểu thương, nước mắm truyền thống chỉ được trưng bày với số lượng khá khiêm tốn so với nước mắm công nghiệp. Bà Nguyễn Thị Sáu, tiểu thương bán tạp hóa ở chợ thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, cho biết: Từ trước đến nay, tiểu thương chợ này đều bán nước mắm công nghiệp như Nam Ngư, Phương Nam, Chin-su, Khải Hoàn, Kabin, Hương Việt… Những loại nước mắm này có giá rẻ, độ mặn vừa phải nên nhiều người mua. Còn bà Lê Thị Kim Yên, tiểu thương chợ thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, cho hay: Trước đây, tôi có đặt hàng nước mắm truyền thống của một cơ sở chế biến ở xã An Hòa, huyện Tuy An về bán nhưng ít người mua. Nếu trưng bày cả hai loại nước mắm thì nước mắm công nghiệp bán chạy hơn, nên dần dần tôi không bán nước mắm truyền thống nữa. Hầu hết người dân ở đây đã quen dùng nước mắm công nghiệp.

 

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Lý ở xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, nói: Gia đình tôi đã quen dùng nước mắm công nghiệp. Có lần tôi mua nước mắm truyền thống về dùng thì thấy nước mắm có vị mặn hơn nhiều so với nước mắm công nghiệp và nếu dùng trong thời gian dài thì có màu đen đậm nên tôi không sử dụng nữa.

 

Thực tế, nước mắm công nghiệp được đầu tư các kênh phân phối, quảng bá nên được nhiều người biết đến. Thậm chí với phương thức giới thiệu bằng hình ảnh bắt mắt trên bao bì kèm theo những thông tin như: Nước mắm chứa độ đạm cao, nước mắm tiệt trùng, nước mắm sạch... khiến người tiêu dùng dễ dàng “sa lưới” nếu chỉ quan tâm đến khẩu vị, giá thành.

 

CẦN ĐẦU TƯ QUẢNG BÁ SẢN PHẨM

 

Theo các cơ sở chế biến nước mắm truyền thống trong tỉnh, mùa muối mắm nhiều nhất trong năm là từ tháng Giêng cho đến tháng 5 âm lịch vì đây là thời điểm ngư dân đánh bắt cá cơm nhiều nhất. Bà Lê Thị Nhàn, chủ một hộ gia đình làm mắm truyền thống ở xã An Phú, TP Tuy Hòa, cho biết: Chúng tôi làm mắm theo quy trình cổ truyền, để mắm chín tự nhiên và không dùng chất bảo quản. Nhờ đó, nước mắm có mùi thơm và màu đỏ vừa phải. Lâu nay, ai cần mua nước mắm thì tìm đến nhà để mua. Chúng tôi cũng có chở nước mắm đến các địa phương khác để bán nhưng rất khó bán được ở các huyện miền núi. Còn theo ông Đào Văn Can, chủ một cơ sở chế biến nước mắm truyền thống ở xã An Chấn, huyện Tuy An, ông đã nhiều lần vận chuyển mắm lên các chợ ở huyện Sơn Hòa, Sông Hinh để bán, thậm chí đến từng nhà dân nhưng không bán được bao nhiêu. “Đèo vài ba chục lít mắm, đi 60-70km nhưng bán chỉ được hơn một nửa. Người dân miền núi chưa biết nhiều đến nước mắm truyền thống nhưng nếu quảng bá rộng rãi thì chúng tôi không có điều kiện. Nếu nước mắm truyền thống được người dân những huyện này sử dụng thì những cơ sở chế biến như tôi có thêm thị trường tiêu thụ ổn định”, ông Can nói.

 

Ông Đặng Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh, cho biết: Để nước nắm truyền thống đến được với người dân miền núi thì công tác tuyên truyền, quảng bá nhằm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng cần được đẩy mạnh. Công tác này phải được triển khai lồng ghép vào nội dung các cuộc sinh hoạt đoàn thể, các chương trình bình ổn giá, đưa hàng Việt về nông thôn… Các cơ sở chế biến cũng cần đầu tư công nghệ, phải đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên, để làm được điều này, các cơ sở cần được hỗ trợ vốn, hoặc tham gia các lớp tập huấn kiến thức về nâng cao chất lượng, quảng bá sản phẩm…

 

VÕ PHÊ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek